Chương trình 135 tạo khởi sắc ở Hướng Hóa
Trong những năm qua, cùng với các chương trình dự án khác, chương trình 135 của Chính phủ đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của các xã đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa đã thực sự khởi sắc. Người dân  vùng bản Hướng Hóa được dùng nước sạch -Ảnh: P.VHướng Hóa có hơn 80 nghìn dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô cùng sinh sống trên địa bàn 22 xã, ...

Chương trình 135 tạo khởi sắc ở Hướng Hóa

Trong những năm qua, cùng với các chương trình dự án khác, chương trình 135 của Chính phủ đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của các xã đặc biệt khó khăn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Hướng Hóa đã thực sự khởi sắc.

Người dân vùng bản Hướng Hóa được dùng nước sạch -Ảnh: P.V
Hướng Hóa có hơn 80 nghìn dân bao gồm 3 dân tộc Kinh, Vân Kiều, Pa Cô cùng sinh sống trên địa bàn 22 xã, thị trấn, trong đó có đến 15 xã đặc biệt khó khăn. Trước đây, do địa hình phức tạp, hệ thống kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, phương thức canh tác giản đơn, tình trạng giao thông cách trở, nạn thất học, thiếu nước sinh hoạt, đau ốm thiếu thuốc men và thiếu lương thực là nổi ám ảnh của bà con dân bản ở các xã vùng sâu, vùng xa. Những năm trở lại đây, cùng với các chương trình dư án khác, qua triển khai chương trình 135 giai đoạn I và giai đoạn II, đã có những tác động tích cực đối với kinh tế- xã hội ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Chương trình này đã góp phần làm cho đời sống nhân dân ổn định và từng bước được cải thiện, văn hóa, xã hội có những chuyển biến tích cực, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn đảm bảo, vững chắc. Chương trình 135 giai đoạn I và giai đoạn II đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ, các thôn, bản, các xã đặc biệt khó khăn như đường giao thông, trường học, thuỷ lợi, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt, khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước, cung cấp các công cụ sản xuất, các loại vật nuôi, cây trồng... với tổng vốn đầu tư hơn 60 tỷ đồng, trong đó đã đầu tư xây dựng 52 công trình đường giao thông nông thôn, 51 trường học ở trung tâm và các thôn bản, 12 công trình thuỷ lợi, khai hoang hàng trăm héc ta đất gieo cấy lúa nước, trồng sắn cao sản KM 94, thi công các công trình điện chiếu sáng, nước sinh hoạt tự chảy và các công trình trụ sở, trạm khuyến nông, khuyến lâm, đường, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng... ở 5 trung tâm cụm xã Thuận, A Túc, Hướng Phùng, Hướng Lập, Pa Tầng. Để thực hiện tốt và đưa vào sử dụng có hiệu quả các công trình xây dựng ở các xã đặc biệt khó khăn theo nguồn vốn chương trình 135, huyện đã tiến hành các bước triển khai đúng với các văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương và tỉnh. Các công trình xây dựng không chỉ đảm bảo tiến độ, chất lượng mà mang lại hiệu ích thiết thực cho dân vùng hưởng lợi. Điều đáng ghi nhận là Ban quản lý Chương trình 135 của xã và huyện đã có những biện pháp tích cực từ việc lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, tổ chức thi công và nghiên cứu thanh quyết toán khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đúng theo hướng dẫn của trên. Các công trình được đầu tư xây dựng ở các thôn bản, các xã đặc biệt khó khăn đều có sự bàn bạc thống nhất, xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của bà con dân bản và thứ tự ưu tiên xây dựng các công trình cấp thiết ở thôn bản đảm bảo dân chủ công khai. Ở các công trình đầu tư xây dựng đều có sự phối hợp kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công. Sau khi công trình được thi công hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng đều có sự tham gia của các ngành liên quan và chính quyền địa phương. Các xã đặc biệt khó khăn tiếp nhận công trình có trách nhiệm quản lý sử dụng một cách có hiệu quả và có kế hoạch duy tu bảo dưỡng hàng năm. Trên cơ sở xây dựng các công trình theo nguồn vốn Chương trình 135, để phát huy nhanh hiệu quả kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân bản, các xã đã tiến hành lồng ghép nhiều chương trình nội dung khác như mở đường giao thông nông thôn đến đâu thì đi liền với việc bố trí dân cư thích hợp, quy hoạch lại sản xuất. Các công trình thủy lợi thi công hoàn thành thì triển khai ngay việc khai hoang đất bằng gieo cấy lúa nước hai vụ. Các trường học ở trung tâm, nhất là các bản "trắng" về giáo dục, các phòng học xây dựng hoàn thành thì cấp uỷ, chính quyền, mặt trận, các tổ chức đoàn thể và hội cha mẹ học sinh tích cực vận động con em trong độ tuổi đến trường. Chương trình 135 giai đoạn I và giai đoạn II đã góp phần làm cho tỷ lệ hộ nghèo từ 48,8 % năm 1999 giảm xuống còn 25,2 % (theo tiêu chí mới) năm 2007. Đến nay 100% số xã đã kiên cố hoá trường học, có đường ô tô đến trung tâm xã, 99 % học sinh trong độ tuổi đến trường, 90 % hộ dùng điện lưới quốc gia, 100% xã, thị trấn được phủ sóng điện thoại, 100 % thôn bản được xem chương trình truyền hình. Công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân ngày một tốt hơn, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở được toàn dân hưởng ứng tham gia, tệ nạn xã hội đều giảm, các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi, tình làng nghĩa bản ngày một thắt chặt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các xã biên giới luôn đảm bảo. Mai Phục