(QT) - Hôm nay, từ trong mỗi bản làng xa xôi nhất của huyện Hướng Hóa đã có những người con mang họ Hồ của Bác học lên đến bậc đại học hoặc cao hơn. Nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo có uy tín ở địa phương, có người là đại biểu Quốc hội, văn nghệ sĩ thành danh. Đạt được điều đó, tất cả đều bắt nguồn từ sự học mà nên.
![]() |
Trường mầm non tư thục Hiệp Đức đầu tư cơ sở vật chất hiện đại để các cháu vui chơi học tập |
Anh Nguyễn Ngọc Hiển, cán bộ Phòng Giáo dục- Đào tạo (GD- ĐT) huyện Hướng Hóa cho biết: “Ai về Hướng Hóa hôm nay, nhìn những kết quả mà ngành GD- ĐT vùng cao này có được khó mà hình dung vào những năm cuối thập niên 1980 đầu 1990, trường lớp nơi đây vẫn gần như 100% tranh tre nứa lá, nói gì nhà ở công vụ cho giáo viên. Mùa hạ thì lồng lộng gió núi mưa rừng, mùa đông thì lạnh đến tái da tím thịt. Bàn ghế học sinh tất cả cũng từ tre, nứa ghép lại; lớp nào sang mới có những tấm bìa gỗ làm bàn, ghế. Chợ không có (người Vân Kiều, Pa Kô vốn không có khái niệm mua bán như bây giờ), muốn mua cái gì đều phải lặn lội vài ngày xuống dưới xuôi. Thực đơn thường nhật của giáo viên quanh năm chỉ là đu đủ kho muối và muối kho... đu đủ. Còn ở những vùng khó khăn hơn thì rau măng hằng tháng trời, vì vậy mới có thơ rằng: “Mở mắt thấy đồi. Mở nồi thấy muối”. Ngày ấy, phần lớn chúng tôi đều vừa tốt nghiệp trung học sư phạm 12+3, 12+ 2 thậm chí cả 9+3 và 9+2 (hệ sư phạm cấp tốc ). Rời giảng đường hôm trước là hôm sau đã ba lô trên vai với hành trang chủ yếu là sách và sách, rong ruổi dặm dài đến với Hướng Hóa bằng cả tấm lòng nhiệt huyết và yêu nghề”.
50 năm sau kể từ ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa, từ chỗ còn “trắng” về GD- ĐT thì nay trên vùng đất này có quy mô giáo dục, mạng lưới trường, lớp phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa bàn của huyện. Toàn huyện có 25 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 14 trường THCS, 4 trường tiểu học và THCS, 3 trường Phổ thông Dân tộc bán trú và THCS, 1 trường PTDT bán trú THCS. Hằng năm, cấp học mầm non tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt khá cao, riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Cấp học tiểu học đạt tỷ lệ huy động 99,5 % so với trẻ có trong độ tuổi, cấp học THCS đạt tỷ lệ huy động 90,2%. Toàn huyện có 20 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 31,7%), trong đó mầm non 6/24 trường, tiểu học 9/17 trường, THCS 5/15 trường. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, cao tầng hóa và từng bước hiện đại. 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn trở lên. Hiện toàn ngành GD- ĐT huyện có 1.808 người, trong đó bậc học mầm non 557 người, bậc tiểu học 730 người, THCS 508 người. Ngành GD-ĐT huyện có 65 chi bộ với 910 đảng viên, đạt tỷ lệ 50,33% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành. Cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên 774 người.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ngay từ rất sớm, ngành GD- ĐT Hướng Hóa triển khai có hiệu quả Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” theo Quyết định số 1400 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt việc dạy học tiếng Anh cho học sinh tiểu học, trong đó dạy chương trình ngoại ngữ cho học sinh lớp 6,7,8,9 tại THCS Khe Sanh, khối 6,7 của ba trường THCS: Tân Lập, Tân Liên, Lao Bảo, khối 6 ở các trường THCS: Tân Long, Tân Thành, Tân Hợp, Hướng Phùng, Hướng Tân. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành GD- ĐT giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến 2025. Thực trạng học sinh bỏ học giảm dần qua hằng năm, năm 2018 đối với tiểu học còn 0,05 %, đối với THCS còn 0,6%. Năm học 2014-2015, Phòng GD & ĐT Hướng Hóa xây dựng chương trình, tài liệu và đưa vào thí điểm giảng dạy tiếng Bru- Vân Kiều cho học sinh người dân tộc tại Trường Tiểu học Hướng Tân và THCS Húc, năm học 2016-2017 dạy cho học sinh khối 6, 7 các Trường THCS: Húc, Hướng Phùng, PTDT bán trú TH&THCS Hướng Lộc. Đối với giáo dục mầm non thực hiện dạy học 2 buổi/ ngày ở 25 trường đạt tỷ lệ 100%, cấp tiểu học dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học.
Năm học 2017- 2018, có 14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với 5.275 học sinh, chiếm tỉ lệ 51,23%; 4 trường tổ chức bán trú cho 1.199 học sinh. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày giúp học sinh rèn luyện, thực hành, làm bài tập ngay tại lớp, giảm áp lực phải học thêm. Đối với bậc THCS thực hiện nghiêm túc chương trình hiện hành, đồng thời giao quyền tự chủ cho nhà trường trong việc lập kế hoạch dạy học. Công tác dạy học theo chủ đề được chú trọng. Phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh trong tích hợp kiến thức liên môn để dạy học. Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc ở tất cả các môn học. Chú trọng việc lập “nguồn học liệu mở” các câu hỏi, bài tập, đề thi, giáo án, tài liệu tham khảo đều được đưa lên trên Website của Phòng GD- ĐT và trường để giáo viên và học sinh tham khảo. Các hoạt động phát triển năng lực học sinh được quan tâm như tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật (năm học 2017-2018 có 1 dự án tham gia cấp quốc gia), vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn (năm học 2016-2017 có 4 đề tài của giáo viên dự thi cấp quốc gia, có 3 đề tài đạt giải, thi tiếng Anh, giải Toán trên internet, đã tác động tích cực đến đổi mới phương pháp dạy của thầy và cách học của trò…
Trong thời gian tới, ngành GD- ĐT Hướng Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 29 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Chương trình hành động số 95 năm 2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) và Chương trình của Huyện ủy về việc “Đổi mới căn bản toàn diện GD- ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng huyện Hướng Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Nguyễn Vinh