Thủ tướng: Bộ tham mưu sai sẽ phải chịu trách nhiệm
document.all('IDM_Category_'.concat(452)).style.display='';   (VietNamNet)  -  "Việc ngừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nông dân, trách nhiệm thuộc bộ nào? Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Bộ Công thương?". Đó là câu hỏi mà ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) gửi lên Thủ tướng, chờ được giải đáp.Nhiều vấn đề khác về xử lý DN gây ô nhiễm môi trường, kịch bản đối phó với thiểu phát, tình hình khiếu nại tố cáo gia tăng, cổ phần hóa DNNN không đạt kế hoạch...  cũng được ĐB đặt ra cho người đứng ...

Thủ tướng: Bộ tham mưu sai sẽ phải chịu trách nhiệm

(VietNamNet) - "Việc ngừng xuất khẩu gạo gây thiệt hại cho nông dân, trách nhiệm thuộc bộ nào? Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hay Bộ Công thương?". Đó là câu hỏi mà ĐB Ngô Minh Hồng (TP.HCM) gửi lên Thủ tướng, chờ được giải đáp. Nhiều vấn đề khác về xử lý DN gây ô nhiễm môi trường, kịch bản đối phó với thiểu phát, tình hình khiếu nại tố cáo gia tăng, cổ phần hóa DNNN không đạt kế hoạch... cũng được ĐB đặt ra cho người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (trái) đăng đàn trước QH trọn một buổi sáng. Ảnh: LN
Khác với kỳ họp thứ ba, khi Thủ tướng chỉ có vỏn vẹn 60 phút "kịp" đọc xong báo cáo, lần này, theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, " Quốc hội sẽ dành trọn một buổi sáng cho Thủ tướng trình bày và đại biểu nêu câu hỏi đối thoại trực tiếp ".

Thủ tướng: Nhà nước phải chia lửa với doanh nghiệp

Trước khi trả lời chất vấn của các ĐBQH, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày sơ lược những kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2009 sắp tới.

Trước hết, Thủ tướng nêu diễn biến khủng hoảng gần đây, lan rộng trên quy mô toàn cầu chưa có dấu hiệu sụt giảm, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng như các nước và khu vực phát triển hàng đầu: Mỹ, Nhật, EU... đều giảm.

Các nước đang thực thi nhiều giải pháp như dùng khoản tiền lớn cứu ngân hàng, để nội tệ không mất giá, chuyển chống lạm phát sang chống suy thoái, kích cầu nội địa, ngăn chặn suy giảm sâu phối hợp quốc tế chống khủng hoảng, giám sát thị trường tài chính quốc tế. Mức độ khủng hoảng và suy thoái thế giới đang tác động mạnh hơn, với các biểu hiện du lịch sẽ bị ảnh hưởng mạnh, xuất khẩu và sản xuất đều suy giảm... Khả năng vay nợ bảo lãnh nhập khẩu khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng việc làm và cán cân thanh toán quốc tế.

Trước biến động khó lường của kinh tế thế giới và thực tế trong nước giá nhiều mặt hàng đang giảm mạnh, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, tổng huy động và tính thanh khoản tốt hơn nhưng lãi suất tín dụng vẫn tăng, Thủ tướng nêu rõ, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Những nhiệm vụ chính yếu là ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động hội nhập kinh tế, tạo điều kiện thực hiện kế hoạch 5 năm với các chỉ tiêu tăng GDP 6,5% - 7%.

Ngoài việc nhắc lại các mục tiêu chung như tiếp tục chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả và kích cầu sản xuất, kích cầu đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh thêm giải pháp về phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Trong điều kiện khó khăn, việc đảm bảo chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh về giá để chiếm lĩnh và mở rộng thị trường là vấn đề sống còn của DN. Nhà nước sẽ phải chia lửa với doanh nghiệp. Cùng với thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, đúng đắn để bảo đảm vốn với lãi suất phù hợp, Chính phủ sẽ khẩn trương xác định các tiêu chí cụ thể để giảm thuế và tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn tiến độ nộp thuế cho DN. Điều chỉnh mô hình và cơ chế để phát huy quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ, khuyến khích khu vực này phát triển.

Kiểm toán DNNN và công khai kết quả

Thủ tướng nói: " Cần nâng cao hiệu quả DNNN, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, hướng vào ngành nghề kinh doanh chính" .

