Công tác triển khai bầu cử ở Đakrông
(QT) - Xác định công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua huyện Đakrông (Quảng Trị) tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được chuyển biến tốt trong công tác bầu cử. Đến các bản làng không khí bầu cử ngày càng rộn ràng với băng cờ, khẩu hiệu, tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền lợi công dân; về danh ...

Công tác triển khai bầu cử ở Đakrông

(QT) - Xác định công tác triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua huyện Đakrông (Quảng Trị) tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo được chuyển biến tốt trong công tác bầu cử. Đến các bản làng không khí bầu cử ngày càng rộn ràng với băng cờ, khẩu hiệu, tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; về quyền lợi công dân; về danh sách các ứng cử viên… tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt, lựa chọn những người tiêu biểu để bầu vào Q uốc hội, HĐND các cấp.

Cờ, biểu ngữ cổ động cho công tác bầu cử ở trung tâm huyện

Đồng chí Hồ Xuân Phất, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Đakrông cho biết: Từ ngày 27/4/2016, huyện đã in ấn xong danh sách, tiểu sử ứng cử viên, niêm yết tại các điểm bầu cử của xã, thị trấn. Để cán bộ làm công tác bầu cử thuận lợi, huyện tổ chức tập huấn cho các thành viên Ủy ban bầu cử, 220 tổ bầu cử, tập huấn ở 2 cụm thuận tiện cho cán bộ trong việc đi lại. Tập trung hướng dẫn cán bộ xã các quy trình, tiến hành công việc, xác định các khu vực bầu cử, lập danh sách cử tri. Đến nay UBMTTQVN huyện đã lập kế hoạch để các đại biểu tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử ở các địa phương. Phòng Nội vụ in ấn tài liệu, phiếu bầu cử, ngoài ra còn in giúp cho các xã những tài liệu có liên quan, vì nhiều xã miền núi, vùng sâu chưa có cơ sở in. Mặt dù công tác hướng dẫn, tập huấn được làm kỹ nhưng quá trình triển khai ở một số địa phương vẫn còn lúng túng, chưa hiểu rõ các quy định, lẫn lộn một số nội dung, không nắm chắc nội dung yêu cầu các văn bản; khi họp hội nghị cử tri giới thiệu ứng cử viên bằng miệng mà không có biên bản, không lập danh sách gây ra một số khó khăn cho công tác triểu khai bầu cử… Kết quả hiệp thương lần thứ 3 ở Đakrông đã giới thiệu được 48 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, trong đó nữ 18 người, chiếm 37,5%; tuổi dưới 35 có 14 người, chiếm 29,2%; ngoài đảng 5 người, tỉ lệ 10,4%; dân tộc thiểu số 25 người, tỉ lệ 52,1%. Về chất lượng ứng cử viên, trình độ chuyên môn thạc sĩ 1, chiếm 0,2%; đại học 39, chiếm 81%; 7 người có trình độ trung cấp, tỉ lệ 14,5%; sơ cấp có 1 người, chiếm 1,8% (là cán bộ không chuyên trách cấp xã). Về lý luận chính trị, cao cấp 16 người, chiếm 33,3%; trung cấp 23, chiếm 48%; sơ cấp 4, chiếm 8,3%. Trong số 48 người được giới thiệu ra ứng cử, số người được bầu là 30 đại biểu. Mặc dù là huyện miền núi, chiếm đa số là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng huyện Đakrông đã có nhiều cố gắng trong việc lựa chọn, giới thiệu nữ ứng cử viên đại biểu HĐND huyện, vượt chỉ tiêu theo quy định. Về cấp xã, kết quả hiệp thương lần thứ ba đã lập danh sách 543 người ra ứng cử, số đại biểu được bầu là 328. Chất lượng ứng cử viên như sau: Trình độ học vấn trên đại học 1 người; đại học, cao đẳng 132, chiếm 24,3%; THPT 375 người, chiếm 69,1%. Về lý luận chính trị, cao cấp 6 người; trung cấp 176; sơ cấp 92 người. Cơ cấu nữ 164 người, chiếm 30,2%; ngoài đảng 153, chiếm 28,2%; trẻ 483 người, tỉ lệ 89%; dân tộc thiểu số 418, chiếm gần 70%. Để người dân nhận thức đầy đủ về công tác bầu cử, huyện tập trung công tác tuyên truyền. Thời gian đầu tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa bầu cử, vai trò, vị trí của Quốc hội, HĐND các cấp, do một thời gian huyện Đakrông được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện nên phải tuyên truyền kỹ hơn để người dân hiểu rõ vì sao lần này có HĐND huyện. Tuyên truyền về cơ cấu nhân sự, số đại biểu trong đảng, ngoài đảng để hiệp thương lựa chọn đúng thành phần. Trong thời gian tới chú trọng tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ công dân. Giới thiệu tiểu sử các ứng cử viên trên cơ sở đó để các cử tri có nhận thức và lựa chọn đại biểu xứng đáng, có đức, có tài để bầu vào các cơ quan quyền lực của nhà nước ở trung ương và địa phương. Đồng chí Trần Minh Thái, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đakrông cho rằng khó khăn trong công tác tuyên truyền ở Đakrông là sách, báo, các phương tiện nghe, nhìn không được nhiều như ở các địa phương vùng đồng bằng. Bên cạnh đó nhiều bản, làng nằm cách xa trung tâm xã nên huyện coi trọng công tác tuyên truyền miệng, xây dựng hệ thống báo cáo viên; lồng ghép tuyên truyền bầu cử trong các cuộc họp, sinh hoạt của thôn, xóm, đoàn thể. Khó khăn khác là kinh phí chưa được phân bổ, Phòng Văn hóa- Thông tin dự kiến toàn huyện xây dựng 5 cụm pa nô, áp phích cùng với các chi phí tuyên truyền khác hơn 60 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có, phải lấy kinh phí chi thường xuyên của Phòng Văn hóa-Thông tin cho hoạt động bầu cử… Với những nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương, UBMT và những ngành có liên quan, hy vọng công tác bầu cử ở huyện miền núi Đakrông đạt hiệu quả tích cực, thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra. Bài ảnh: PHƯỚC AN