Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2”: Cơ sở quan trọng cho hoạt động quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn
(QT) - Hội thảo Kỹ thuật về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn được Ban quản lý (BQL) Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 15/11/2018 tại TP. Đông Hà đã diễn ra thành công. Hội thảo là cơ sở quan trọng cho các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn phục vụ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam giai đoạn 2”: Cơ sở quan trọng cho hoạt động quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn

(QT) - Hội thảo Kỹ thuật về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn được Ban quản lý (BQL) Hỗ trợ sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam giai đoạn 2 (FCPF-2) tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 15/11/2018 tại TP. Đông Hà đã diễn ra thành công. Hội thảo là cơ sở quan trọng cho các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn phục vụ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn

Quảng Trị hiện có khoảng 166.461,16 ha rừng sản xuất, trong đó rừng tự nhiên 32.425,04 ha, rừng trồng 61.048,60 ha, đất chưa có rừng 72.987,52 ha; có 1 mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn (210 ha) và 1 mô hình chuyển hóa rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn (70 ha). Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Giám đốc BQL Dự án FCPF-2 tỉnh Quảng Trị cho biết, trong những năm qua, việc phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng trồng kinh tế có chu kỳ ngắn để cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu giấy và các nhà máy chế biến dăm gỗ. Việc trồng rừng như vậy chưa đáp ứng nhu cầu gỗ lớn chế biến và xuất khẩu lâm sản, hiệu quả và lợi ích kinh tế cho người trồng rừng chưa cao. Vì vậy, cần phải phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp, hình thành chuỗi giá trị rừng trồng gỗ lớn theo hướng tiếp cận các nguyên tắc quản lý bền vững và nâng cao giá trị rừng trồng.

Hội thảo Kỹ thuật về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn phục vụ chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững được tổ chức lần này rất có ý nghĩa và thực sự cần thiết. Mục tiêu của hội thảo nhằm xác định các khu vực tiềm năng, khu vực ưu tiên trồng rừng gỗ lớn để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh Quảng Trị, phù hợp với các hoạt động của Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ và Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh; xác định các loài cây phù hợp cho trồng rừng gỗ lớn của Quảng Trị.

Tại hội thảo, các chuyên gia ngành lâm nghiệp, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ và hộ trồng vườn ươm ở huyện Cam Lộ trực tiếp giới thiệu, cung cấp nhiều thông tin quan trọng về thực trạng và định hướng quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh; đề xuất lựa chọn loài cây trồng rừng trên địa bàn tỉnh; kết quả nghiên cứu chuyển giao về giống và xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Trị; những khó khăn trong việc sản xuất cây giống chất lượng cao tại Quảng Trị. Những nội dung trình bày tại hội thảo đã mang đến cái nhìn khá toàn diện về mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, thực trạng của quy hoạch và diện tích trồng rừng gỗ lớn tại Quảng Trị; nêu rõ những thuận lợi và khó khăn trong phát triển rừng gỗ lớn của các chủ rừng và người dân; những khó khăn trong sản xuất cây giống chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu, đất đai, khả năng chống chịu với bệnh tật, sức chịu đựng trước sự tàn phá của thiên tai…

Ông Hồ Sỹ Huy, Trưởng Phòng sử dụng rừng- Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị thông tin thêm, từ năm 2011-2017 ngành lâm nghiệp Quảng Trị tập trung tuyên truyền, vận động các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC. Trung bình mỗi năm tổ chức từ 40-50 cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức cho các chủ rừng và hộ gia đình trồng rừng quy mô nhỏ hiểu rõ hơn về chính sách của nhà nước trong công tác nâng cao chất lượng rừng trồng kết hợp làm chứng chỉ rừng FSC để nâng cao giá trị gia tăng từ trồng rừng sản xuất. Quảng Trị được đánh giá là tỉnh đi đầu cả nước về công tác xây dựng chứng chỉ rừng. Hiện có 3 công ty lâm nghiệp và 564 hộ gia đình được cấp chứng chỉ rừng trồng, với tổng diện tích được cấp 22.343,57 ha, chiếm 11% trong cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng cung cấp gỗ, giúp các doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và tạo điều kiện cho người trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định được gỗ bán, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người trồng rừng. Thông qua hội thảo lần này sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển vùng sản xuất; sớm hình thành vùng kinh doanh rừng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho chế biến tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Phát triển gỗ lớn theo hướng bền vững góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ rừng trồng, từng bước đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống người trồng rừng…

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự còn có dịp trao đổi, thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm về quy hoạch vùng trồng rừng gỗ lớn và loài cây ưu tiên cho trồng rừng gỗ lớn; các chính sách hỗ trợ vốn, giống cây cho người trồng rừng; phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm lâm nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trồng rừng gỗ lớn theo hướng tiếp cận các nguyên tắc bền vững và nâng cao giá trị rừng trồng; thực hiện trồng rừng gỗ lớn gắn với ký cam kết với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản; chia sẻ về các kỹ thuật trồng, chăm sóc qua các giai đoạn; tính hiệu quả và lợi ích kinh tế cho người trồng rừng gỗ lớn; khuyến khích người dân đăng ký thực hiện các mô hình trồng rừng gỗ lớn…

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, các nội dung trình bày tại hội thảo cùng với việc trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất của các đại biểu là rất hay, hữu ích. Đây là cơ sở quan trọng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp cùng người dân xác định khu vực ưu tiên, khu vực tiềm năng và chọn các loài cây phù hợp trồng rừng gỗ lớn. Tuy nhiên, để triển khai được trong thực tiễn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì thế, đề nghị các cấp, ngành, địa phương và BQL Dự án FCPF-2 tỉnh Quảng Trị cần nghiên cứu rõ hơn để xác định vùng quy hoạch, cơ cấu giống cây trồng rừng gỗ lớn; mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn; tổ chức thêm nhiều hội thảo kỹ thuật về quy hoạch vùng và xác định loài cây trồng rừng gỗ lớn, trong đó bổ sung thêm thành phần tham gia là các đại diện các doanh nghiệp trồng rừng, doanh nghiệp chế biến và người trồng rừng; giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để có động lực tham gia và phát triển trồng rừng gỗ lớn…

Hoài Nhung