Giữ hồn của bản
(QT) - “Phải giữ lấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như giữ hồn của chính mình, yêu lấy nó như yêu chính cuộc sống của mình”, với cách nghĩ như thế, thế hệ già làng, trưởng bản - những người đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang hàng ngày, hàng giờ tìm mọi cách truyền lại cho thế hệ trẻ. Với họ, giữ lấy nét văn hóa truyền thống cũng có nghĩa là giữ hồn của bản... Độc đáo Pa Kun, khăn Đam Anh Hồ Văn ...

Giữ hồn của bản

( QT) - “Phải giữ lấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như giữ hồn của chính mình, yêu lấy nó như yêu chính cuộc sống của mình”, với cách nghĩ như thế, thế hệ già làng, trưởng bản - những người đang lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đang hàng ngày, hàng giờ tìm mọi cách truyền lại cho thế hệ trẻ. Với họ, giữ lấy nét văn hóa truyền thống cũng có nghĩa là giữ hồn của bản... Độc đáo Pa Kun, khăn Đam Anh Hồ Văn Hơn, Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội xã A Xing dẫn chúng tôi đến nhà của già làng Hồ Cu Chảnh, thôn Kỳ Rỷ, xã A Xing. Anh Hơn cho biết, già làng Hồ Cu Chảnh là một trong những người rất có uy tín của xã, đồng thời là người lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc ít người.

Già làng Hồ Cu Chảnh giới thiệu về khăn Đam, Pa Kun

Già làng Hồ Cu Chảnh là người dân tộc Pa Kô, năm nay gần 80 tuổi. Ông tiếp đón chúng tôi bằng nụ cười hiền, thân thiện và thái độ cởi mở, hiếu khách. Bắt đầu cuộc trò chuyện, ông bày ra nhiều tấm vải mà theo ông là kỷ vật của đồng bào ở đây, những tấm vải được ông cất cẩn thận trong gùi đan bằng mây với đường nét khá tinh xảo, mỗi khi có lễ hội diễn ra ông lại mang gùi theo bên mình. Khăn Đam là kỷ vật thiêng liêng của người Pa Kô, được xem là của hồi môn của nhà trai khi đi hỏi vợ cho con. Ý nghĩa của nó chính là tạo dựng niềm tin, sự gắn kết của hai gia đình. Khăn Đam được trao tặng trong lễ cưới để gửi gắm thông điệp của những người làm cha, làm mẹ đối với đôi vợ chồng trẻ, mong muốn họ luôn gắn bó, thủy chung, đồng lòng đồng sức xây dựng cuộc sống mới. Pa Kun là loại khăn thường được người bố quấn lên đầu và quàng ngang bụng khi làm lễ trong ngày cưới của con gái, con trai mình. Vừa làm động tác quấn Pa Kun lên đầu và quàng ngang bụng, già làng Hồ Cu Chảnh bày tỏ niềm tự hào xen lẫn lo lắng: “Cha ông chúng tôi để lại cho con cháu cái gì cũng có ý nghĩa đặc biệt của nó. Thế hệ như chúng tôi hầu như ai cũng hiểu và lưu giữ được truyền thống đó, nhưng không biết liệu sau này các con, các cháu có còn giữ được những nét đẹp đó được không”. Khăn Đam, Pa Kun hay nhiều thứ khác mà già làng Hồ Cu Chảnh đang lưu giữ đã có từ bao đời và mang ý nghĩa lớn lao trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân tộc ít người tại huyện Hướng Hóa. Trước đây, để có những tấm khăn này, họ phải sang Lào hay vào tận A Lưới (Huế) để tìm mua. Từ năm 2012, một lớp dệt thổ cẩm truyền thống được mở ra tại xã A Túc. Từ hiệu quả và thể theo nguyện vọng của nhiều người, đến năm 2013, tại xã A Xing cũng đã hình thành một lớp, thu hút rất đông chị em phụ nữ người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trên địa bàn huyện Hướng Hóa tham gia. Cũng từ đó, để có khăn Đam hay Pa Kun làm lễ trong mỗi dịp cưới hỏi, người dân ở đây không phải lặn lội đi đâu xa xôi mà được cung cấp bởi chính người con quê mình làm ra. “Chúng tôi rất vui vì có lớp dệt thổ cẩm để con cháu chúng tôi biết dệt áo, dệt khăn Đam, Pa Kun, giữ gìn nét đẹp của cha ông truyền lại”, già làng Hồ Cu Chảnh phấn khởi nói. Giữ gìn cho mai sau

