Ngày hội của người khuyết tật vùng cao
(QT) - Nỗi mặc cảm đè nặng khiến nhiều người khuyết tật sống khép mình, phó mặc tương lai cho số phận. Hơn ai hết, họ cần vượt qua mọi rào cản, hòa nhập với mọi người và tự tin khẳng định bản thân. “Ngày hội của người khuyết tật” đã mang đến thông điệp ý nghĩa ấy. Chương trình “Ngày hội của người khuyết tật” do Dự án MCNV và Oxfarm Việt Nam tổ chức đã khép lại. Song, đối với anh Hồ Văn Tùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Thanh, huyện Hướng Hóa và nhiều người đồng cảnh ngộ, hoạt động ý nghĩa này dường như mới diễn ra hôm qua. Chưa bao giờ anh Tùng thấy người khuyết tật từ nhiều bản làng xa xôi tụ hội đông vui, tham gia các trò chơi một cách nhiệt tình và cười rạng rỡ đến vậy. Họ gần như trút bỏ mọi muộn phiền, không còn quan tâm đến khiếm khuyết trên thân thể.
 |
Đông đảo mọi người tham gia chương trình “Ngày hội của người khuyết tật” tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa |
Anh Tùng chia sẻ: “Nghe thông tin về ngày hội, người khuyết tật ở các bản làng thuộc xã Thanh và nhiều xã lân cận như A Dơi, A Túc, A Xing, Thuận… cũng lặn lội đến tham gia. Thế mới thấy, anh em thèm gặp gỡ, giao lưu như thế nào. Ngay như vợ chồng mình, mới tờ mờ sáng đã tay bồng, tay dắt con đến trung tâm xã để chung vui”. Sau khi tham gia các trò chơi vận động, em Hồ Thị Lan (trú tại bản 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) bỗng nhiên ngồi sụp xuống sân rồi khóc ngon lành. Ngay lập tức, mọi người xúm lại trò chuyện, hỏi nguyên do. Nước mắt ngắn dài, Lan chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong đời em vui chơi cùng nhiều bạn đồng cảnh ngộ, được cổ vũ, động viên và tặng quà. Em thấy quá hạnh phúc. Ước gì những ngày hội thế này đến với người khuyết tật vùng cao như chúng em nhiều hơn”. Ngay từ khi chào đời, Lan đã không được khỏe mạnh, tinh nhanh như những đứa trẻ khác. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên em đành gác lại ước mơ đèn sách. Cuộc sống của Lan vì thế chỉ quẩn quanh bên bếp lửa. Mỗi lần bị trêu chọc, cô gái Vân Kiều chỉ biết chạy ù về nhà, úp mặt vào khuôn ngực già nua của cha mẹ mà khóc. Đó là lí do khiến nỗi mặc cảm, tự ti ngày càng đè nặng lòng em. “Em thấy mình giống như cái A chói bị đứt quai mà không thể sửa được. Để vào đâu cũng thấy không hợp lí, vứt đi thì tiếc”, Lan buồn buồn tâm sự. Nhiều người khuyết tật vùng cao đã gặp hình ảnh của mình trong câu chuyện cuộc đời em Hồ Thị Lan. Do khiếm khuyết thân thể cộng với cuộc sống nghèo khó, phần lớn người khuyết tật chìm sâu trong nỗi mặc cảm. Theo khảo sát của dự án MCNV tại các bản làng thuộc huyện Hướng Hóa, trên 95% người khuyết tật không có điện thoại; 90% trong số họ ngại giao tiếp với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, gần 100% người khuyết tật không được tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng. Ngoài ra, họ còn gặp nhiều vấn đề khác như chưa nắm rõ những chủ trương, chính sách dành cho người khuyết tật; ngại tham gia các cuộc họp của thôn, xã; không tự tin tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, người khuyết tật vùng cao hầu như không có sân chơi để giao lưu, hòa nhập. Ông Hồ Sỹ Quảng, Trưởng Văn phòng MCNV chia sẻ: “Trước khi tổ chức ngày hội lần này, chúng tôi đã khảo sát tâm tư, nguyện vọng của người khuyết tật tại các xã dọc tuyến Lìa. Hầu hết họ đều mong muốn được vui chơi, chia sẻ và kết nối với mọi người. Chúng tôi tin rằng, từ những sân chơi như thế này, người khuyết tật sẽ dần tự tin để hòa nhập với cộng đồng”. Điều đặc biệt của chương trình “Ngày hội của người khuyết tật” là đã thu hút được sự