(QTO) - “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng”, đó là khẳng định, đánh giá của Bác Hồ về bản chất, nguồn gốc sức mạnh của Đảng, vai trò, mối liên hệ mật thiết giữa chi bộ với quần chúng. Đối với các địa phương miền núi, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), chi bộ đảng chính là “trụ cột” cho sự phát triển của mỗi bản làng. Khắc phục mọi khó khăn, thời gian gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các chi bộ vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ sở, xây dựng chi bộ thực sự là hạt nhân chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH ở vùng khó.
![]() |
Một buổi sinh hoạt của Chi bộ thôn A Xau, xã Lìa - Ảnh: L.N |
Khâu đột phá trong sinh hoạt chi bộ
Chi bộ A Vao, xã A Vao, huyện Đakrông là một trong số các chi bộ tiêu biểu, có nhiều đột phá trong nâng cao chất lượng sinh hoạt. A Vao là xã vùng biên giới có trên 98% dân số là người dân tộc Pa Kô. Chi bộ đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mọi mặt ở địa phương.
Bí thư Chi bộ A Vao Hồ Thị Dắt cho biết: “Hằng tháng, trên cơ sở bám sát các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chi bộ tổ chức sinh hoạt theo từng chủ đề, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên giám sát các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) chưa đạt, đồng thời phụ trách từng nhóm, hộ gia đình. Trong các buổi sinh hoạt chi bộ, các đảng viên có trách nhiệm báo cáo tình hình ở bộ phận dân cư mình phụ trách, nếu có những tồn tại, khó khăn gì đề xuất để chi bộ nắm bắt, giải quyết kịp thời”.
Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt, chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo toàn diện trên các mặt KT - XH, QP - AN, công tác xây dựng Đảng. Lãnh đạo thực hiện tốt quy chế biên giới, kết nghĩa bản - bản; giữ gìn an ninh biên giới. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được giao, các đảng viên quan tâm, tuyên truyền, vận động, bám sát giúp đỡ, hướng dẫn cách thức làm ăn; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân nên nhiều hộ dân đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.
Những tập quán lạc hậu dần được bãi bỏ, họ chung sức giữ gìn, phát huy những văn hóa đặc trưng của dân tộc, xây dựng đời sống mới. Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đảng viên, hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, người cao tuổi, thanh niên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm rõ rệt tỉ lệ hộ nghèo.
Là địa bàn ở tuyến biên giới, tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy, nên trong mỗi lần sinh hoạt, chi bộ thường xuyên đề cập nội dung thảo luận các giải pháp tăng cường tuyên truyền phòng, chống ma túy trong cộng đồng dân cư, nhất là tập trung tuyên truyền cho đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, giáo dục con em sống an toàn, lành mạnh.
Bí thư Chi bộ A Vao Hồ Thị Dắt cho biết: “Lĩnh hội nội dung sinh hoạt, các đảng viên trong chi bộ đã phát huy tốt vai trò của mình trong tiếp cận, gặp gỡ những gia đình có con em ăn chơi, lêu lỏng, sử dụng ma túy, nghi ngờ sử dụng ma túy để giáo dục, thuyết phục từ bỏ ma túy, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó, chi bộ góp phần quan trọng vào việc giảm số đối tượng có nguy cơ sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn. Cụ thể, năm 2019 toàn thôn có 17 đối tượng liên quan đến ma túy thì hiện chỉ còn 1 đối tượng. Trong năm 2022, thôn phấn đấu xóa đối tượng có nguy cơ sử dụng trái phép các ma túy tại địa phương”.
Cũng là một địa bàn vùng khó của huyện Đakrông, thời gian qua, Đảng ủy xã A Ngo luôn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các chi bộ, từ đó thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tại các thôn, bản.
Bí thư Đảng ủy xã A Ngo Ngô Hùng chia sẻ: “Đảng bộ A Ngo có 10 chi bộ/227 đảng viên, trong đó có 7 chi bộ thôn, bản. Ở một địa bàn vùng khó với 95% dân số là đồng bào Pa Kô, trong đó hộ nghèo chiếm 59,7%, Đảng ủy thường xuyên chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ bằng việc rà soát, chọn lựa những vấn đề sát với thực tiễn địa phương để đưa vào bàn bạc trong các buổi sinh hoạt thường kỳ. Nhờ đó, đã tạo không khí trao đổi sôi nổi, nêu cao tính phê bình và tự phê bình giữa các đảng viên trong các cuộc họp, phát huy trí tuệ tập thể để bàn bạc, xây dựng các nghị quyết lãnh đạo bảo đảm thống nhất, khả thi và dễ đi vào cuộc sống”.
