Sức hấp dẫn từ vẻ đẹp hoang sơ của trằm Trà Lộc
(QT) - Nằm cách thị xã Quảng Trị hơn 8 km về phía nam, trằm Trà Lộc thuộc làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng là một thắng cảnh thiên nhiên đầy hấp dẫn.
.jpg) |
Khu du lịch sinh thái trằm Trà Lộc, xã Hải Xuân, Hải Lăng - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Toàn bộ trằm là một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Tâm điểm của trằm là hồ nước được chiết ra từ mạch nước ngầm trong lòng đất. Bao quanh hồ nước là những cụm rừng với bạt ngàn cây lớn nhỏ, đặc biệt là đước và dây leo chằng chịt vắt ngang đầu người, cũng là nơi trú ngụ của những đàn chim, đàn khỉ. Với dáng vẻ hoang sơ ấy, một khi đã “chìm” sâu vào “lòng” trằm, chúng ta ngỡ như đang lạc lối giữa bạt ngàn rừng đước Tây Nam bộ vì có thể cảm nhận được màu xanh ngút ngàn của rừng cây, nghe từng nhịp thở của sinh vật giữa không gian bình yên. Thân cây bấu víu nhau để sống, rễ dưới nước, rễ trên cạn đan chặt nhau quấn quýt như là sự hiện thân của tinh thần chịu thương chịu khó, nương tựa vào nhau của người dân nơi đây. Vào mùa nắng nóng, đến với trằm Trà Lộc là có lớp lớp cây xanh che khuất ánh nắng mặt trời mang lại cảm giác tươi xanh, mát lành. Trằm hấp dẫn không chỉ vì vẻ đẹp yên bình mà còn níu lòng du khách bởi vẻ nguyên sơ, mộc mạc như chưa hề có sự tác động của con người. Giữa hồ nước rộng lớn luôn rực rỡ hoa súng, hoa sen; trên những cây cầu bán nguyệt, du khách buông cần câu cá hay ngồi trong những chiếc chòi lá dựng sát mép hồ nhìn ra phía xa xa là từng cụm đước ngâm mình dưới nước tốt tươi và thấp thoáng đâu đó một chiếc xuồng nhỏ đi vớt bèo tạo nên một bức tranh đa sắc màu. Trằm còn là nơi cung cấp nước tưới cho nông nghiệp. Nhờ có trằm mà cây lúa của bà con nông dân vẫn xanh tươi qua mùa nắng hạn. Nếu về trằm Trà Lộc sau vụ hè thu, tầm tháng 7 âm lịch, chúng ta sẽ bắt gặp lễ hội “phá” trằm. Người dân địa phương quan niệm rằng trằm là do tạo hóa ban tặng cho con người nên sau những chuỗi ngày lao động vất vả, bà con nông dân lại “phá” trằm. Gọi là “phá” nhưng thực chất chỉ là đánh bắt cá, tôm, lươn, ốc... ở hồ nước trong trằm. Từ cụ già cho đến trẻ nhỏ, ai cũng hồ hởi tham gia với rớ, lưới, nơm để bắt cá, tôm... Tan hội, mọi người về nhà với những đặc sản từ thiên nhiên ban tặng cho dân làng. Đến với trằm Trà Lộc, du khách còn được thưởng thức những đặc sản đậm chất quê nhà. Ngồi trên những chiếc chòi lá ngắm cảnh, nhâm nhi rượu Kim Long cùng với hến xào, ếch xào hay con cá đồng được chế biến sau khi vừa vớt lên từ lòng hồ thì không có gì tuyệt vời hơn; hay thưởng thức món cháo cá lóc được nấu từ sợi bột gạo trắng thơm thêm hương nồng của ném. Do đó, trằm Trà Lộc là điểm đến của nhiều đoàn khách tham quan du lịch, nhiều sinh viên tới nghiên cứu, khảo sát thực địa. Vì thế, trong những năm trở lại đây, trằm Trà Lộc được UBND tỉnh và huyện quan tâm đầu tư thêm nhiều hạng mục như xây dựng các tuyến đường giao thông thuận lợi, tu sửa, nạo vét lòng hồ, đắp đập, trồng sen, thả cá và cấp giấy phép kinh doanh, mở rộng dịch vụ với hơn 30 chòi lán, bãi giữ xe thuận tiện để phục vụ du khách tham quan. Nhờ vậy lượng khách đến với khu du lịch sinh thái này ngày càng đông. Bình quân mỗi tháng có từ 7.000 đến 9.000 lượt. Bên cạnh sự chu đáo và hiếu khách thì vấn đề bảo đảm an ninh trật tự và an toàn tuyệt đối cho du khách trong khu sinh thái cũng luôn được Ban quản lý khu du lịch sinh thái chú trọng quan tâm. Đặc biệt là ngăn chặn việc chặt cây, đánh bắt cá, đào bới cây cảnh và giữ gìn vệ sinh chung. Để giữ được một trằm Trà Lộc hoang sơ như hôm nay, bên cạnh nỗ lực của BQL khu du lịch sinh thái còn phải ghi nhận sự tham gia tích cực của đông đảo người dân với nhiều nội quy, quy định chặt chẽ như cấm chặt phá cây rừng, không đặt bẫy giết hại muông thú, không đánh bắt cá trong lòng hồ và thực hiện cam kết bảo vệ an toàn vệ sinh môi trường trong khu sinh thái… Nhờ vậy, khu vực trằm Trà Lộc trở thành một hệ sinh thái đa dạng tồn tại và mãi xanh tươi với thời gian. TÂN NGUYÊN