Ngày 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn của đất nước chống thù trong, giặc ngoài, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Lời kêu gọi đã tác động mạnh mẽ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước nồng nàn của toàn dân, đem hết sức mình kháng chiến, kiến quốc. Từ đó, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Biết lắng nghe hơi thở chân thực của cuộc sống; từ nhân dân, từ lợi ích, nhu cầu và tiềm năng sáng tạo của nhân dân, Đảng ta đã biết khơi nguồn và phát huy, phát triển động lực yêu nước mạnh mẽ cho quá trình đổi mới liên tục vận động và thành công. Từ thực tiễn, chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân từ trung du Vĩnh Phúc, đến miền ven biển Hai Phòng, cho đến vùng đất màu mỡ Tây Nam (An Giang)... và nhiều cách làm hay, sáng tạo ở nhiều địa phương khác nữa, chính là thực tiễn hình thành nên đường lối đổi mới của Đảng.
Dựa vào nhân dân, qua thực tiễn phong phú của đời sống và sáng kiến quý báu của nhân dân, Đảng đã trân trọng phân tích các hiện tượng, tổng kết thực tiễn và nâng lên tầm cao lý luận, đề ra quyết sách cho con đường đổi mới tất yếu của đất nước. Đó chính là chìa khoá của thành công hôm nay. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã, đang và tiếp tục vận động, biến chuyển nhanh chóng, phức tạp cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế, đặt ra vô vàn vấn đề đòi hỏi cả phương diện lý luận và thực tiễn cấp bách cần giải đáp. Soi lại tinh thần thi đua ái quốc 60 năm về trước 11/6 (1948 - 2008), từ phong trào thi đua lớn “Diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm” trong kháng chiến chống Pháp... “Phụ nữ ba đảm đang, thanh niên ba sẵn sàng”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”... trong kháng chiến chống Mỹ xâm lược; đến nay các phong trào thi đua yêu nước như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” thi đua phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bảo vệ Tổ quốc, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, “Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”... cho thấy phong trào thi đua yêu nước không những mang hơi thở của cuộc sống, mà qua từng giai đoạn cách mạng được kế thừa, phát huy và được nâng lên tầm cao mới phù hợp với điều kiện đất nước và dòng chảy của thời đại. Năm 2009, đã bắt đầu với rất nhiều thách thức đặt ra cho đất nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng. Hơn lúc nào hết cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng và các tầng lớp nhân dân, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
Trước mắt phát huy tinh thần tích cực chủ động của toàn dân đẩy lùi lạm phát; thi đua xây dựng, phát triển văn hoá- xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vững mạnh.
Để đạt mục tiêu phong trào thi đua ái quốc trong giai đoạn mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta nêu cao quyết tâm, không ngừng sáng tạo; khơi dậy, phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong điều kiện mới, lòng tự tôn, tự hào dân tộc gắn với việc triển khai sâu rộng, hiệu quả cuộc vân động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân trong tổ chức, vận động quần chúng hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt chú trọng công tác dân vận, thực hiện “3 cùng” với nhân dân, sâu sát với dân, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng và biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, đấu tranh đẩy lùi các tiêu cực, lạc hậu trong nhận thức và hành động. Các phong trào thi đua ái quốc 60 năm qua, đặc biệt thực tiễn từ các phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới, đã tỏ rõ sức mạnh sáng tạo của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; cho chúng ta thêm vững tin vào tiềm năng to lớn của nhân dân và dân tộc, vào triển vọng tốt đẹp, niềm tin tất thắng của cách mạng nước ta, được bắt nguồn sức mạnh chủ động sáng tạo, nguồn lực nội sinh toàn Đảng, toàn dân cùng thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trần Bình Tuấn