Thôn Kỳ Neh là một trong những địa phương ở xã có nhiều đổi mới mang lại hiệu quả rõ rệt trong nâng cao chất lượng chi bộ. Năm 2019, thôn Kỳ Neh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 thôn Ăng Công và Kỳ Neh, toàn thôn có 116 hộ, 530 khẩu, chi bộ có 18 đảng viên.
“Để phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo tại thôn, chúng tôi chú trọng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Hằng tháng, trong các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, các đảng viên chủ động tham gia ý kiến, đưa ra những vấn đề vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, đồng thời đề xuất, góp ý để chi bộ thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển KT - XH, Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Neh Hồ Văn Bút thông tin.
Một trong những điểm nhấn sau khi thực hiện đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ đó là, để nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đầu năm 2022, Chi bộ Kỳ Neh đã có nghị quyết riêng về “Chăn nuôi gia súc không thả rông”. Sau khi nghị quyết được thực hiện, người dân trong thôn quản lý tốt hơn vật nuôi, tình trạng thả rông trâu, bò, dê giảm đáng kể, mùa màng của bà con được bảo vệ an toàn hơn, môi trường sống nhờ thế mà sạch đẹp, văn minh hơn.
Chi bộ thôn A Xau, xã Lìa, huyện Hướng Hóa tạo nhiều ấn tượng với chúng tôi bởi đa phần đảng viên nơi đây tuổi đời còn rất trẻ, có trình độ, năng động và có nhiều nỗ lực trong nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tại các buổi sinh hoạt chi bộ, trên cơ sở gợi ý chủ đề của cấp ủy, kinh nghiệm của các đảng viên lớn tuổi, các đảng viên trẻ trong chi bộ đã sôi nổi thảo luận, đề xuất giải pháp triển khai thực hiện tốt các chủ trương.
Gần đây nhất, chi bộ đã hiện thực hóa chủ trương “Thắp sáng đường quê” khi phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân giải tỏa đường làng, ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi để Dự án Plan tài trợ xây dựng thành công hệ thống đèn đường với 40 bóng đèn dài khoảng 1 km, tổng kinh phí 50 triệu đồng. Có điện chiếu sáng đường quê, cuộc sống của người dân trong thôn đổi mới rõ nét, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, sáng đẹp bản làng.
Đảng viên nêu gương
Nói về sự gương mẫu của người đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Học tập theo lời dạy của Bác, nhiều chi bộ vùng ĐBDTTS trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mỗi đảng viên thực sự là một tấm gương sáng cho người dân noi theo.
![]() |
Nhiều đảng viên ở Chi bộ A Vao gương mẫu trong phát triển kinh tế - Ảnh: L.N |
Là xã khó khăn nhưng nhiều năm qua, A Ngo luôn là địa phương làm tốt công tác phát huy sức dân trong xây dựng NTM, thực hiện các công trình phúc lợi trên địa bàn. Trong đó, chính các đảng viên tại địa phương là lực lượng tiên phong, gương mẫu, trở thành tấm gương sáng cho người dân học tập, làm theo. Để đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH tại địa phương cũng như thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, các chi bộ đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có nội dung liên quan đến công tác vận động Nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công sức để mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi...
Trong các buổi sinh hoạt, chi bộ thường xuyên quán triệt, khuyến khích đảng viên tiên phong trong các hoạt động, phong trào thi đua của địa phương. Thấm nhuần nghị quyết, đảng viên đã phát huy vai trò của mình, gương mẫu đi đầu, từ đó tạo động lực để lan tỏa phong trào đến mỗi bản, làng, thu hút đông đảo người dân tham gia. “Để hoàn thành đường nội thôn, chi bộ đã phân công đảng viên chia làm nhiều tổ tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, hiến công thực hiện.
Chỉ hơn 2 năm, thôn đã có trên 10 đảng viên gương mẫu hiến đất xây dựng đường. Thấy vậy, người dân trong thôn ai nấy đều vui vẻ, học tập làm theo. Công trình đường nội thôn nhờ đó mà sớm hoàn thành, giúp người dân đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn”, Bí thư Chi bộ thôn Kỳ Neh Hồ Văn Bút cho biết thêm.