Có 5 giải pháp đưa ra để phát triển khu vực DNNN. Trong đó, trước hết, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sẽ hoàn thiện pháp luật để tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế chủ sở hữu nhà nước với DNNN theo hướng phân định rõ hơn trách nhiệm. Ngoài ra, tiếp tục tiến trình cổ phần hóa, nhất là TĐ, TCT và sơ kết thí điểm mô hình này.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý việc tăng cường giám sát hoạt động một cách công khai, minh bạch DNNN. Thực hiện kiểm toán và công khai kết quả, giám sát khu vực này là nhiệm vụ trọng tâm của 2009.

Dự báo làm khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo

Liên quan đến tiêu thụ lúa và điều hành xuất khẩu gạo, Thủ tướng khẳng định: " Từ trước đến nay, trong điều hành xuất khẩu gạo, Chính phủ đề ra phải đạt các yêu cầu: tiêu thụ hết lúa hàng hóa với giá hợp lý, có lợi cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, ổn định giá gạo trong nước ở mức phù hợp"

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ảnh: Lê Anh Dũng
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, giúp nông dân vươn lên cải thiện đời sống trong kinh tế thị trường.

Ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quý 3. Chính phủ cũng yêu cầu tiến độ giao hàng xuất khẩu phải phù hợp với nguồn hàng hóa lương thực của từng mùa vụ, đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, không để đầu cơ tăng giá.

Trên cơ sở sản xuất vụ mùa năm 2007 và dự báo sản lượng lúa đông xuân ở ĐBSCL, sau khi cân đối đảm bảo cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm là khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn và đã ký hợp đồng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm trên 2,4 triệu tấn.

Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhu cầu dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít DN lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước lên.

Trước tình hình này, sau khi nghe Bộ NN&PTNN, Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới, vì các lí do:

Một là, nguồn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm được cân đối là 2,3 - 2,5 triệu tấn, chỉ đảm bảo đủ để thực hiện những hợp đồng đã ký là 2,4 triệu tấn. Vào thời điểm cuối tháng 3, chúng ta mới giao được 800 nghìn tấn, còn phải giao 1,6 triệu tấn trong 3 tháng tiếp theo. Việc tạm dừng ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới để tập trung lượng gạo hàng hóa cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký là cần thiết vì nguồn hàng cân đối cho xuất khẩu không còn.

Hai là, vào thời điểm này, các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại kéo dài lịch sử. Dự báo lúc đó là 50% được mùa, 50% mất mùa. "Lúc đó tôi chủ trì mà rất suy nghĩ bởi không ai dám nói là sẽ được mùa hay mất mùa. Điều này khó cho lựa chọn quyết định của lãnh đạo. Chúng ta đã gặp tình hình mất mùa như vậy 2 lần, khi gió Lào, nắng nóng về".

Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến khi đánh giá được kết quả các vụ mùa này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong trường hợp bị mất mùa.

Từ cuối tháng 3, giá gạo trên thế giới tăng cao, có đề nghị cho ký hợp đồng xuất khẩu thêm để tận dụng cơ hội thị trường.

" Nhưng nếu chúng ta cho ký hợp đồng mới, bán thêm gạo và giao hàng ngay trong các tháng 4, 5, 6 thì có thể bán được một số ít gạo với giá cao hơn nhưng các DN sẽ phải mua vét phần gạo cân đối để tiêu dùng trong nước đem đi xuất khẩu. Điều này sẽ đẩy giá gạo trong nước, vốn đã cao lại càng cao hơn, kéo theo giá các hàng hóa khác tăng mạnh, chắc chắn là chỉ số lạm phát tăng cao, gây thiệt hại cho toàn xã hội, ngay cả người trồng lúa ".

" Không phải như đại biểu nói là dự trữ hàng triệu tấn gạo, lúc này trong kho dự trữ còn 187 ngàn tấn lúa, tương đương 160 ngàn tấn gạo. Nếu thất mùa bán hết, không biết chuyện gì xảy ra " - Thủ tướng nói.

Thủ tướng khẳng định: " Việc tạm dừng ký bán thêm gạo giao ngay trong tháng 4, 5, 6 là cần thiết nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước, giữ giá gạo trong nước hợp lý, không bị đẩy lên quá cao, góp phần quan trọng, thiết thực vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát và bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước trong tình huống bất trắc khó lường".

Để tận dụng giá xuất khẩu gạo cao, CP đã chỉ đạo các DN xuất khẩu liên quan đàm phán với khách hàng điều chỉnh tăng giá với các hợp đồng đã ký và nhiều hợp đồng đã được điều chỉnh.

