Các em đã lớn khôn
(QT) - Trường THPT Đông Hà bước sang tuổi 45 với gần hai vạn học sinh đã tốt nghiệp. Dù hoàn cảnh, công việc có khác nhau nhưng sự thành công của mỗi người hôm nay đều có xuất phát điểm được ươm mầm từ mái trường này. Nếu vinh dự lại được là người chép sử, tôi xin chấp bút nối dài thêm danh sách những gương học sinh tiêu biểu qua chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Rất tự hào: Các em đã trưởng thành!

Các em đã lớn khôn

(QT) - Trường THPT Đông Hà bước sang tuổi 45 với gần hai vạn học sinh đã tốt nghiệp. Dù hoàn cảnh, công việc có khác nhau nhưng sự thành công của mỗi người hôm nay đều có xuất phát điểm được ươm mầm từ mái trường này. Nếu vinh dự lại được là người chép sử, tôi xin chấp bút nối dài thêm danh sách những gương học sinh tiêu biểu qua chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển của nhà trường. Rất tự hào: Các em đã trưởng thành!

Cựu học sinh của Trường THPT Đông Hà tổ chức họp lớp nhân kỷ niệm 25 năm ngày ra trường.. Ảnh: T.L

Buổi sinh hoạt cuối của các lớp 12 cách đây hơn hai thập kỷ, đi qua một phòng học tôi bắt gặp hình ảnh cô giáo Trương Thị Liên đang cất cao tiếng hát trước những ánh mắt háo hức của học trò: “Em sẽ lớn lên như tôi đã từng khôn lớn và sẽ bay cao bay xa hơn tôi tới những đỉnh cao mơ ước của loài người…”. Và qua năm tháng, lời ca ấy cứ dư âm mãi trong tôi với những kỳ vọng…

Hội ngộ sau 35 năm ngày ra trường với lớp B(1980-1983), gặp lại cô nữ sinh nhỏ nhắn, hiền lành năm xưa giờ cũng là đồng nghiệp của tôi. Hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, tôi được nghe em kể về một cậu trò nhỏ Hà Văn Tài, “chú chim cánh cụt dũng cảm”. Tài là một cậu bé đặc biệt bất hạnh. Cả xã Cam An, Cam Lộ ai cũng biết hoàn cảnh đáng thương của em. Lọt lòng mẹ, em đã không có đôi tay, hai chân chiếc ngắn chiếc dài, chân phải bị thiếu ngón, teo tóp, phải đứng bằng mũi chân mới bằng chân trái. Bố Tài bỏ đi khi em chưa ra đời, mẹ cũng dứt áo đi tìm hạnh phúc mới, bỏ em lại với bà ngoại già yếu và nghèo khổ. Em lớn lên trong tình yêu thương, chăm sóc của bà. Đến tuổi đi học, nhiều trường tiểu học từ chối và khuyên bà đưa Tài đến trường dành cho trẻ khuyết tật. Tài học Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu thành phố Đông Hà được 1 tháng thì các thầy cô giáo ở đây khuyên bà đưa cháu về học với học sinh bình thường vì em rất thông minh và nhanh nhẹn. Tưởng chừng cả đời Tài sẽ phải quanh quẩn nơi góc nhà, xó bếp. Thương bà vất vả vì khát vọng của cháu được đến trường, thấy tư chất Tài thông minh, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Cam Lộ) đã quyết định nhận em vào học và biên chế về lớp 1 do cô Sành phụ trách. Cô kiên trì nhẹ nhàng cầm chân dạy chữ cho con, con nén đau nhẫn nại tô từng nét chữ…cứ vậy, sau 2 tháng Tài mới điều khiển được bút bằng chân theo ý muốn, hết năm lớp 1 viết được những chữ cơ bản, cuối năm lớp 2 đọc thông viết thạo và làm được các phép tính... Cô giáo Sành say sưa kể về nghị lực của cậu bé Hà Văn Tài mà ít nói về mình. Tìm đọc những trang báo viết về chú chim cánh cụt dũng cảm, trong tôi trào dâng niềm cảm mến chú bé và càng thấu hiểu hành trình hai năm kiên trì mà cô giáongười mẹ hiền Hoàng Thị Sành (Trường Tiểu học Lê Văn Tám, Cam Lộ) đã giúp em đứng lên tự tin hòa nhập với mọi người, đã cùng em khám phá những con chữ, đã dạy em những kỹ năng tự chăm sóc bản thân…Năm 2015, tại Đại hội Chiến sĩ Thi đua toàn quốc ở Thủ đô Hà Nội, cô giáo Hoàng Thị Sành được vinh danh.

***

“Những năm qua, nhiều cán bộ Biên phòng tỉnh Quảng Trị được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy ở một số xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển kinh tế - xã hội ở các xã này. Nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có bước phát triển, xóa dần khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi…Đến nay, ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông có 17 cán bộ biên phòng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã…” (Những Phó Bí thư Đảng ủy xã mang quân hàm xanh, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 18/4/2018). Là một trong 17 cán bộ Biên phòng, Thiếu tá Đặng Ngọc Hoàng được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lộc, một xã vùng sâu vùng xa gần biên giới Việt- Lào thuộc huyện Hướng Hóa. Thực hiện nhiệm vụ, anh đã bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế các thôn bản, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giúp người dân hiểu và thực hiện; tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã nhiều giải pháp phù hợp. Nhờ vậy ở địa phương, công tác xây dựng Đảng được củng cố và phát triển, hoạt động các đoàn thể đi dần vào nền nếp, đời sống người dân được cải thiện, an ninh trật tự đảm bảo. Rời mái trường THPT Đông Hà năm 1992, tiếp bước cha và anh trai, anh Hoàng trở thành chiến sĩ Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Anh đã có 11 năm công tác tại Hải đội Đông Hà, 3 năm làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Cồn Cỏ và từ năm 2010 đến nay là Phó Bí thư mang quân hàm xanh. Dù xuống biển hay lên rừng, dù ở bất cứ cương vị nào, với tinh thần trách nhiệm của người lính cụ Hồ, anh Hoàng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

***

Sinh ra ở làng An Lợi, xã Triệu Độ, Triệu Phong, lớn lên học trường làng rồi tốt nghiệp phổ thông (Khóa 1989-1992, Trường THPT Đông Hà), Huy trở thành sinh viên Trường Đại học khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Thương ba mẹ phải rời quê, vượt hàng ngàn cây số vào chốn thị thành, trải qua đủ nghề để nuôi các con ăn học, anh em Huy vừa học, vừa kiếm việc làm để có thêm tiền trang trải học phí. Thậm chí có những ngày Huy phải trốn học đi làm thuê và nhờ bạn điểm danh. Ra trường, việc làm không ổn định, chật vật kiếm sống nhưng Huy vẫn trở thành thầy giáo như mơ ước thuở xưa. “Huy ơi, nghề dạy như chú với con cực lắm, phải mở trường mới mong khá hơn…”. Lời khuyên của người chú thôi thúc, Huy hợp sức với những người bạn cùng chí hướng, gom góp, vay mượn, xây dựng, tan rã rồi lại xây dựng…, đến lần thứ ba một ngôi trường khang trang ra đời, vững chãi tọa lạc tại 51/4 Nguyễn Thị Nhỏ, phường 9, quận Tân Bình. Đó là Trường THPT Hai Bà Trưng do thầy Huy làm hiệu trưởng. Trường THPT Hai Bà Trưng không chỉ là nơi học tập, tu dưỡng của học sinh thành phố mà còn là nơi gửi gắm con em của phụ huynh các tỉnh lân cận cũng như miền Trung trong đó có Quảng Trị. Từ ngôi trường này đã cho “ra lò” biết bao lớp học sinh có tài có đức, chấp cánh bay vào các giảng đường đại học, trường nghề để xây dựng tương lai. Hoàng Minh Huy đã trở thành người thầy có tâm đẹp, sáng ngời và đầy bao dung của bao thế hệ học trò.

***

Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã rất yêu thích màu áo Bluse trắng và điều đó đã thành hiện thực. Sau 6 năm miệt mài trên giảng đường Đại học Y Hà Nội, anh tiếp tục thi đỗ vào học Bác sĩ nội trú khóa 24, chuyên ngành Phụ sản. Năm 2004, anh tốt nghiệp bác sĩ nội trú, đồng thời hoàn thành luận văn Thạc sĩ Y khoa và đầu quân làm việc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trải qua nhiều cương vị khác nhau, anh đã về Khoa Sản nhiễm khuẩn công tác. Bằng kinh nghệm của mình, anh cùng đồng nghiệp trong khoa trực tiếp điều trị bệnh nhiễm khuẩn nặng như nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc, toác vết mổ thành bụng, viêm gan, lao, HIV/AIDS, bệnh lây nhiễm khác cho nhiều phụ nữ. Chưa bằng lòng với những kiến thức có được, anh tham gia làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa năm 2012. Anh tâm sự: “Những năm gắn bó với ngành Y đã giúp chúng tôi thấu hiểu sự vất vả của phụ nữ khi mang nặng đẻ đau, chưa kể có nhiều người còn mắc những chứng bệnh truyền nhiễm. Nhưng bằng kinh nghiệm và chuyên môn của mình, chúng tôi đã tận tình khám và chữa bệnh để đem lại hạnh phúc cho mọi người”. Chính vì vậy, trong cuộc sống cũng như trong công việc, anh luôn là người giàu nhiệt huyết và nhiệt tình cống hiến cho sự nghiệp chung, đem lại niềm vui cho bệnh nhân và niềm hạnh phúc cho bao gia đình. Anh là TS.BS Nguyễn Quảng Bắc - Trưởng Khoa Sản nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, một trong những đôi tay vàng của ngành Y Việt Nam.

Điều đặc biệt thú vị là cả ba chàng trai trên đều học cùng một lớp, khóa 1989-1992, Trường THPT Đông Hà. Mỗi lần gặp nhau tại quê nhà, chuyện trường chuyện lớp lại râm ran và tất cả đọng lại là tình cảm bạn bè, tình nghĩa thầy trò thật đáng quý, đáng trân trọng.

Mai Thị Xuân Hoa

(Nguyên phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Hà)