Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động
QTO - Những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Định hướng quy hoạch mạng lưới GDNN được thực hiện theo ngành, nghề, trình độ đào tạo; chương trình, dự án phát triển GDNN phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương.

Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động

Những năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã có bước phát triển về quy mô và chất lượng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế. Định hướng quy hoạch mạng lưới GDNN được thực hiện theo ngành, nghề, trình độ đào tạo; chương trình, dự án phát triển GDNN phù hợp với nhu cầu nhân lực của địa phương.

Đào tạo nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị - Ảnh: T.L

Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở GDNN và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN được phân bổ đều ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 12 đơn vị công lập và 3 cơ sở GDNN tư thục. Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo được 59.558 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.322 người; trung cấp 4.862 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 53.374 người. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, các cơ sở GDNN đã xây dựng kế hoạch, thành lập hội đồng tuyển sinh và tổ chức tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh với nhiều hình thức hiệu quả, thiết thực. Song song với đó, công tác tư vấn và giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường xuyên được tăng cường, thông qua nhiều hình thức như: Nâng cao chất lượng đào tạo; từng bước chuyển từ hướng “cung” sang “cầu” gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm theo yêu cầu của doanh nghiệp và thông qua việc tổ chức ngày hội nghề nghiệp, việc làm hằng năm. Đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, 100% giáo viên đào tạo nghề có nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn theo quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo được tiếp tục hoàn thiện, từ năm 2016 - 2020, tỉnh đã phân bổ 29,2 tỉ đồng từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cho các cơ sở GDNN. Đến nay, các cơ sở GDNN cơ bản đã hoạt động ổn định và đang từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề sẵn có.

Các cơ sở GDNN đã thực hiện chỉnh sửa chương trình và biên soạn các bộ chương trình, giáo trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình độ sơ cấp nghề. Thực hiện đặt hàng với các cơ sở GDNN có năng lực, uy tín và chất lượng trong công tác đào tạo để thực hiện việc xây dựng, chỉnh sửa một số chương trình, giáo trình cho phù hợp với điều kiện thực tế phát triển của tỉnh. Trên cơ sở các ngành/nghề do người học đăng ký, đã biên soạn, chỉnh sửa lại chương trình giáo trình phù hợp với thời gian đào tạo. Đồng thời tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Các cơ sở GDNN còn liên kết với các trường cao đẳng nghề đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, đào tạo và liên thông cho nguồn lao động có trình độ theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GDNN cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Hiện nay toàn tỉnh có 3 cơ sở GDNN tham gia lĩnh vực hợp tác quốc tế gồm Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, Trường Cao đẳng Y tế và Trường Trung cấp Mai Lĩnh.

Trong thời gian tới, phát triển GDNN được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Do vậy, trong giai đoạn 2021- 2025, mục tiêu tỉnh đặt ra là tạm giữ nguyên mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào lĩnh vực đào tạo nghề. Tăng quy mô tuyển sinh GDNN gấp 1,5 lần hiện nay. Theo đó, sẽ phát triển mạng lưới cơ sở GDNN tại tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động, tiếp tục đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng để mở rộng quy mô đào tạo nghề cho trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp của các cơ sở GDNN với các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ công tác GDNN từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục, định mức chi phí hỗ trợ đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; tập trung đào tạo theo nhu cầu của người học, thế mạnh và định hướng phát triển của địa phương. Xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở GDNN; khuyến khích huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đóng góp kinh phí đào tạo khi tiếp nhận lao động đã qua đào tạo.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo; huy động các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, nghệ nhân tham gia giảng dạy trong các cơ sở GDNN. Xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo theo yêu cầu của thị trường lao động; doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, phê duyệt chương trình tại các cơ sở đào tạo theo đúng quy định. Đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị theo ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo có đủ thiết bị theo danh mục tối thiểu quy định. Đối với các nghề trọng điểm các cấp trình độ, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn đầu ra do cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương quy định. Quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN; thường xuyên thực hiện tự đánh giá và mời các trung tâm kiểm định tiến hành đánh giá độc lập theo tiêu chuẩn quốc gia. Nhiều giải pháp khác như liên kết, hợp tác, phát triển; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư… cũng được tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian tới.

Thanh Lê