Tấm lòng nữ cán bộ y tế vùng cao
(QT) - 18 năm qua, Hồ Thị Liên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã góp phần xóa bỏ những hủ tục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cứu sống hàng chục đứa trẻ người Vân Kiều nơi đây. Chị Liên sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn An Phú, xã Hướng Hiệp. Bố của chị là ông Hồ Ray, người mà vào tháng 6/1957 được bà con Vân Kiều, Pa Kô tỉnh Quảng Trị tín nhiệm, cử ra Quảng Bình gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được mang họ Hồ của Bác. Chị Hồ Thị Liên (trái) ...

Tấm lòng nữ cán bộ y tế vùng cao

(QT) - 18 năm qua, Hồ Thị Liên, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã góp phần xóa bỏ những hủ tục về chăm sóc sức khỏe sinh sản, cứu sống hàng chục đứa trẻ người Vân Kiều nơi đây. Chị Liên sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn An Phú, xã Hướng Hiệp. Bố của chị là ông Hồ Ray, người mà vào tháng 6/1957 được bà con Vân Kiều, Pa Kô tỉnh Quảng Trị tín nhiệm, cử ra Quảng Bình gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh xin được mang họ Hồ của Bác.

Chị Hồ Thị Liên (trái) đã đỡ đẻ thành công, giúp thai phụ Hồ Thị Vừng sinh đứa con thứ hai tại Trạm y tế xã Hướng Hiệp

Lớn lên trong muôn vàn khó khăn, nhìn những phận đời phụ nữ xung quanh mình phải chịu nhiều thiệt thòi, chưa thoát khỏi những phong tục lạc hậu, đặc biệt là về sức khỏe sinh sản, chị Liên đã mạnh dạn bàn với chồng đi học lớp nữ hộ sinh vào năm 1996. “Tôi xin đi học, chồng phản đối ghê lắm. Nhưng tôi bảo rằng, đi học vừa giúp mình vừa giúp dân bản thoát cực khổ, nói mãi chồng mới cho đi”, chị Liên nhớ lại. Phụ nữ Vân Kiều thời đó, vượt qua ngăn cấm của chồng đi học y tế như chị Liên là một chuyện lớn. Sau một năm học tập, rèn luyện, chị Liên tốt nghiệp và được bổ nhiệm làm Trưởng Trạm y tế xã Hướng Hiệp. Khó khăn đầu tiên chị Liên gặp phải là theo quan niệm xưa nay, khi có ốm đau bệnh tật, người Vân Kiều thường làm lễ cúng thần linh suốt cả tuần để tạ lỗi với Giàng, với thần núi, thần rừng vì họ tin rằng chắc họ đã làm việc gì đó sai khiến các vị thần nổi giận, quở phạt. Và tất nhiên, người Vân Kiều chưa hề biết trạm xá là cái gì. Những bà mẹ mang thai cũng được làm lễ cúng và sinh đẻ ở nhà dù hiếm người biết đỡ đẻ. Và hậu quả đáng tiếc từ hủ tục không thể tránh khỏi, số người chết vì bệnh tật, trẻ em chết vì những ca đẻ khó ngày một nhiều hơn. Những khu rừng ma của người Vân Kiều cũng từ đó trở thành nỗi ám ảnh với chính họ. Với lương tâm của người thầy thuốc, chị Liên đã chịu khó đến từng bản nói cho dân hiểu để khi ốm đau phải kịp thời chữa trị. Chị vẫn nhớ như in vào một buổi tối năm 1997, khi gia đình chị đang sum vầy bên mâm cơm thì nhận được lời kêu cứu của anh Hồ Văn Thương. Cuốc bộ hơn 20 km đường rừng, chị Liên hoảng hốt khi thấy vợ anh Thương đang quằn quại trong đau đớn, tính mạng của hai mẹ con gặp nguy hiểm vì ca đẻ bị băng huyết, đứa trẻ ngạt khí. Ngay lập tức, chị triển khai những biện pháp nghiệp vụ thuần thục, hô hấp nhân tạo cho đứa bé… để mẹ tròn con vuông. Đứa trẻ năm ấy là Hồ Văn Quân nay đã lớn, học hành đàng hoàng. Rồi có trường hợp 12 giờ đêm, chị Liên tất tưởi vừa đi vừa chạy vượt 17 km đường rừng cứu sống người mẹ trẻ sinh con tại nhà nhưng bị sót nhau thai, thối trong tử cung, nguy kịch tính mạng. Trước đó, gia đình bệnh nhân cúng bái hai ngày liền nhưng không có kết quả. Cũng có những câu chuyện cười ra nước mắt mà chị Liên gặp phải. “Có bữa tôi đi tuyên truyền về việc dùng bao cao su để tránh thai. Thấy mình đem bao cao su ra, bà con bỏ chạy tán loạn, la hét, đỏ mặt, họ bảo cán bộ mà dùng mấy thứ chi lạ. Tôi phải kiên trì giải thích nhiều lần, hướng dẫn cụ thể họ mới hiểu, mới dùng và thực hiện kế hoạch hóa gia đình”, chị Liên kể lại. Gần 20 năm hành nghề, chị Liên luôn ghi nhớ “lương y như từ mẫu”. Vì vậy, dù vượt bao núi cao, vực sâu chị vẫn đến tận mỗi nhà dân để vận động mọi người sinh đẻ có kế hoạch và phải ra trạm xá để sinh đẻ, kiểm tra sức khỏe định kỳ... Nay thì người Vân Kiểu đã biết trạm xá là gì rồi. Mỗi ngày, Trạm y tế xã Hướng Hiệp tiếp nhận trên dưới 20 bệnh nhân. Khi có đợt tiêm phòng hay tuyên truyền phòng chống dịch bệnh..., bà con đều tham gia, thực hiện đầy đủ. Trạm y tế Hướng Hiệp đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Với những đóng góp tích cực việc chăm sóc sức khỏe người dân vùng cao, bản thân chị Hồ Thị Liên nhiều lần được Trung tâm Y tế huyện, Sở Y tế tặng bằng khen. Không chỉ giỏi việc nước, chị Hồ Thị Liên còn đảm việc nhà, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi 4 người con học đại học. Bài, ảnh: NGUYỆT NGUYỆT