Xã Lìa được thành lập từ tháng 3/2020 trên cơ sở sáp nhập 2 xã A Xing và A Túc. Đảng bộ Lìa có 10 chi bộ với 295 đảng viên. Là địa bàn vùng khó, chủ yếu đồng bào dân tộc Pa Kô sinh sống, nhiều năm qua, Đảng bộ Lìa đã chú trọng xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đảng viên, xem đây là giải pháp chủ yếu để mỗi đảng viên nhận thức được vai trò của mình, từ đó thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, cùng tập thể lãnh đạo địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp; cán bộ, đảng viên tại địa phương không chỉ nêu gương trong thực thi công vụ, đạo đức, lối sống, tác phong, ý thức kỷ luật mà còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành điển hình tiêu biểu cho người dân học tập, làm theo. Từ đó củng cố niềm tin của người dân với Đảng, tạo sự đồng lòng thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhằm tạo động lực để người dân vươn lên phát triển kinh tế, nhiều đảng viên ở xã Lìa, huyện Hướng Hóa đã đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình.
Điển hình, Bí thư Chi bộ A Xóc Lìa Hồ Văn Đào luôn trăn trở nghĩ cách tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế gia đình, trước để nâng cao chất lượng cuộc sống, sau là làm gương cho người dân tại địa phương. Ban đầu, ông Đào mở cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Sau một thời gian kinh doanh, ông Đào tích cóp, vay thêm vốn ngân hàng mở rộng quy mô. Hiện cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của ông đang giải quyết việc làm cho 10 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân của gia đình ông mỗi năm trên 100 triệu đồng.
“Ở một địa bàn vùng khó như xã Lìa, lâu nay người dân chỉ quen với nương rẫy, việc buôn bán, dịch vụ còn là lĩnh vực mới mẻ. Với quyết tâm của bản thân, tôi đã tìm tòi học hỏi để thực hiện. Đến nay mô hình phát triển khá ổn định, đem lại thu nhập khá cho gia đình. Với vai trò là một bí thư chi bộ, tôi đã chủ động tuyên truyền vận động đến đảng viên và người dân trên địa bàn bên cạnh duy trì nghề nông nghiệp truyền thống cần quan tâm phát triển thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ phù hợp để cải thiện thu nhập, vươn lên xóa đói giảm nghèo”, ông Đào cho hay.
Từ tấm gương của những đảng viên đi trước, nhiều đảng viên trẻ ở xã Lìa sáng tạo, xung kích vì cộng đồng. Tiêu biểu như anh Hồ Văn Ngởi ở thôn A Mo Rơ tự bỏ kinh phí xây dựng thư viện miễn phí, sân chơi như xích đu, cầu trượt… cho trẻ em và người dân trong xã. Trong đợt COVID-19 bùng phát, anh đã xây dựngbộ phim ngắn “Đại chiến Corona virus” để tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Gần 3 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ Thôn 4, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, chị Phạm Thị Cẩm Vân luôn gương mẫu, trách nhiệm, trăn trở tìm giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị của thôn vững mạnh, góp phần phát triển KT - XH, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của ĐBDTTS nơi đây. Chi bộ Thôn 4 có 14 đảng viên, trong đó có 8 đảng viên ĐBDTTS. Là người đứng đầu cấp ủy, chị Vân xác định rõ trách nhiệm của mình cùng với chi bộ ban hành nhiều nghị quyết phát triển KT - XH, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trong đó chọn 2 cây sắn và chuối làm cây trồng chủ lực.
Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Trong xây dựng Đảng, chị Vân đã lãnh đạo chi bộ triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo gương Bác bằng những hoạt động thiết thực, mang lại lợi ích cho dân. Nhờ vậy, đảng viên trong chi bộ luôn đoàn kết, gương mẫu, nói đi đôi với làm, là tấm gương để người dân noi theo. Liên tục nhiều năm qua, Chi bộ Thôn 4 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đời sống người dân trong thôn có sự chuyển biến tích cực, số hộ nghèo giảm, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ.
Lệ Như - Kăn Sương
Bài 2 : Xây dựng chi bộ tốt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số