“Đây là những bài mà cha ông truyền lại. Tôi rất muốn giữ gìn và truyền đạt những bài dân ca đến cho con cháu, mong muốn con cháu chúng tôi sẽ học những bài hát này để còn dạy lại cho các con, các cháu đời sau”, nghệ nhân Côn Khăm tâm sự.

Cũng như nhiều xã có phần đông là đồng bào dân tộc ít người tại huyện Hướng Hóa, tại xã A Xing, nhờ phát huy vai trò của già làng, trưởng bản mà những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đã có từ lâu đời ở đây vẫn đang được lưu giữ. Ngoài cồng chiêng, dệt thổ cẩm hay những lễ hội mang màu sắc văn hóa độc đáo được nhiều người biết đến thì những làn điệu dân ca truyền thống của hai dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cũng đã và đang tạo nên đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc ở đây. Hầu như ở mỗi bản làng của huyện đều có những nghệ nhân am hiểu và lưu giữ những làn điệu dân ca truyền thống. Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Côn Khăm khi chiều muộn. Ngôi nhà sàn truyền thống trở nên ấm áp khi chiều về, con cháu tụ tập đông đủ. Nghệ nhân Côn Khăm hiện là một trong những người đang lưu giữ những bài dân ca truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Ông từng tham gia liên hoan hát ru các cấp và được các cơ quan chức năng mời giao lưu gặp gỡ để tìm hiểu, nghiên cứu và bản tồn những làn điệu dân ca hiện có tại xã A Xing nói riêng và huyện Hướng Hóa nói chung. Được gặp gỡ nghệ nhân Côn Khăm, chúng tôi đã có cơ hội hiểu thêm về những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc ở đây. Điệu Ca Lơi không cần thiết có nhạc cụ kèm theo, được cất lên để ca ngợi tình đoàn kết giữa dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, ca ngợi tinh thần cộng đồng, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống..., còn điệu Cha Chấp, đi kèm với nó là Xa Rờ, một nhạc cụ truyền thống của đồng bào Pa Kô. Vừa giới thiệu, nghệ nhân Côn Khăm vừa hát cho chung tôi nghe một đoạn trong bài dân ca thuộc làn điệu Cha Chấp, điệu hát ca ngợi cuộc sống mới và niềm tin vào tương lai tươi sáng… Phần lớn những làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô thường được hát trong những dịp lễ hội quan trọng của quê hương. Với nghệ nhân Côn Khăm thì khác, ông hát mọi lúc, mọi nơi, khi có người yêu cầu được thưởng thức hoặc hát cho con cháu nghe khi rảnh rỗi. Theo ông, đó là cách hiệu quả để giữ gìn một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. “Đây là những bài mà cha ông truyền lại. Tôi rất muốn giữ gìn và truyền đạt những bài dân ca đến cho con cháu, mong muốn con cháu chúng tôi sẽ học những bài hát này để còn dạy lại cho các con, các cháu đời sau”, nghệ nhân Côn Khăm tâm sự. Ngoài Ca Lơi, Cha Chấp thì điệu Tà Oải, Oạt, Sa Nớt và nhiều làn điệu dân ca truyền thống khác của dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cũng được biết đến như một nét văn hóa độc đáo và hiện đang được chính quyền các cấp huyện Hướng Hóa dày công gìn giữ. Tin chắc rằng, cũng như nghệ nhân Côn Khăm, già làng Hồ Cu Chảnh và nhiều người con của núi rừng Hướng Hóa sẽ luôn bằng mọi cách lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, như giữ hồn của làng bản, dân tộc mình. Bài, ảnh: BÍCH LIÊN