Nông thôn, miền núi Quảng Trị gian nan vì thiếu nước sạch
(NNVN) - Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, hơn nữa địa hình nhiều nơi rất phức tạp và hàng năm thường bị lũ lụt, hạn hán nên nguồn nước sạch khan hiếm. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng cho đến nay nhiều vùng nông thôn, miền núi người dân vẫn phải dùng những nguồn nước không đảm bảo chất lượng để sinh hoạt.

Nông thôn, miền núi Quảng Trị gian nan vì thiếu nước sạch

(NNVN) - Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều hậu quả của chiến tranh, hơn nữa địa hình nhiều nơi rất phức tạp và hàng năm thường bị lũ lụt, hạn hán nên nguồn nước sạch khan hiếm. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng cho đến nay nhiều vùng nông thôn, miền núi người dân vẫn phải dùng những nguồn nước không đảm bảo chất lượng để sinh hoạt.

Dẫn chúng tôi ra cái giếng đào ở bên sân nhà, bà Hoàng Thị Gái ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong nói: Nước đục và đỏ ngầu thế này thì làm sao mà ăn uống được nhưng mà không có cách nào khác, do đó muốn có nước để dùng thì phải làm bể để lọc. Lọc xong nhìn mắt thường thấy nước trong nhưng nấu nước chè để một vài ba tiếng đồng hồ thì từ màu xanh chuyển sang màu đỏ. Thế mà bao năm nay hàng trăm hộ dân chúng tôi phải dùng nguồn nước này để sinh hoạt.

Ở xã Triệu Độ có hơn 900 hộ muốn có nguồn nước để sinh hoạt phải đào giếng hoặc dùng giếng khoan lắp bơm tay và chấp nhận dùng nước có phèn không đảm bảo chất lượng nên không ít người đã mắc các loại bệnh về mắt và đường ruột, phụ nữ thì bị bệnh phụ khoa, đặc biệt trong xã đã có nhiều ca bị ung thư làm cho người dân hết sức lo lắng. Ông Trần Mót, người dân xã Triệu Độ cho biết: Người dân ở đây phần nhiều là dùng giếng khoan mà giếng khoan thì quá nhiều phèn, lọc để dùng tạm thôi chứ chắc chắn không đảm bảo chất lượng. Nguyện vọng của bà con là mong muốn cấp trên quan tâm, giúp đỡ để đưa nguồn nước sạch về cho dân dùng.

Không chỉ xã Triệu Độ mà nhiều nơi ở tỉnh Quảng Trị hiện tại đang thiếu nước sạch. Trong đó một loạt xã nằm trong vùng úng trũng huyện Hải Lăng hay một số xã ở vùng gò đồi của huyện Gio Linh, Cam Lộ nguồn nước sạch rất khan hiếm. Người dân ở những vùng này đào giếng hoặc khoan giếng kinh phí bỏ ra khá lớn nhưng không thỏa mãn vì vẫn phải dùng nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc bị phèn, có nhiều nhà bỏ ra tiền của khá lớn nhưng khi đào giếng nửa chừng gặp đá tảng thế là phải bỏ dở.

Được biết để tạo cho người dân ở vùng nông thôn, miền núi có được nguồn nước sạch, trong những năm qua Quảng Trị đã tranh thủ nhiều chương trình, dự án xây dựng các công trình. Cho đến thời điểm này đã xây dựng được trên 23 ngàn công trình cấp nước sạch nhỏ lẻ, trong đó có hơn 14 ngàn giếng khoan lắp bơm tay, 8.000 giếng đào và 1 ngàn lu bể chứa. Bên cạnh đó đã xây dựng 95 công trình nước tự chảy, 24 công trình hệ bơm dẫn cấp nước sạch sinh hoạt.

Sau khi đầu tư, để phát huy các công trình nước sạch, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ công trình.

Theo đó, tỉnh nên thành lập các Tổ, đội tự quản ở các thôn, bản, những tổ đội này có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn những hành vi thiếu ý thức làm hư hỏng đường ống. Bên cạnh đó phát hiện những sự cố để sửa chữa kịp thời, có như vậy các công trình mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Nhờ vậy đã có trên 334 ngàn người dân được hưởng lợi, đạt tỷ lệ 70% dân nông thôn, miền núi được dùng nước sạch. Tuy vậy nhiều nơi vẫn còn thiếu nước sạch nghiêm trọng mà những nơi đó việc xây dựng công trình nước sạch gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều kinh phí do địa hình phức tạp và nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn hoặc bị chua phèn. Điều đáng nói hơn là một số công trình hoàn thành nhưng khi đưa vào sử dụng nguồn nước vẫn không đảm bảo chất lượng.

Mặt khác nguồn kinh phí dành cho duy tu, bảo dưỡng không có nên không ít công trình chỉ vài năm hoạt động đã bị hư hỏng. Để tạo cho tất cả người dân nông thôn, miền núi được hưởng nguồn nước sạch, ông Nguyễn Văn Thể, Giám đốc Trung tâm nước sạch và VSMTNT Quảng Trị cho biết: Theo chủ trương của Chính phủ đến năm 2010 có 85% dân số nông thôn có nước sạch. Đối với Quảng Trị để đạt chỉ tiêu này ngoài việc tranh thủ các chương trình, dự án tỉnh cần tăng cường hỗ trợ về kinh phí, trong đó ưu tiên cho những vùng khan hiếm nước sạch. Đồng thời cần có cơ chế chính sách và kinh phí cho các công trình cấp nước sau đầu tư, đặc biệt là ở vùng núi, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc đang còn nhiều khó khăn về ngân sách và tạo điều kiện cho quản lý, duy tu bảo dưỡng các công trình để các công trình này hoạt động bền vững và lâu dài. Bá Thuần