Bảo tồn rùa biển dựa vào ý thức cộng đồng
(QT) - Trong những năm qua, rùa biển đang bị săn lùng, khai thác trái phép vì những mục đích khác nhau khiến loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ này, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng bảo vệ rùa biển là việc làm cần thiết, cấp bách. Từ lâu, ở Quảng Trị, việc cộng đồng chung tay bảo vệ rùa biển quý hiếm đã được triển khai và ngày càng phát huy hiệu quả... Chung tay bảo vệ rùa quý Mỗi một con rùa con khi ...

Bảo tồn rùa biển dựa vào ý thức cộng đồng

(QT) - Trong những năm qua, rùa biển đang bị săn lùng, khai thác trái phép vì những mục đích khác nhau khiến loài rùa đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để góp phần bảo vệ loài động vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ này, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng bảo vệ rùa biển là việc làm cần thiết, cấp bách. Từ lâu, ở Quảng Trị, việc cộng đồng chung tay bảo vệ rùa biển quý hiếm đã được triển khai và ngày càng phát huy hiệu quả... Chung tay bảo vệ rùa quý Mỗi một con rùa con khi nở chỉ có 1 phần 1000 cơ hội sống sót và phải mất 30 năm sau chúng mới bắt đầu sinh sản. Một con rùa mẹ đẻ khoảng 70-100 trứng/ năm, 2 đến 8 năm sau mới tái đẻ. Sự khắc nghiệt của tự nhiên và sự tận diệt của con người đang đe dọa sự sống của các loài rùa biển.

Thả rùa về đại dương

Vì những lý do như vậy, từ những năm 2005 trở về trước, khi phát hiện rùa Da xuất hiện tại vùng biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN – Việt Nam) đã quan tâm, tích cực theo dõi và phối hợp với Sở Thủy sản (nay là Sở NN và PTNT), Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (BVNLTS) triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về công tác cứu hộ, bảo vệ và bảo tồn rùa biển. Vùng biển bãi ngang Quảng Trị với chiều dài 75 km, trong đó có 90% là bờ biển cát trắng, môi trường lý tưởng cho các loài rùa biển đẻ trứng. Từ năm 2005 -2006, ở vùng biển Quảng Trị đã ghi nhận sự xuất hiện của rùa Da (Demochelys coriacea), một trong những loài rùa có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới, tới đẻ trứng ở đây. Nhận thức được tầm quan trọng của loài động vật này ở Việt Nam, IUCN đã phối hợp với Chi cục BVNLTS và hai xã Hải An (Hải Lăng), xã Triệu Lăng (Triệu Phong) tổ chức các lớp tập huấn cho học viên là ngư dân về công tác cứu hộ, bảo vệ rùa biển, phát hiện rùa lên đẻ trứng. Từ các lớp tập huấn thiết thực với quy mô ngày càng mở rộng ra cho nhiều đối tượng khác nhau, đến tháng 10/2010, Đội tình nguyện viên quan sát và cứu hộ rùa biển Quảng Trị chính thức được thành lập, ban đầu quy tụ 93 hội viên chia làm 7 tổ (mỗi xã vùng biển một tổ). Mỗi tuần một lần, các tình nguyện viên phải thức dậy từ ba giờ sáng thay nhau đi tuần dọc bờ biển để xác định dấu vết rùa lên bãi đẻ, tìm ổ trứng để bảo vệ và tìm chính xác bãi rùa đẻ trứng để khoanh vùng theo dõi. Theo anh Lê Xuân Quang, ở thôn Trung An, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, một tình nguyện viên gắn bó với công việc này được hơn 5 năm, nhiệm vụ quan trọng nhất của nhóm là tuyên truyền, vận động người dân cùng bảo vệ rùa biển, làm cho người dân thấy được tầm quan trọng của loài vật có tên trong Sách Đỏ này. Các thành viên trong nhóm còn phải thường xuyên đi tuần tra, tìm kiếm, bảo vệ các ổ đẻ của rùa, giải cứu những chú rùa mắc lưới…Số lượng người tham gia đội tình nguyện có năm ít, năm nhiều, song vẫn phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình. Từ năm 2004 đến nay, ngư dân các xã vùng biển bãi ngang đã phát hiện được 19 trường hợp rùa biển gồm các chủng loại như đồi mồi, vích, rùa da, quản đồng..., kịp thời cấp báo để Sở NN&PTNT, Chi cục BVNLTS gắn thẻ và thả về đại dương.

Cán bộ kỹ thuật đang thực hiện việc gắn chip cho rùa trước khi trả về đại dương

“Thành công nhất của nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển là làm thay đổi được ý thức của người dân đối với việc bảo vệ rùa. Bây giờ, nếu gặp rùa biển mắc lưới, phát hiện ra dấu vết của rùa đi tìm nơi đẻ… ngư dân liền báo với các tình nguyện viên đến xử lý”, anh Nguyễn Minh Vương, thành viên của Nhóm tình nguyện viên bảo vệ rùa biển xã Gio Hải (Gio Linh) cho biết. Cũng chính từ ý thức tự giác của người dân mà mới đây, ông Nguyễn Văn Phí, ở thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh trong lúc đi đánh bắt hải sản ven bờ phát hiện một con rùa biển nặng 52,3 kg mắc vào lưới. Lập tức ông cùng với ngư dân trên thuyền cắt từng mắt lưới để đưa con rùa lên thuyền an toàn. Khi thuyền lên bờ, nhiều tư thương biết tin tìm đến mua với giá cao nhưng ông quyết không bán mà báo cho UBND xã Gio Hải và Chi cục BVNLTS tỉnh biết. Sau đó, ông cùng với bà con ngư dân Gio Hải thả con rùa xuống biển trước sự chứng kiến của cán bộ Chi cục BVNLTS và UBND xã Gio Hải. Giữ "tổ ấm" cho rùa

Ông Hoàng Đình Liên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục BVNLTS tỉnh cho biết: “Việc mở rộng và phát triển các cơ sở nuôi tôm ven biển, phát triển du lịch và bãi tắm là những yếu tố ảnh hưởng đến nơi sinh sản của rùa. Bên cạnh đó, mật độ dân cư quá đông và tiếng động cũng là những yếu tố cản trở rùa sinh sản”.

Theo anh Nguyễn Văn Hòa, cán bộ Sở NN&PTNT Quảng Trị, một người đã nhiều năm nghiên cứu các hoạt động của rùa biển, loài rùa biển không sống ổn định một chỗ mà di cư nhiều nơi, thậm chí cách nơi chúng sinh ra đến chục ngàn cây số nhưng đến mùa sinh sản, chúng vẫn tìm đúng đến nơi mình chào đời để đẻ trứng. Rùa mẹ lên bãi đẻ về đêm và chúng chỉ chọn những bãi có cát dày, không gian yên tĩnh. Một con rùa mẹ trước khi đẻ thường đào 4 đến 5 ổ nhưng chỉ đẻ trong một ổ, những ổ còn lại dùng để ngụy trang. Sau khi đẻ xong, rùa lấp ổ trứng để giữ nhiệt và tránh các loài khác làm tổn hại đến trứng. Trứng rùa được ấp trong lòng đất từ 50 đến 70 ngày sẽ nở. Khi vừa ra đời, rùa con tự chui ra khỏi ổ, bò ra biển kiếm ăn và tìm nơi cư trú. Tỷ lệ chết ở rùa rất lớn vì các loại địch hại, cứ 1.000 trứng thường chỉ còn lại 1-2 con sống đến tuổi trưởng thành. Anh Hòa cho biết thêm: “Về mặt tự nhiên, sự trưởng thành chậm của rùa biển khiến chúng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ngoài việc lấy trứng, ngư dân vùng biển bãi ngang không bao giờ bắt rùa, vì theo quan niệm của ngư dân ăn thịt rùa thường gặp xui xẻo, nhưng bây giờ các vùng biển gần bờ có nhiều lưỡi câu, lưới nên rùa hay mắc vào và bị chết ngạt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho loài động vật này ngày càng ít dần.” Ngoài ra, những năm gần đây, diện tích các bãi đẻ của rùa biển ở Quảng Trị ngày càng bị thu hẹp dần. Ông Hoàng Đình Liên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục BVNLTS tỉnh cho biết: “Việc mở rộng và phát triển các cơ sở nuôi tôm ven biển, phát triển du lịch và bãi tắm là những yếu tố ảnh hưởng đến nơi sinh sản của rùa. Bên cạnh đó, mật độ dân cư quá đông và tiếng động cũng là những yếu tố cản trở rùa sinh sản”. Một tín hiệu đáng mừng là Chi cục BVNLTS đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với địa phương và thành công trong việc thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ rùa biển. Rất nhiều hoạt động truyền thông có ý nghĩa thực tiễn mà Chi cục đã phối hợp với tổ chức IUCN thực hiện trong những năm qua như tập huấn cho các ngư dân địa phương và giáo viên về tầm quan trọng của rùa biển cũng như môi trường sống của chúng; hình thành nhóm tình nguyện giám sát bảo vệ rùa biển trên bãi đẻ; chương trình hái hoa dân chủ cho học sinh; thi vẽ và thi tìm hiểu về bảo tồn rùa biển; chương trình làm sạch biển… Những hoạt động trên cho thấy các nỗ lực trong công tác truyền thông và tiếp cận cộng đồng đã góp phần thay đổi thái độ, hành vi cũng như góp phần quan trọng bảo vệ các loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, truyền thông và tiếp cận cộng đồng là cần nhưng chưa đủ. Nỗi lo lắng của những người làm công tác nghiên cứu bảo tồn rùa biển trong tỉnh là càng ngày càng ít phát hiện thấy dấu vết rùa lên bờ đẻ trứng như những năm trước, bởi những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến sự xuất hiện của rùa tại các vùng biển bãi ngang. Hiện tại, với sự hỗ trợ của tổ chức IUCN, cùng với những nỗ lực của Sở NN&PTNT, Chi cục BVNLTS vẫn duy trì đều đặn việc điều tra khảo sát bãi đẻ rùa biển ở bảy xã vùng biển bãi ngang trong tỉnh. Tuy vậy, các vấn đề như bảo vệ các bãi biển sinh sản của rùa; chuẩn bị cơ sở vật chất và chất lượng công tác bảo tồn tại các bãi sinh sản của rùa biển; các mối đe dọa đến các quần thể rùa biển: biến đổi khí hậu, mất cân bằng giới tính trong tự nhiên; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các bãi biển; xử lý thương tật cho rùa biển bị nhốt lâu năm…vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện thêm để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo tồn rùa biển, vì sự sinh tồn cần thiết của loài vật qúy hiếm được coi là “sứ giả của đại dương” này. Bài, ảnh: THANH TRÚC