Vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp thắng lợi lớn
Chưa bao giờ Quảng Trị phải trải qua một vụ mùa sản xuất khắc nghiệt như vụ mùa đông xuân năm nay. Nông dân khắp nơi trong tỉnh gồng hết mình chống rét mà cây lúa, cây màu vẫn bị kéo dài thời gian sinh trưởng đến hơn 20 ngày, có nơi gieo lại chậm mất gần 2 tháng. Mọi khó khăn tiếp theo cũng bắt nguồn từ nguyên nhân do rét. Chậm mùa vụ là tác động mạnh vào quy luật sinh trưởng của cây trồng. Thời kỳ ra hoa và kết quả của lúa, của màu trong vụ đông xuân này không thuận với khí hậu, thời tiết nên các loại sâu bệnh cứ thế xuất hiện tràn lan. Cây lúa lao đao do giá rét và dịch bệnh nhưng rồi cũng đạt được năng suất bình quân 50 tạ/ha, gần bằng vụ đông xuân năm ngoái là năm mưa thuận gió hòa.
 |
Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Triệu Phong |
Có được kết quả này là nhờ công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất của chính quyền các cấp và của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, sự nỗ lực vươn lên trước hoàn cảnh khó khăn của nông dân. Phải nói rằng, công tác chỉ đạo sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng và có tính quyết định đến sự thắng lợi của sản xuất. Công tác này đã được ngành Nông nghiệp và PTNT và các cấp chính quyền chỉ đạo thực hiện hết sức sâu sát, nhạy bén từ tỉnh đến huyện, xã và HTX. Dựa trên những dự báo về tình hình khí hậu thời tiết trong năm, trong vụ mà ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh xây dựng một khung thời vụ thích hợp, nhiều nơi đã lách được những bất thuận của thời tiết khi gieo sạ. Các biện pháp kỹ thuật liên hoàn sản xuất trong điều kiện khí hậu, thời tiết thay đổi đối với từng loại cây trồng cũng được áp dụng chỉ đạo thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Trên cơ sở các biện pháp kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT đề ra, UBND các huyện, thị xã kiên quyết chỉ đạo, điều hành trong quá trình sản xuất. Ý thức chấp hành của bà con nông dân trong tỉnh về ứng dụng KHKT cũng được nâng cao hơn trước. Sản lượng lương thực vụ đông xuân 2007-2008 đạt hơn 115.000 tấn (chỉ thấp hơn vụ đông xuân năm ngoái 4400 tấn). Nhưng đợt rét hại, rét đậm không làm giảm đáng kể năng suất lúa vụ đông xuân thì lại hối thúc thời vụ hè thu. Nông dân phải tranh thủ tay gặt, tay cày, vụ đông xuân gặt xong đến đâu là vụ hè thu làm đất và gieo cấy ngay đến đấy. Tất cả đều hối hả nhằm đưa vụ hè thu nằm trong khung thời vụ để gặt xong trước khi có lũ sớm về trung tuần tháng 9. Ngành Nông nghiệp và PTNT và các huyện, thị xã vận động nông dân ứng dụng tối đa các biện pháp kỹ thuật thâm canh, gối vụ để rút ngắn mùa vụ như kỹ thuật canh tác theo chương trình "3 giảm 3 tăng", kỹ thuật làm mạ ném... Giống và cơ cấu giống cũng là một lĩnh vực phải đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở các tiểu vùng lúa chất lượng cao đã được hình thành tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh... trên diện tích 5000 ha với các giống HC95, P6, DT 122, QT 2000... bước đầu có kết quả tốt. Đồng thời tập trung thâm canh cao tại 4 huyện trên để bảo đảm an ninh lương thực bao gồm các giống Xi 23, X21, NX30, Khang dân giúp các huyện này đạt được năng suất vượt trội, đơn cử như Triệu Phong năng suất cả năm đạt bình quân 52 tạ/ha. Đặc biệt các giống mới đưa vào sản xuất như AYT77, DT122, QT200, HT1, VH1...tại trại lúa Vĩnh Thủy, trại Quảng Trị và các huyện Triệu Phong, Hải