Tiếp tục hành trình trên chặng đường đổi mới
* PHAN NGỌC NGHĨA, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linhb (Quảng Trị)
 |
Bước ra từ cuộc chiến tranh hủy diệt tàn khốc của giặc Mỹ, xã Vĩnh Thủy phải trải qua những năm khôi phục, xây dựng lại quê hương với bao gian khổ, nhọc nhằn. Từ chỗ nghèo đói triền miên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thiếu thốn mọi bề, Vĩnh Thủy đã đi lên bằng nội lực, mở ra những hướng đi phù hợp với tư duy đổi mới, xác định rõ phương hướng, mục tiêu phải đạt theo nghị quyết mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ đề ra. Xác định là vùng bán sơn địa, Đảng bộ xã đã có những nghị quyết chuyên đề phù hợp với từng vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách năng động theo tầm nhìn chiến lược lâu dài và bền vững. Từ một địa phương nghèo khó do ảnh hưởng của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp trong thời gian dài, Vĩnh Thủy đã kịp thời thay đổi cách nghĩ, cách làm để loại bỏ dần phương thức sản xuất thuần nông, tạo bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp. Nhờ nắm bắt được tiềm năng thế mạnh của đất đai cũng như lợi thế của địa bàn nên Vĩnh Thủy đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế đa dạng trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thích ứng với cơ chế thị trường. Nhìn lại 30 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy rất phấn khởi, tự hào với những thành tựu đạt được trên tất cả mọi lĩnh vực. Vĩnh Thủy hôm nay là một vùng quê với bức tranh kinh tế đa sắc màu: Vùng lúa, vùng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc gia cầm và những mô hình sản xuất- kinh doanh, dịch vụ mới. Hình ảnh nông thôn Vĩnh Thủy đã đổi thay vượt bậc so với trước đây. Trong lĩnh vực kinh tế, xã Vĩnh Thủy chú trọng việc đầu tư thâm canh tăng năng suất cây lúa, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, tập trung khai thác phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vùng gò đồi, chủ yếu trồng cao su tiểu điền, cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Sau thành công của công tác dồn điền đổi thửa, nông dân có điều kiện phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Mô hình lúa-cá, chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, gia trại bán công nghiệp, kết hợp một số mô hình kinh doanh dịch vụ tổng hợp, tạo nên một bức tranh kinh tế khá toàn diện. Đối với lúa, xã chỉ đạo nông dân đưa những giống lúa có phẩm cấp cao vào gieo cấy đại trà; duy trì và phát triển 150 mô hình kinh tế hộ gia đình, trang trại tổng hợp. Nông dân kịp thời ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Xã cũng chỉ đạo phát triển mạnh cây trồng ngắn ngày và cây công nghiệp tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao như lạc, ngô, cao su, sắn, các loại cây ăn quả có giá trị trên thị trường…Vĩnh Thủy có diện tích lúa ổn định hàng năm trên 1.000 ha, cây màu lương thực gần 400 ha, cao su 1.133 ha; tổng đàn gia súc trên 13.600 con, gia cầm 70.000 con. Diện tích rừng hiện có của xã là 1.470 ha, tỷ lệ che phủ các loại rừng đạt 60%. Sản phẩm từ khai thác rừng trồng hàng năm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình.
 |
Xã Vĩnh Thủy long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Ảnh: PM |
Sản xuất tiểu thủ công nghiệp-thương mại dịch vụ phát triển từng bước vững chắc, đáp ứng nhu cầu hàng hóa và đời sống, sinh hoạt cho nhân dân. Toàn xã có trên 250 hộ kinh doanh dịch vụ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp thuộc các lĩnh vực: mộc, nề, rèn, buôn bán nhỏ, vận tải, chế biến, xay xát, dịch vụ…Có 6 doanh nghiệp ở lĩnh vực giao thông, xây dựng, thủy lợi. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp mới được phát triển ở địa phương như: tiện, gò hàn, hàng mộc cao cấp. Xã có 2 chợ nông thôn thu hút nhiều nguồn hàng, tiêu thụ nhiều sản phẩm, giao thương rộng rãi với các địa phương ngoài khu vực. Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đã góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt của nhân dân, giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, trực tiếp giải quyết an sinh xã hội tại cộng đồng dân cư. Kinh tế phi nông nghiệp đang dần chiếm ưu thế trong quá trình phát triển của địa phương. Đến nay, tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp của xã là 51,7% (năm 2010 là 75%), tiểu thủ công nghiệp-xây dựng 20,8% (năm 2010 là 7,5%), thương mại- dịch vụ 27,5% (năm 2010 là 17,5%). Nhờ chủ trương của xã khuyến khích, ưu tiên phát triển kinh tế, tạo cơ chế thông thoáng cho mọi gia đình đầu tư vốn để khai thác tiềm năng đất đai theo khả năng của mình nên đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập đầu người đạt bình quân trên 33 triệu đồng/ năm (tính đến năm 2015), hộ nghèo theo chuẩn đa chiều 8,7% (năm 2016). Người dân phát huy hết tiềm năng về nguồn lực của gia đình để chăm lo phát triển các mô hình kinh tế lâu dài. Cũng nhờ kinh tế ngày càng đổi mới nên cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, phục vụ lợi ích công cộng, phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài nguồn vốn của nhân dân đóng góp, xã tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, các dự án, chương trình phát triển vùng và các kênh hỗ trợ khác (trong tổng số 110 tỷ đồng về xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân dân đóng góp 26,6 tỷ đồng). Xã đã đầu tư 38 tỷ đồng xây dựng 35 km bê tông giao thông nông thôn (trong đó dân đóng góp 11,2 tỷ đồng); đầu tư 8 tỷ đồng để cải tạo, xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi công cộng đạt chuẩn trong thời kỳ mới; đầu từ 5 tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi, kênh mương nội đồng. Đời sống vật chất ngày một tăng trưởng là cơ sở quan trọng cho sự phát triển giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, đồng thời góp phần an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững ở địa phương. Vĩnh Thủy có 100% làng, trường học đạt đơn vị văn hóa, trong đó 3 làng đạt văn hóa xuất sắc cấp tỉnh, 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao khá đồng bộ. Sự nghiệp giáo dục phát triển tốt cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học, giữ vững phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi. Các trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I. Thông qua Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể, mở 80 dạy nghề cho người lao động, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho nhiều người. Công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự trị an thôn xóm đảm bảo tốt… Từ một địa phương anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Vĩnh Thủy đã vươn lên không ngừng, vượt qua những khó khăn, thử thách, tạo dựng nông thôn ngày càng phát triển theo hướng CNH, HĐH, trở thành xã Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Thủy phấn đấu đến năm 2020 đạt thu nhập bình quân đầu người 42 triệu đồng/năm, giữ vững và nâng cao kết quả xã đạt chuẩn nông thôn mới và chuẩn về giáo dục, y tế. Các lĩnh vực khác tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng hơn trước, đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra.