Dựng xây tương lai từ quá khứ hào hùng
(QT) - Tuy được sống trong hòa bình nhưng các thanh niên hôm nay chưa bao giờ cho phép mình lãng quên quá khứ. Ngày nối ngày, họ đang lặng thầm tri ân lớp người đi trước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp sức dựng xây tương lai.

Dựng xây tương lai từ quá khứ hào hùng

(QT) - Tuy được sống trong hòa bình nhưng các thanh niên hôm nay chưa bao giờ cho phép mình lãng quên quá khứ. Ngày nối ngày, họ đang lặng thầm tri ân lớp người đi trước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, góp sức dựng xây tương lai.

Anh NGUYỄN HỮU DŨNG, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất Thép: MANG THƯƠNG HIỆU “ĐẤT THÉP” VƯƠN XA

Tôi sinh ra vào tháng 4/1972, thời điểm khốc liệt nhất của cuộc chiến giải phóng quê hương Quảng Trị. Lớn lên trong buổi đầu hoà bình, cũng như mọi người, những đứa trẻ như tôi thời bấy giờ nếm trải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đều hiểu, những vất vả mà mình đối diện ít hơn rất nhiều so với những gì cha ông mình phải trải qua trong chiến tranh.

Hiểu điều ấy nên tôi luôn nhắc nhủ bản thân vươn lên giữa khó khăn, thử thách. Sau khi bôn ba với nhiều công việc, tôi quyết định thành lập một xưởng cơ khí, để rồi sau này phát triển thành Công ty Cổ phần Đất Thép. Đối với tôi, cái tên “Đất Thép” như một lời vinh tôn, gợi nhắc đến những người dân Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung, rất kiên cường trong thời chiến lẫn thời bình. Vừa qua, tôi đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất cổng, hàng rào và các sản phẩm nội ngoại thấp bằng hợp kim nhôm đúc nguyên khối mang thương hiệu Đất Thép Vina. Đây được đánh giá là hướng đi tiên phong, đột phá, mang thương hiệu “Đất Thép” vươn xa.

Cùng với tập trung sản xuất, kinh doanh, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tổ chức, triển khai và tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở quê nhà. Đặc biệt, là đại biểu HĐND tỉnh, đại diện cho khối doanh nhân, bên cạnh lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, tôi sẽ không ngừng tìm tòi thông tin, sách báo chuyên ngành của các chuyên gia kinh tế và nghiên cứu những cách làm hay từ tỉnh bạn. Trên cơ sở đó, tôi sẽ góp ý vào các đề án của tỉnh nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đi lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chị HỒ THỊ THƯƠNG, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, huyện Đakrông: “GÙI” ÁNH SÁNG VĂN MINH VỀ BẢN

Tôi sinh ra trong hòa bình, chỉ biết đến chiến tranh qua lời kể của lớp người đi trước. Và tôi cũng biết rằng, sau chiến tranh, người Vân Kiều, Pa Kô ở quê hương mình lại vất vả bước vào cuộc chiến mới, chống giặc đói, giặc dốt. Để có ngày hôm nay, người dân quê tôi đã phải dồn hết tâm sức mới đạt được.

So với trước kia, quê hương Tà Long của chúng tôi đã thay da, đổi thịt. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong những nếp nhà, vị trí của một bộ phận phụ nữ vẫn gắn với chái bếp. Phụ nữ và trẻ em gái ở vùng cao nói chung còn gặp nhiều rào cản trên con đường bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ. Sớm nhận thức điều ấy nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nuôi quyết tâm trở thành một cán bộ Hội LHPN. Và điều ước của tôi đã trở thành hiện thực. Đến giờ, tôi đã dẫn dắt phong trào, đồng hành với hội viên Hội LHPN xã Tà Long được 9 năm. Ngày nối ngày, tôi cùng các cán bộ, hội viên trên địa bàn đẩy lùi các quan niệm, hủ tục lạc hậu; giúp nhau làm kinh tế; “đỡ đầu” hộ phụ nữ nghèo; thành lập các câu lạc bộ…

Tôi nghĩ, những người phụ nữ đang sống trong hoà bình không nên để mình bị trói buộc những quan niệm cũ, lỗi thời, lạc hậu mà phải từng ngày vươn lên. Ngày xưa, các mẹ, các chị người Vân Kiều, Pa Kô đã gùi súng, gùi tăng cho bộ đội tham gia kháng chiến. Hôm nay, chúng ta hãy “gùi” ánh sáng văn minh về với bản làng.

Anh HỒ NHƯ QUÂN, Bí thư Đoàn cơ sở Đồn Biên phòng Tam Thanh: HẠNH PHÚC LỚN NHẤT LÀ GÓP SỨC GIỮ YÊN MIỀN BIÊN GIỚI

Tính đến nay, tôi đã khoác áo lính được 13 năm. Công tác ở biên giới, nhiệm vụ của tôi là nắm tình hình địa bàn, tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới; tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Để làm tròn nhiệm vụ, tôi cũng như nhiều đồng đội khác phải nếm trải không ít khó khăn. Đối với chúng tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất là góp sức giữ yên miền biên giới của Tổ quốc.

