Từng bước phát triển ngành chế biến gỗ rừng trồng
(QT) - Ngành chế biến gỗ rừng trồng ở Quảng Trị được hình thành và phát triển chưa lâu nhưng đã trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Triệu Phong. Chưa kể các đơn vị thực hiện chế biến sâu, chỉ tính riêng các doanh nghiệp cưa, xẻ, hấp sấy gỗ rồi bán nguyên liệu cho các công ty ở các tỉnh, thành phố lớn cũng đang ăn nên làm ra, ngày càng mở rộng quy mô, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, tạo nguồn thu khá cho ngân sách và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Hiện nay toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp và trên 50 xưởng đang hoạt động trong lĩnh vực cưa xẻ, chế biến gỗ rừng trồng. Từ năm 2010, một số doanh nghiệp đã đầu tư khâu chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu như: Công ty cổ phần MDF GERUCO Quảng Trị (đầu tư dây chuyền chế biến ván ghép thanh, đồ gỗ nội thất và dây chuyền 2 công suất 120.000 m 3 /năm), Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Đại Thành Quảng Trị, Công ty TNHH Hoàng Đức Linh, Công ty TNHH Phước Lâm... Hàng năm sản lượng chế biến khoảng 120.000 m 3 gỗ thành phẩm (tương đương khoảng 300.000 m 3 gỗ nguyên liệu), trong đó gỗ MDF 60.000 m 3 , gỗ cưa xẻ, ván ghép thanh 60.000 m 3 , đem lại doanh thu trên 500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động trực tiếp (chưa kể lực lượng trồng rừng và khai thác gỗ).
 |
Thành phẩm gỗ rừng trồng sau sơ chế tại DNTN Nguyên Phong |
Tuy nhiên, bước sang năm 2011 đến nay, một số doanh nghiệp sản xuất ván ghép thanh xuất khẩu trực tiếp gặp khó khăn về thị trường nên tình hình sản xuất có phần chững lại. Còn các doanh nghiệp trong lĩnh vực cưa, xẻ gỗ sơ chế nguyên liệu rồi bán cho các công ty xuất khẩu lâm sản ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Nam Định… vẫn hoạt động hiệu quả. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, Cụm Công nghiệp- làng nghề Ái Tử, huyện Triệu Phong đã thu hút 15 dự án vào đầu tư, trong đó có 9 dự án cưa xẻ gỗ nguyên liệu thô đã đi vào hoạt động ổn định, đưa cụm công nghiệp này trở thành tâm điểm trong lĩnh vực sơ chế gỗ rừng trồng của tỉnh. Ông Nguyễn Châu Long, Trưởng Ban quản lý Cụm Công nghiệp- làng nghề Ái Tử, cho biết: Cụm công nghiệp làng nghề Ái Tử xây dựng theo chủ trương phát triển nền CN-TTCN của huyện, nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất có điều kiện phát triển lớn mạnh hơn, giải quyết vấn đề về môi trường ở các cơ sở cưa xẻ gỗ hoạt động trong khu vực dân cư... Qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, các cơ sở cưa xẻ gỗ tại đây đã phát huy được lợi thế, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm nhiều dây chuyền mới, thu hút hơn 600 lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập cho người lao động và nộp ngân sách cho nhà nước tăng cao... Chỉ tính riêng trong năm 2011, các doanh nghiệp cưa xẻ gỗ ở đây đã sản xuất và tiêu thụ trên 46.000 m3 gỗ thành phẩm, đạt giá trị hơn 120 tỷ đồng, 9 doanh nghiệp chế biến gỗ nộp hơn 5 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, nâng tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước của ngành chế biến gỗ toàn tỉnh vượt con số 25 tỷ đồng. Hoạt động trong nghề cưa xẻ gỗ hơn 10 năm nay, anh Lê Văn Hưởng, Giám đốc DNTN Nguyên Phong ở Cụm Công nghiệp-làng nghề Ái Tử cho biết: "Việc sản xuất cưa xẻ gỗ không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật song người lao động phải cần cù, chịu khó. Chủ doanh nghiệp thì phải biết đầu tư đúng hướng mới đạt được hiệu quả cao. Trong điều kiện khó khăn về thị trường hiện nay, với quy mô sản xuất như các cơ sở của tỉnh thì đầu tư sản xuất thành sản phẩm xuất khẩu trực tiếp là rất khó, các doanh nghiệp chỉ sơ chế gỗ bán cho các doanh nghiệp lớn ở miền Nam và miền Bắc lại có hiệu quả hơn. Vấn đề quan trọng là phải có vốn đầu tư. Sản phẩm chủ yếu là gỗ chế biến thô có qua hấp sấy của các cây rừng bạch đàn, keo, tràm, thông... Đầu năm 2010, DNTN Nguyên Phong đầu tư vào Cụm Công nghiệp- làng nghề Ái Tử với tổng mức vốn là 15 tỷ đồng. Nhờ xác định được đúng hướng đầu tư nên DNTN Nguyên Phong có quy mô và sản lượng đứng hàng đầu trong cụm, thu hút lao động có lúc lên tới 130 người. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNTN Nguyên Phong đã tăng lên nhiều lần, đến năm 2011 doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt bình quân 3- 6 triệu đồng/ tháng/người. Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng nhiều hình thức khuyến khích lao động trong công nhân nên đã động viên được nhiều công nhân gắn bó với doanh nghiệp lâu dài"... Mặc dù còn dừng lại ở mức sơ chế, nhưng các cơ sở cưa xẻ gỗ rừng trồng đang hoạt động có hiệu quả trong khi một số đơn vị đầu tư chế biến sâu lại phải tạm thời dừng hoạt động do lúng túng tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm. Sở dĩ các cơ sở sơ chế gỗ hoạt động có hiệu quả bởi họ có cách đầu tư phù hợp với năng lực vốn, công nghệ, trình độ kỹ thuật và khả năng tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả khá cao không chỉ mang lại lợi ích cho lao động trực tiếp mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ cho lao động gián tiếp là người trồng rừng. Vì thế, trong thời gian tới định hướng phát triển của tỉnh là đẩy mạnh thu hút và kêu gọi đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Đầu tư, đổi mới cải tiến trang thiết bị máy móc cho công nghiệp chế biến gỗ, nhằm đưa ngành chế biến gỗ tiếp tục phát triển hơn nữa. Để đảm bảo cho ngành chế biến gỗ phát triển, tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển rừng, đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, trong đó chú trọng phát triển rừng nguyên liệu cho khâu chế biến như rừng tràm, keo, bạch đàn, thông... Tuy nhiên, trong thời gian tới tỉnh cũng cần có quy hoạch và định hướng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuận lợi trong vay vốn tín dụng, thuê mặt bằng để đầu tư và mở rộng sản xuất, hạn chế việc xuất bán gỗ chưa qua chế biến ra khỏi địa bàn tỉnh, từng bước đưa ngành chế biến gỗ của tỉnh phát triển. Bài, ảnh: VÕ THÁI HÒA