Lăng đều có kết quả tốt, năng suất đã đạt đến 50-60 tạ/ha/vụ hè thu. Chất lượng giống cung ứng cho sản xuất bảo đảm theo quy định. 100% đều là giống xác nhận và tiến bộ kỹ thuật đã qua chọn lọc, phục tráng, có độ thuần cao, trổ tập trung, ít sâu bệnh nên năng suất cao và đồng đều cả 2 vụ. Vụ hè thu 2008, do gặp những khó khăn sản xuất vụ đông xuân nên giống các loại cây trồng trở nên khan hiếm. Trước tình hình đó, tỉnh đã kịp thời trích ngân sách giúp Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi tìm kiếm mọi nguồn giống đảm bảo chất lượng cung ứng cho nông dân có điều kiện hoàn thành kế hoạch sản xuất lương thực của năm nay. Bên cạnh những khó khăn do thời tiết, khí hậu, sản xuất nông nghiệp trong năm nay còn chịu tác động lớn của sự tăng giá các loại vật tư nông nghiệp. Phần lớn giá các loại phân bón đều tăng gần gấp đôi so với vụ đông xuân năm ngoái làm cho nông dân khó khăn gấp bội trong việc phục hồi sức lực cho lúa sau rét. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các kỹ thuật bón phân, sử dụng phân bón hợp lý đã trở thành tập quán canh tác của nông dân Quảng Trị nên họ đã biết cách làm thế nào để giảm chi phí mà tăng năng suất. Chương trình "3 giảm 3 tăng" đã trở nên thuần thục với nông dân đã cứu cánh cho họ về vốn đầu tư trong điều kiện giá vật tư phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Hơn nữa, việc hiểu đồng ruộng để sử dụng các loại phân thích hợp đã làm tăng cao hiệu quả sản xuất. Chẳng hạn như đồng ruộng của tỉnh phần lớn có độ chua rất cao nên cần phải bón vôi hàng vụ hoặc phải sử dụng lân nung chảy, NPK đa dinh dưỡng. Cả 2 loại phân này đã cung cấp một lượng vôi đáng kể từ 20-30%, magiê từ 12-20%, góp phần làm giảm độ chua của đất, đồng thời tăng khả năng quang hợp của cây, giúp cây chống rét, lượng Silic lớn giúp cây chống đổ ngã, chống hạn, chống úng và chống chịu sâu bệnh tốt. Các nguyên tố vi lượng đã bổ sung cho đất do sự thiếu hụt vì cây trồng lấy đi hàng năm. Nhờ vậy mà các địa phương bón các loại phân này đã giúp lúa phát triển tốt, tăng sức đề kháng, cho năng suất cao mặc dù cây lúa phải chịu nhiều điều kiện bất thuận của thời tiết. Có được sự thành công trong sản xuất nông nghiệp còn kể đến vai trò của các chương trình khuyến khích sản xuất, chuyển giao tiến bộ KH-KT ngày càng được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu bộ giống lúa...đã góp một phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng lương thực. Công tác thông tin tuyên truyền được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung phong phú như tập huấn kỹ thuật cho nông dân trên đồng ruộng, tổ chức các hội nghị đầu bờ về các tiến bộ kỹ thuật mới, xây dựng các chương trình kỹ thuật để phổ biến, hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng...Việc làm này đã góp phần đưa các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật sản xuất ngày càng trở nên gần gũi với nông dân. Năm nay, mặc dù sản xuất nông nghiệp được tiến hành trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt nhưng cả tỉnh đã chung lòng, chung sức, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các kế hoạch sản xuất đã đề ra. Thắng lợi của sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ tạo nên động lực mới, quyết tâm mới của hàng vạn nông dân Quảng Trị trên con đường vượt qua thách thức, đẩy lùi đói nghèo, vững vàng tiến lên trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Bài & ảnh: Hà Vân An