Giống như một mệnh lệnh từ trái tim, những người lính Biên phòng chúng tôi luôn trăn trở tìm cách giúp bản làng vùng cao thay da, đổi thịt và cuộc sống người dân bước sang trang mới. Tri ân lớp người đi trước, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng mang màu áo xanh tình nguyện đã có nhiều hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, hướng đến các gia đình chính sách. Cùng với đó, chúng tôi tích cực triển khai nhiều hoạt động, phong trào Đoàn ý nghĩa, giàu sức lan tỏa như: “Nâng bước em đến trường”, “Tay kéo Biên phòng”, “Ánh sáng vùng biên”… Qua các hoạt động này, hình ảnh của người lính biên phòng thêm gần gũi, gắn bó với bản làng, người dân vùng cao.

Là một người sinh ra sau chiến tranh, tôi luôn tự nhủ mình đang sống tiếp, sống thay cho những người không tiếc máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Phần lớn trong số họ là những người khoác chiếc áo lính, luôn tiên phong, đi đầu, không ngại gian khổ. Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Tôi cũng rất mong những người sinh ra sau chiến tranh sẽ sống đẹp, sống có ích, cùng các lực lượng chức năng, trong đó có Bộ đội Biên phòng giữ yên quê hương, đất nước.

Chị NGUYỄN VY TRANG, Giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: TRUYỀN TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC QUA TỪNG BÀI GIẢNG

Mỗi người lựa chọn cho mình một mục tiêu sống trong cuộc đời. Với tôi, điều bản thân hướng đến không phải là thành công cuối con đường đời mà là những trải nghiệm quý giá. Sống, đối với tôi đó là cống hiến, là lao động và tận hưởng những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại. Từ khi còn là một cô học trò nhỏ, tôi đã thấy mình may mắn khi được nuôi dưỡng tâm hồn qua những câu hát ru của bà, của mẹ và qua những dòng văn, ý thơ thấm đượm tình yêu quê hương, đất nước. Chính điều đó bồi đắp cho tôi niềm tự hào dân tộc và trân quý hơn những giá trị văn hóa của quê nhà.

Tôi đến với bộ phim “Sống trong lòng đất” do Đài truyền hình Việt Nam sản xuất như một cơ duyên và được trải nghiệm ngay trên chính mảnh đất quê nhà. Đó là điều vô cùng ý nghĩa đối với cô gái sinh ra và lớn lên giữa thời bình. Tôi đã có những trải nghiệm quý giá mà có lẽ cả cuộc đời không thể nào quên như: Thức trắng đêm cùng đồng đội đào một tiểu đạo trong hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt; ăn ở, sinh hoạt và sống như những người dân Vĩnh Linh năm xưa dưới lòng địa đạo ẩm thấp, chật hẹp, tối tăm, hiểm nguy rình rập; được gặp các nhân chứng lịch sử và nghe họ kể về những khó khăn, vất vả, đau thương… Quá khứ hào hùng không chỉ của Vĩnh Linh, Quảng Trị mà của cả dân tộc Việt Nam hiện lên trong tôi. Chưa bao giờ tim tôi thắt lại vì những tình cảm thiêng liêng mà xúc động đến thế.

Cũng từ đó, tôi lại có thêm một hành trang vô giá trong cuộc sống thực tại của mình. Tôi truyền tất cả những điều tai nghe, mắt thấy, trái tim cảm nhận qua từng bài học mà tôi giảng cho các em - những thế hệ học sinh của thời bình. Điều tôi mong muốn là không chỉ mang đến cho các em tri thức mà còn là tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và thắp lên trong tâm hồn trẻ thơ niềm tin, khát vọng.

Anh NGUYỄN NHƯ KHOA, Trưởng thôn Hưng Nhơn, xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng: BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG CÔNG VIỆC NHỎ BÉ, GIẢN DỊ

Sau nhiều năm gắn bó với công tác Đoàn, năm 2015, tôi được người dân thôn Hưng Nhơn bầu làm trưởng thôn. Vốn gắn bó với các bạn trẻ, nay được tín nhiệm giữ một vị trí quan trọng trong thôn, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với những người lớn tuổi nên buổi đầu, tôi khá lo lắng. Tôi xác định rõ, muốn hoàn thành tốt công việc, giúp thôn xóm đổi mới, phát triển, trước tiên, phải giữ vững cuộc sống bình yên cho người dân.

Càng gắn bó với công việc được ví là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tôi càng thấy mình cũng như những người trẻ khác thực sự may mắn vì được sống trong bầu không khí hoà bình, không bom rơi, đạn lạc. Thế nên, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao giữ vững sự yên bình ấy cho mình và các thế hệ tiếp nối, mà trước tiên là giữ bình yên cho chính ngôi nhà, thôn xóm của mình. Nếu không làm được công việc to lớn, vĩ đại thì bắt đầu bằng những điều nhỏ bé, giản dị như: xây dựng gia đình văn hóa; tham gia bảo vệ an ninh, trật tự địa phương; có những sáng kiến chỉnh trang nông thôn; chung sức xây dựng nông thôn mới; tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế…

Mỗi khi đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và những ngày trọng đại khác của quê hương, đất nước, tôi lại tổ chức cho bà con trong thôn, đặc biệt là các bạn trẻ nhiều hoạt động kỷ niệm ý nghĩa. Tôi tin rằng, từ đây tình yêu quê hương, đất nước của những người dân quê sẽ được đắp bồi, qua đó biến thành những hành động có thể là nhỏ bé thôi nhưng lại đầy ý nghĩa.

Tây Long (thực hiện)