Chuyển đổi thị trường để thích ứng với đại dịch COVID-19
QTO - Trong suốt gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đang bị tác động rất lớn do buộc phải thu hẹp sản xuất, thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Chuyển đổi thị trường để thích ứng với đại dịch COVID-19

Trong suốt gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đang bị tác động rất lớn do buộc phải thu hẹp sản xuất, thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.

Để vượt qua thử thách này, doanh nghiệp phải chủ động cơ cấu lại mô hình sản xuất, chuyển đổi thị trường kinh doanh nhằm thích ứng với đại dịch toàn cầu. Đành rằng, vượt “sóng gió” thương trường luôn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp, vậy nhưng giữa đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị đã biết tìm ra hướng phát triển, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để doanh nghiệp khẳng định bản lĩnh chống chịu và khả năng thích nghi của mình.

Điều này được thể hiện bằng doanh thu năm 2020 đạt khoảng 1.000 tỉ đồng; riêng trong 6 tháng đầu năm 2021 sản xuất gần 137.420 m3 gỗ, đạt hơn 215% kế hoạch, doanh thu đạt trên 611 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương trên 32 tỉ đồng; dự kiến doanh thu năm 2021 sẽ đạt từ 1.200 - 1.300 tỉ đồng. Sự phát triển của công ty đã giúp thu nhập của cán bộ, nhân viên, người lao động không chỉ ổn định mà còn được nâng cao.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị Cao Thanh Nam, để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, công ty đã áp dụng và triển khai nhiều giải pháp hiệu quả. Trong bối cảnh dịch bệnh đang là rào cản lớn, đặt doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, công ty đã tiến hành rà soát, nghiên cứu lại công nghệ, phát hiện những bất cập trong quản lý, điều hành, từ đó triển khai phần mềm quản lý liên thông tất cả các bộ phận, từ lãnh đạo đến nhân viên, người lao động. Đặc biệt, phần mềm này đã kết nối với khách hàng nên mọi lúc, mọi nơi khách hàng đều có thể truy cập để biết được chất lượng sản phẩm, tình trạng đơn hàng mà không cần phải đến tận nơi kiểm tra. Nhờ vậy, khách hàng tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức và rất an toàn trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành. Nỗ lực này đã giúp cho việc kết nối thông tin với khách hàng của công ty luôn được duy trì nên gần như không bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0 chỉ là khởi động bước đầu cho những thành công ở Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị. Bởi thành quả mang tính đột phá chính là việc chuyển đổi thị trường kinh doanh để duy trì hoạt động sản xuất và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Trước đây, sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của công ty chiếm 60%, chủ yếu là thị trường các nước Châu Âu.

Khi COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ nên công ty đã chủ động chuyển hướng về thị trường trong nước. Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường để sản xuất các dòng sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách hàng trong nước. Nhờ đó, sản phẩm của công ty đã được thị trường trong nước đón nhận, liên tiếp nhiều đơn hàng được ký kết, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó; hiện tại, sản phẩm của công ty xuất bán ở thị trường trong nước chiếm đến 95,9%.

Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không phải mọi thứ đều thuận lợi nhưng trong khó khăn luôn ẩn chứa những cơ hội. Vậy nên điều quan trọng là phải biết lựa chọn, nắm bắt, biết thay đổi để thích nghi với mọi điều kiện, hoàn cảnh nhằm tạo đà phát triển. Từ kinh nghiệm thành công ở Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị cho thấy trong kinh doanh cần phải sâu sát thị trường, phải tìm hiểu xem thị trường cần gì để đáp ứng thật tốt. Không phải sản xuất cái mình có mà phải sản xuất cái thị trường đang cần trong mối tương quan biện chứng “cung - cầu”. Một khi chủ động được các hợp đồng tiêu thụ ở trong nước sẽ mang lại nhiều lợi thế nổi trội so với xuất khẩu ra nước ngoài.

Trên nguyên tắc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm và mẫu mã hàng hóa đã được ký kết giữa hai bên, nhiều dòng sản phẩm được sản xuất đảm bảo đúng hợp đồng sẽ tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp với các đối tác. Đó là chưa nói đến tiêu thụ ở thị trường trong nước sẽ giảm được chi phí vận chuyển, thời gian cung ứng hàng hóa trong điều kiện khó khăn do COVID-19. Ở một khía cạnh khác, khi doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa thì sẽ nộp thuế tại địa phương mà doanh nghiệp đứng chân, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Điều này đã được duy trì trong giai đoạn vừa qua bất chấp tác động của COVID-19 đã tạo ra tâm lý ưa chuộng hàng Việt nên đòi hỏi chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải ngày càng tốt hơn. Về tổng thể, đây là cơ hội để tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam ngay trên sân nhà, giúp các doanh nghiệp làm chủ được thị trường, giảm nguy cơ trở thành “vùng trũng” về tiêu thụ hàng hóa nội địa trong tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường, mà thành công của Công ty Cổ phần Gỗ MDF-VRG Quảng Trị là minh chứng điển hình.

Tân Nguyên