Từ đầu tháng 6, khi triển vọng mùa vụ tốt, CP đã chỉ đạo ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu mới. Đến ngày 10/11, các DN đã ký được trên 4,5 triệu tấn. Hiện các DN đang đàm phán để ký hợp đồng bán với khối lượng lớn (trên 1,5 triệu tấn) và sẽ giao hàng ngay trong tháng 12/2008.

Để tiêu thụ lúa hàng hóa còn lại cho nông dân, CP đã khẩn trương chỉ đạo và hỗ trợ thiết thực các DN đẩy mạnh mua vào. Sau khi hoàn thành chỉ tiêu, các DN tiếp tục mua thêm, trong đó có 300 nghìn tấn gạo mua theo chỉ đạo của CP.

Thủ tướng nhấn mạnh: " Trong điều kiện khó khăn, phức tạp, tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo là vì lợi ích tổng thể, toàn cục của đất nước và cơ bản đã đạt các yêu cầu đề ra".

Nếu tham mưu sai, sẽ phải chịu trách nhiệm

Sau khi nghe Thủ tướng báo cáo, 3 ĐB đầu tiên đã đặt câu hỏi cho ông.

ĐB Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) hỏi: Trong giải trình của Thủ tướng có nêu "CP đang chỉ đạo các giải pháp cần thiết để hỗ trợ bà con nông dân trồng lúa và yêu cầu các bộ chức năng nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm để chỉ đạo điều hành tốt hơn. Về lâu dài, CP cũng đang chỉ đạo xây dựng dề án bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đề ra các giải pháp khắc phục các hạn chế yếu kém, giải quyết một cách căn bản, dài hạn và có hiệu quả hơn về sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an ninh lương thực trong đó đảm bảo lợi ích thỏa đáng cho người trồng lúa, vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp có ý nghĩa quyết định". Vậy liệu Thủ tướng có chỉ đạo CP sẽ chi 5.000 tỷ đồng, chiếm 5% trong bội chi ngân sách hỗ trợ cho bà con trong giống, thuốc trừ sâu, phân bón - những giải pháp thiết thực cho bà con hay không?

ĐB Nguyễn Hồng Anh (Hà Nội) đặt liền một lúc 3 câu hỏi: Gia nhập WTO, kinh tế dễ bị tổn thương. Cơ chế, trách nhiệm của các bộ có đáp ứng yêu cầu? Có cần sửa Hiến pháp đặt CP về đúng vị trí cơ quan hành pháp không?

Cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu, hành chính vẫn hành dân là chính. Thủ tướng thừa nhận chưa đạt yêu cầu là không đột phá, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Vậy có giải pháp gì?

Đây là tháng thứ 3 từ khi có Nghị quyết về mở rộng HN. Triển khai đề án như thế nào?

ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) hỏi: Kỳ họp thứ 2, các bộ, ngành cần rà soát chức năng, nhiệm vụ, việc nhà nước cần thiết làm thì làm, còn việc gì chuyển giao được thì nên chuyển giao. Hội Luật gia thấy còn chậm. Hiện nay, rà soát chức năng của các bộ ngành, nơi nào làm tốt, chưa tốt?

Qua kỳ họp thứ 2, thứ 3, nghe bộ trưởng trả lời chất vấn, thấy có vấn đề khách quan, chức năng của bộ, ngành điều chỉnh rộng hơn, nên trả lời của bộ trưởng còn lúng túng, nhưng rõ ràng như vậy sẽ ảnh hưởng chức năng tham mưu với Thủ tướng. Đơn cử, trong báo cáo giải trình, Thủ tướng có đưa ra con số tỷ lệ lãi của bà con nông dân là trên 60% . Con số đưa ra thiếu chính xác. Cơ sở nào để nói đạt lãi quá lớn như vậy? Chúng ta đạt thành tích hết sức cơ bản, nhưng điểm yếu là cơ quan tham mưu giúp CP còn hạn chế. Thủ tướng có biện pháp gì trong tương lai để củng cố, nâng chất lượng cơ quan tham mưu?

Trả lời về vấn đề lúa gạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: ĐB ở Hậu Giang đã bổ sung một câu quan trọng, quyết 5.000 tỷ hỗ trợ bà con nông dân mà Thủ tướng không quyết được. Tôi đã nói khi QH thông qua phân bổ ngân sách TƯ, đã giao các bộ báo cáo Thủ tướng làm thế nào hỗ trợ người trồng lúa, nuôi cá ba sa. Sáng nay, tôi đã bảo Phó Thủ tướng xử lý vấn đề cho người nông dân, tiền cũng có hạn, xử lý phải cân nhắc cụ thế. Tôi sẽ thông báo lại sau.

