Trường Sơn tím - khát vọng và tri ân
(QT) - Chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau khi đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn về, nhà thơ- nhà báo Nguyễn Huấn đưa cho tôi xem bài “Trường Sơn tím” mà anh vừa sáng tác. Đọc bài thơ, tôi lặng người hồi tưởng và cảm phục sự quan sát tinh tế của anh. Không tinh tế sao được, từ trong lấp lóa chói chang của cái nắng mùa hạ dội xuống một vùng đất bạt ngàn gió, bạt ngàn bia mộ mà anh đã nhìn ra một màu tím huyền ảo, mơ hồ trong một không gian rộng và thời gian hẹp như vậy. Từ cái nhìn đời đôn hậu, bài thơ “Trường Sơn tím” của Nguyễn Huấn đã mang đậm chất văn. “Tím ơi nói gì với cỏ Tím ơi nói gì với mây Đồng đội cha tôi nằm đấy Nói gì đi chứ đất dày”... Viết về liệt sĩ, một đề tài không mới và không dễ, bởi cuộc chiến đã lùi xa và cuộc sống trước mắt đang mở ra những chân trời mới. Hơn nữa những chất liệu tinh túy đều được dùng để xây nên những tượng đài thơ vĩnh cửu.
 |
Các thế hệ hôm nay, mai sau mãi mãi tri ân. Ảnh: T.D |
Thế nhưng qua bó hương bốc lửa giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trong cái nắng mùa hạ, Nguyễn Huấn đã có cái nhìn sâu thẳm, đó là những hình ảnh chất chứa bao dự phóng giúp anh đẩy xa những liên tưởng, suy tưởng, những không gian xa rộng mà. ở đó, lòng tin và ý chí được thăng hoa. Và vì vậy, anh viết “Trường Sơn tím” như mở trang giấy của tâm linh trên mảnh đất này bằng cách lật ngược lại chính mình từ trong khoảng không gian và thời gian đã đi qua và đang hiện ra trước mặt. “Tiếc thương hóa thân vào lá Tháng năm kể mãi oai hùng Đầu nguồn sông ơi Bến Hải Lời ca vang vọng con đường”. Trong mông lung màu tím, Nguyễn Huấn đã cho ta nhìn thấy cảnh thực, người hư, người thật- cảnh hư, một ảo ảnh quyện kết được hóa thân từ màu tím của hoa dại Trường Sơn, một loài hoa mà người dân địa phương thường gọi là “Hoa trường sinh”, bởi khi mỗi một cánh hoa rụng xuống nó mang theo một mầm sống cho một cây hoa khác mọc lên từ cánh hoa. “ Trường Sơn sẽ còn tím mãi Thủy chung người đã ra đi Mỗi cánh hoa rừng rơi xuống Tái sinh ngăn ngắt câu thề”. Có thể nói, “Trường Sơn tím” là một bài thơ mạch lạc về tiết tấu, nhạc điệu, đặc biệt tác giả đã biết dùng các địa danh để tăng thêm những tầng nghĩa khác cho thơ. Trong không gian hai chiều quá khứ và hiện tại đan lồng vào nhau và cũng nhờ những chiều không gian hư ảo đó mà chân dung của một hồn thơ càng thêm sáng rõ. “Đường Gio An mờ bụi đỏ Cồn Tiên, Dốc Miếu thuở nào Âm vang từng hồi pháo dội Giờ còn vương chút nôn nao”. Giọng thơ hai chiều đã quyện chặt, trói chặt vào nhau như từ trong cảm hứng của tâm tưởng thơ làm nên một lực hút. Thơ anh như một lời tự sự, thủng thẳng, chân chất, thủy chung và đôn hậu của tâm hồn làm lay động lòng người. Quá khứ được đồng hiện trong hiện tại, nâng ước mơ và khát vọng bay cao, bay xa. Thơ Nguyễn Huấn bao giờ cũng được dựa vào một hình ảnh biểu trưng, qua đó anh triết luận về thời gian, về lý tưởng và lẽ sống. “Hôm nay ai về Cam Lộ Chang chang nắng gắt Gio Linh Thắt lòng cánh hoa mướt mát Tím ơi nghèn nghẹn tim mình”. Chỉ một khổ thơ, nhưng tràn ngập khoảng trời đủ sắc màu, đó chính là biểu trưng của mơ ước, hy vọng và tri ân. “Trường Sơn tím” là kết quả của sự chiêm nghiệm hòa quyện rất nghệ thuật giữa lý trí và tình cảm, biến những điều bình thường gần gũi của cuộc sống trở nên có linh hồn và tự nó mang một sự đồng cảm, sẻ chia. Chủ thể thẩm mỹ của “Trường Sơn tím” không gì ngoài sự tri ân, biết yêu quý và nâng niu quá khứ. Nội dung tư tưởng của bài thơ được thống nhất trong một ý nghĩa cực kỳ đơn giản nhưng rất đậm nét nghệ thuật mang tính vận động với niềm rung cảm sâu xa. Điểm này sẽ giúp độc giả nắm bắt được cá tính sáng tạo của Nguyễn Huấn trong “Trường Sơn tím”, đem đến cho họ một rung cảm thẩm mỹ nhiều lúc nằm ngoài cái đẹp hình thức. Phan Sáu