tham gia của cả người khuyết tật lẫn người lành lặn đến từ nhiều địa phương trong toàn tỉnh. Họ cùng nhau tham gia nhiều trò chơi như đập nồi đất, vẽ tranh nói về ước mơ của mình, tô tượng, thi ném bóng vào rổ, chọi đá… Bên cạnh đó, người khuyết tật còn có dịp trổ tài hát, múa, diễn kịch... Một thành viên trong đội kịch rối xã A Xing chia sẻ: “Chúng em làm con rối và tập vở kịch này mấy ngày nay. Vở kịch nói về nỗi buồn của người khuyết tật chúng em vì không có sân chơi. Sau buổi diễn, anh em trong đội rất vui vì có nhiều người khen ngợi, động viên”. Về phần mình, các bạn trẻ lành lặn cũng thấu hiểu, thông cảm và sẻ chia với những người không may mang khiếm khuyết trên thân thể. Em Nguyễn Đức Bình, nhóm nhảy 81 days crew chia sẻ: “Em rất vui khi được tham gia ngày hội với người khuyết tật. Qua tiết mục trình diễn, chúng em muốn gửi gắm đến các bạn ở đây thông điệp là: Người khuyết tật hoàn toàn có thể nhảy Hip hop nếu họ thực sự muốn. Trong nhóm chúng em cũng có một bạn không may mang khiếm khuyết trên thân thể. Điều đáng mừng là bạn ấy vẫn gắn bó với nhóm và học nhảy Hip hop rất hăng say”. Ngay sau các hoạt động giải trí, Ban tổ chức còn mở một hội thảo bàn tròn để người khuyết tật đến từ nhiều địa phương có dịp ngồi lại với nhau. Tại đây, họ chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của mình. Tất cả vấn đề đều được đưa ra trao đổi và giải quyết một cách triệt để. Đặc biệt, người khuyết tật đến từ các địa phương trong tỉnh còn bàn phương án để giúp nhau cùng phát triển. Anh Lê Hữu Bằng, đến từ Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú được thành lập từ năm 2000. Hiện tại, chúng tôi có 75 hội viên. Thời gian qua, Hội đã vận động hội viên triển khai nhiều mô hình kinh tế như: Chăn nuôi, mộc, làm bánh... Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm cho Hội Người khuyết tật các xã vùng cao”. Về phần mình, ông Nguyễn Thanh Hiền, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cũng đã nhiệt tình giới thiệu một số phương án hay để vận động người khuyết tật gia nhập câu lạc bộ; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế; tổ chức các hoạt động tập thể... Thậm chí, nhiều đại diện các hội, câu lạc bộ người khuyết tật miền xuôi còn nhiệt tình mời người khuyết tật vùng cao về giao lưu, và học hỏi kinh nghiệm. Cũng trong cuộc trò chuyện thân mật, những tấm gương người khuyết tật vượt qua nghịch cảnh để có ngày mai tươi sáng hơn đã được giới thiệu, tôn vinh. Theo số liệu từ Ban vận động thành lập Hội Người khuyết tật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 37.000 người khuyết tật. Trong đó, riêng tại các xã vùng cao, số người khuyết tật lên đến gần 6.000. Lâu nay, các chương trình, dự án chủ yếu hỗ trợ người khuyết tật trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, cải thiện tài chính, nâng cao trình độ văn hóa… Ngay từ đầu, ít ai ưu tiên việc xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti trong lòng người khuyết tật. Thay vào đó, họ thường để mọi việc thuận theo lẽ tự nhiên. Vì vậy, “Ngày hội của người khuyết tật” chính là “cơ hội vàng” để mỗi cá nhân trong cuộc nhìn lại mình, hòa nhập và thay đổi. Nói như anh Hồ Văn Tùng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Thanh: “Không chỉ mang lại niềm vui, ngày hội còn giúp mình nhận ra, nhiều người đồng cảnh ngộ ở ngoài kia vẫn không ngừng rèn luyện, phấn đấu và đã có được một cuộc sống tốt hơn. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng những người khuyết tật cần thay đổi. Chỉ tự tin vào bản thân và luôn nỗ lực, mỗi ngày của người khuyết tật mới thực sự là một ngày hội”. Bài, ảnh: TÂY LONG