ĐB Hà Nội hỏi hội nhập thì chức năng Chính phủ thế nào, có cần sửa Hiến pháp không. Mới vào WTO 2 năm, cũng đang hoàn thiện thể chế. Hai năm qua, hội nhập có kết quả dù còn phải phấn đấu nhiều, trên thành tựu kinh tế. Chúng tôi đang đánh giá lại Luật Tổ chức Chính phủ để xem khi kết thúc sẽ sửa đổi gì. Thống nhất quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trên điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập.

CCHC so với yêu cầu và thực tế là chưa đạt, nhưng đã có bước tiến dài. Vì CCHC bao gồm cả cải cách thể chế thủ tục, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cả cải cách hành chính công, đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng so với yêu cầu chưa đạt và chưa là khâu đột phá.

Tóm lại, tiếp tục rà soát sao cho thể chế này phù hợp kinh tế thị trường, vận hành linh động, hiệu quả hơn và kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức, rà soát CCHC trên tất cả các lĩnh vực.

Sau khi hợp nhất HN, triển khai thế nào? Chính phủ đã chấp hành nghiêm và có kết quả bước đầu.

Ý kiến của ĐB trong Hội Luật gia, rà soát chức năng các bộ, ngành. Đây là một quá trình, đang làm, có cái đã chuyển biến nhưng có cái đang thay đổi. Ví dụ xã hội hóa công chứng, nhưng có ý kiến phản ánh đến Thủ tướng là không ổn. Cái gì nhà nước làm là phải làm cho tốt, kể cả thể chế và bộ máy. Cái gì chuyển các hội nghề nghiệp, cho tổ chức XH nghề nghiệp thì sẽ chuyển, nhưng đảm bảo phục vụ tốt dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước.

Như ĐB Hà Nội nói, hành chính vẫn là hành dân là chính. Quy kết như thế không đúng, ĐB thử xem câu này thế nào. Vẫn còn một bộ phận vẫn tiếp tục kiện toàn và xây dựng. Nói như vậy là không đúng thực tiễn, áp đặt.

Về ý kiến chuyện bộ tham mưu lúng túng, không chính xác. Đúng là có sai, nhưng mà các bộ đã trưởng thành nhiều, đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi.

Nông dân trồng lúa thu được 60% lãi, con số này có chính xác không, ĐB nói con số này lớn quá, xôn xao cho là không hợp lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp số liệu từ Ban vật giá, đây là số liệu bình quân của các địa phương. Có thể điều kiện cụ thể ở địa phương nào đó tỷ lệ không đúng vì đây là tỷ lệ trung bình của cả ĐBSCL. Nhưng nếu tham mưu sai, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Xử lý Vedan: Vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) quan tâm đến vấn đề môi trường và chống tham nhũng: Liên quan đến bảo vệ môi trường, tôi nhất trí với thái độ của Thủ tướng và quyết tâm của CP bảo vệ môi trường, nhưng hiện số DN gây ô nhiễm và ô nhiễm nghiêm trọng khá nhiều. Xử lý không khỏi ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động. CP làm thế nào để thực hiện những gì Thủ tướng nêu mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội?

Chúng tôi có ấn tượng sau Vedan, nhiều địa phương lôi ra nhiều vụ việc vi phạm môi trường khác, nhưng bây giờ lại chững lại, quan sát. Ý kiến của Thủ tướng hôm nay rất quan trọng. Ý Thủ tướng thế nào? Vừa rồi CP đưa ra tám chỉ tiêu về môi trường, cơ quan nào chỉ đạo, tiền lấy từ đâu?

Về chống tham nhũng, tiến độ và kết quả phối hợp điều tra của cơ quan điều tra Việt Nam với phía Nhật Bản trong đưa và nhận hối lộ vụ PCI, đã xử ở Tokyo, tin tức đưa lên mạng. Nếu chúng ta không xử lý nhanh, thái độ thiếu kiên quyết sẽ có ảnh hưởng đến hình ảnh Việt Nam.

Hai ĐB tiếp theo có mối quan tâm chung là công tác tham mưu, dự báo. ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) chất vấn: Tại kỳ 3, có chất vấn Bộ trưởng KH-ĐT về dự báo và cảnh báo sớm, qua trả lời, tôi thấy còn bất cập giữa các bộ, ngành. Hiện nay, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, các ĐB cũng quan ngại về khả năng cảnh báo, dự báo sớm. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến về vấn đề này?

Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu thiên niên kỷ, VN đã nỗ lực phấn đấu, được thế giới đánh giá cao. Nhưng hiện kết quả còn chưa vững chắc. Tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, 61 huyện còn tỷ lệ cao như Quảng Ngãi, Sơn Tây lên tới 70%. Trong khó khăn chung về lạm phát, có giải pháp đột phá gì để hỗ trợ huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất?

ĐB Trịnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) tiếp lời: Công tác tham mưu, dự báo, phối hợp giữa các bộ, ngành nhiều lúc chưa chặt và chuẩn xác, dẫn tới nhiều quyết định của Thủ tướng gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Đề xuất giải pháp cụ thể gì để tăng hiệu quả và trách nhiệm bộ, ngành rõ hơn?

Về đề xuất tập trung tiêu thụ lúa hàng hóa tồn đọng trong dân, đặc biệt ĐBSCL, đề nghị nêu rõ giải pháp. Hiện sản lượng lúa hàng hóa tồn đọng còn rất lớn. Song song với tiêu thụ, giá phải hợp lý?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời:

Về xử lý môi trường, CP đã nêu rõ chủ trương. Hiện đã có chương trình, kế hoạch xử lý với những cái gây ô nhiễm hiện tại. Như Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc nói, trước ta chưa quan tâm tới môi trường và cũng chưa có điều kiện quan tâm đúng mức, xử lý môi trường. Những cái hiện đang gây ô nhiễm phải xử lý nhưng cũng cần thời gian. Đó là mong muốn nhưng còn điều kiện nữa.

Như chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Y tế đã nêu, hàng ngàn bệnh viện như thế, không phải chúng ta không biết có vấn đề môi trường nhưng chúng ta không có điều kiện xử lý. Trước mắt, bệnh viện nào thuộc quản lý ở TƯ, TƯ bố trí ngân sách, bệnh viện thuộc quản lý địa phương, địa phương sẽ bố trí ngân sách để xử lý từng bước. Mà ngân sách của ta như thế nào, các ĐB biết cả rồi.

Các chỉ tiêu nêu về môi trường, tôi cũng đã chỉ đạo đừng nêu thành chỉ tiêu "chay", nêu mà không bố trí ngân sách. Chúng ta cũng cần xác định rõ vi phạm nào thuộc Bộ Y tế, Bộ TN&MT, các bộ chức năng và địa phương. Từng năm để giải quyết cụ thể những vi phạm môi trường hiện có. Đồng thời phải có từng đề án cụ thể như đề án sông Cầu, sông Đông Nai... phê duyệt từng chương trình.

CP cũng chủ trương ngăn chặn những vi phạm mới, không vì lợi ích trước mắt mà hy sinh môi trường. Vừa rồi CP đã từ chối dự án thép trị giá 4 - 5 tỷ USD vì vấn đề môi trường. Nhiều địa phương cũng đã làm như vậy.

Còn xử lý, tình thần thế này: Đã là cơ quan hành chính, dứt khoát phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem có lợi nhất. Ví dụ, Vedan, chính tôi yêu cầu Chủ tịch UBND Đồng Nai kiểm tra nếu chưa thấy thực hiện đúng quyết định của Bộ TN&MT thì phải xử lý. Xử lý làm sao để Vedan không thải nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra nước nhưng Vedan còn tiếp tục hoạt động và hoạt động được vì đây là năng lực sản xuất của xã hội. Chúng ta xử lý vừa đúng pháp luật, vừa đạt lợi ích.

Về xử lý trường hợp đưa và nhận hối lộ ở PCI có liên quan tới Nhật Bản: Khi báo chí Nhật Bản loan tin việc đưa và nhận hối lộ có liên quan đến một cán bộ của Việt Nam, CP đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với bạn, chủ động yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta quản lý, xử lý, không thể để công dân VN để cơ quan tư pháp nước khác xử lý. Bạn một thời gian dài mới gửi "gọi là" hồ sơ, nhưng hồ sơ chưa đủ cơ sở pháp lý. CP đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận xử lý, làm rõ, làm rõ tới đâu sẽ xử lý tới đó theo pháp luật Việt Nam.

Chúng ta cùng với Nhật Bản cũng lập UB phối hợp đấu tranh ngăn chặn và xử lý tham nhũng liên quan đối với dự án ODA.

Lê Nhung - Phương Loan