Triệu Thượng khai thác lợi thế để phát triển kinh tế
(QT) - Xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là địa phương có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng. Hiện toàn xã có hơn 726 ha đất gieo trồng, trong đó lúa 313 ha, ngô 104 ha, sắn 73 ha, lạc 62 ha, ớt 19,3 ha... Đặc biệt, với lợi thế là vùng gò đồi, người dân đã phát triển mạnh cao su tiểu điền. Đến nay toàn xã trồng được hơn 243 ha, đã đưa vào khai thác gần 62 ha cao su. Vào thời điểm giá mủ cao, thu nhập có hộ đạt gần 100 triệu đồng/năm, hộ thấp nhất 10 triệu ...

Triệu Thượng khai thác lợi thế để phát triển kinh tế

(QT) - Xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) là địa phương có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng. Hiện toàn xã có hơn 726 ha đất gieo trồng, trong đó lúa 313 ha, ngô 104 ha, sắn 73 ha, lạc 62 ha, ớt 19,3 ha... Đặc biệt, với lợi thế là vùng gò đồi, người dân đã phát triển mạnh cao su tiểu điền. Đến nay toàn xã trồng được hơn 243 ha, đã đưa vào khai thác gần 62 ha cao su. Vào thời điểm giá mủ cao, thu nhập có hộ đạt gần 100 triệu đồng/năm, hộ thấp nhất 10 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương. Vừa qua, Huyện ủy Triệu Phong tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và triển vọng của cây cao su tiểu điền trong toàn huyện, trong đó xác định hai xã Triệu Thượng và Triệu Ái là vùng trọng điểm của cây cao su. Theo đó, xã Triệu Thượng tiến hành rà soát quỹ đất để đưa vào kế hoạch trồng cây cao su cho các năm tới. Đồng thời có kế hoạch bảo vệ và duy trì diện tích cao su đã trồng, tránh tình trạng người dân chuyển qua trồng rừng, trồng cây khác vì lợi ích trước mắt. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trong đó tiến hành đo đạc, lập bản đồ, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những nơi đủ điều kiện để nông dân có cơ sở vay vốn đầu tư, yên tâm sản xuất lâu dài. Tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ cho các hộ trồng cao su tiểu điền về vốn vay, giống cây, lãi suất ngân hàng…

Xã Triệu Thượng được xác định là vùng trọng điểm cây cao su của huyện Triệu Phong

Cùng với phát triển cây cao su, người dân tích cực trồng và chăm sóc bảo vệ rừng. Hiện toàn xã có 4.527,5 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 524,2 ha, rừng phòng hộ 1.238,8 ha, rừng sản xuất 3.219 ha. Diện tích rừng khai thác năm 2015 lên đến 350 ha. UBND xã thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra việc khai thác gỗ rừng trồng bằng nguồn vốn tự có, rừng trồng dự án 661 để đạt kết quả cao nhất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ và phát triển cũng như chủ động phòng cháy chữa cháy rừng. Tổng giá trị thu nhập từ lâm nghiệp năm 2015 đạt 21 tỷ đồng. Bên cạnh đó, với lợi thế đất đai rộng, nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc, gia cầm nên người dân phát triển mạnh chăn nuôi. Trong đó đàn trâu, bò lên đến hơn 1.500 con mỗi năm. Tổng giá trị thu nhập từ chăn nuôi hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng. Để tạo thuận lợi cho người dân sản xuất, xã đã chủ động thực hiện dồn diền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, đến nay cơ bản hoàn thành, trong đó HTX Thượng Phước đã cải tạo, dồn điền được 22 ha để chia ruộng cho xã viên; 2 HTX Nhan Biều và Nhan Biều 3 dồn đổi giữa các hộ xã viên đã giảm từ nhiều thửa xuống còn 1 đến 2 thửa trên một khu vực đồng ruộng. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, nhờ hạ tầng giao thông thuận lợi, trong đó có Quốc lộ 1 đi qua, nhiều doanh nghiệp và người dân đã đầu tư phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Trong đó, nhiều ngành nghề dịch vụ phát triển mạnh như đúc bờ lô, cung ứng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mộc dân dụng, dịch vụ vận tải... góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tổng giá trị thu nhập từ CN-TTCN năm 2015 của xã đạt 89 tỷ đồng. Từ những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế đã góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Đến nay xã đạt 12/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Để đạt được kết quả trên, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các thôn đã vận dụng tốt chủ trương, chính sách từ trung ương đến địa phương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của xã để lãnh đạo nhân dân thực hiện phát triển kinh tế- xã hội. Ngay từ đầu năm, UBND xã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn xây dựng chương trình công tác trong năm. Thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của UBND xã, không ngừng nâng cao năng lực quản lý điều hành, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các thành viên UBND xã. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Thường xuyên chấn chỉnh hoạt động của các bộ phận về chấp hành giờ giấc, lề lối, tác phong làm việc, nâng cao hiệu quả công tác. Công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng. Trong đó thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác cải cách thủ tục hành chính tại các bộ phận. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của xã. UBND xã đã bám sát nghị quyết của Đảng bộ, HĐND xã để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, coi trọng quy chế dân chủ cơ sở. Mối quan hệ công tác giữa UBND xã với Đảng ủy, UBMTTQVN xã và các đoàn thể được chú trọng. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBND xã với UBMTTQVN và các đoàn thể, phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với các cuộc vận động lớn do Đảng và Nhà nước phát động như huy động quỹ vì người nghèo, chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới, tham gia tích cực trong công tác vận động giải phóng mặt bằng. Tăng cường phối hợp trong việc tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội. Từ đó, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền từ xã đến thôn và hoạt động điều hành của các HTX đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn 13,2%, hộ cận nghèo là 7,9%. Năm 2015, UBND xã được UBND huyện đánh giá là chính quyền vững mạnh. Xã phấn đấu đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,5 triệu đồng. Bài, ảnh; NGUYỄN VINH