Nuôi lợn thời tăng giá
(QT) - Thời gian gần đây, sau các đợt dịch bệnh, giá lợn hơi trong tỉnh Quảng Trị liên tục được đẩy lên mức cao “kỷ lục” từ trước đến nay, từ 54-55 ngàn đồng/kg. Nhờ vậy, người chăn nuôi có thể lãi trên 1 triệu đồng/ con lợn. Phấn khởi vì lợn thịt bán được giá song người chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo trong việc tái đàn. Những năm qua, chăn nuôi lợn đã góp một phần đáng kể vào tổng mức thu nhập trên địa bàn xã Triệu Đông (Triệu Phong). Đặc biệt, gặp thời điểm lợn hơi tăng giá như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương này đã lãi ròng hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết: “Hai tháng trở lại đây giá lợn hơi tăng cao đã đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn, nhất là các hộ chăn nuôi với quy mô từ 50 con trở lên”. Duy trì quy mô chăn nuôi thường xuyên 7 lợn nái và 120 lợn thịt, mỗi năm trừ chi phí, trang trại chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Bích Ngọc, thôn Bích La Đông lãi từ 70-80 triệu đồng. Năm nay, gặp thời điểm lợn tăng giá, xuất 2 lứa vào đầu tháng 4 và cuối tháng 5 với giá lợn hơi 54 ngàn đồng/kg, chị Ngọc lãi trên 60 triệu đồng.
 |
Phát triển lợn đàn- Ảnh: PV |
“Với mức giá như hiện nay, dù thức ăn chăn nuôi có tăng giá, người chăn nuôi vẫn có lãi lớn, tôi đang tiếp tục đầu tư vốn để tái đàn, quyết tâm không để trống ô chuồng nào. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ nuôi thêm từ 2-3 lứa”, chị Ngọc cho biết thêm. Theo tính toán của chị Ngọc, để nuôi một con lợn đến khi xuất chuồng, người chăn nuôi cần đầu tư khoảng 700 ngàn đồng tiền mua lợn giống; nuôi đến 50-60 kg chi phí khoảng 1 triệu đồng tiền thức ăn; tiêm phòng dịch bệnh khoảng 100 ngàn đồng. Với giá thịt lợn hơi hiện nay là 54 ngàn đồng/kg, sau hơn 2 tháng, trừ chi phí, mỗi con lợn xuất chuồng mang về cho chủ từ 1,3-1,5 triệu đồng. Góp chuyện với chúng tôi, ông Lê Mậu Mười, thôn Bích La Đông cho biết: “Sau hơn 2 tháng nuôi, đàn lợn 50 con vừa bán xong cho gia đình tôi lãi ròng gần 80 triệu đồng. Không riêng gì gia đình tôi, tất cả những hộ chăn nuôi lợn quy mô trong toàn xã đều thu lãi lớn trong dịp lợn tăng giá này, mọi người rất phấn khởi”. Báo cáo của UBND xã cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2011, đàn lợn trên địa bàn xã Triệu Đông được duy trì với số lượng 3.384 con, trong đó lợn nái sinh sản là 1.200 con và hàng trăm lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương. Chung niềm vui lợn được giá, những ngày này người chăn nuôi ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cũng rất phấn khởi. Là địa bàn có nghề chăn nuôi lợn phát triển mạnh nên thời điểm lợn tăng giá, hầu như hộ chăn nuôi nào cũng lãi từ vài chục đến vài trăm triệu đồng từ đàn lợn. Anh Ngô Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Lệ cho biết: “Hiện tại trên địa bàn xã có trên 700 hộ chăn nuôi lợn, trong thời điểm thịt lợn tăng giá hiện nay có khoảng 4.000 con lợn thịt xuất chuồng, sau khi trừ chi phí, các hộ chăn nuôi lãi ròng từ 1,5-2 tỷ đồng”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đẩy giá thịt lợn hơi tăng cao trong thời gian gần đây được xác định là do người chăn nuôi chưa tái đàn kịp sau các đợt dịch bệnh cuối năm 2010, đầu năm 2011 dẫn đến nguồn cung ứng thịt lợn trên thị trường khan hiếm. Do vậy, những hộ chăn nuôi nào thực hiện tốt khâu vệ sinh phòng bệnh, giữ vững số lượng đàn lợn sau dịch sẽ kiếm lãi khá lớn. Song song với niềm vui lợn hơi tăng giá, việc tái đàn đang đặt ra nhiều vấn đề. Đa số những hộ chăn nuôi mà chúng tôi gặp đều tỏ thái độ e dè trong việc tái đàn. Thứ nhất, các hộ chăn nuôi sợ quy luật rớt giá nếu đồng loạt tái đàn, trong khi đầu vào lợn giống hiện tại khá cao, 95-110 ngàn đồng/kg. Thứ hai, với nhiều hộ nông dân, việc chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tiếp theo là vốn, trừ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn muốn tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi đều cần đến nguồn vốn khá lớn, trong khi lãi suất vay hiện nay tại các ngân hàng khá cao, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Trước đây, ông Lê Cảnh Tưởng ở thôn Bích La Đông thường xuyên duy trì 5 lợn nái và 30-50 lợn thịt/ lứa trong chuồng. Từ sau đợt dịch tai xanh cuối năm 2010, toàn bộ đàn lợn gia đình ông Tưởng bị tiêu hủy. Được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông huyện Triệu Phong và chính quyền địa phương, ông Tưởng thả lại 5 lợn nái còn 3 ô chuồng lợn thịt bỏ không gần 6 tháng nay. “ Thấy thịt lợn hơi tăng giá, gia đình tôi cũng muốn vay vốn để tái đàn nhưng do lãi suất ngân hàng quá cao, sợ rủi ro về dịch bệnh. Hiện tại tôi đang đợi đàn lợn nái sinh con giống sẽ tái đàn để giảm chi phí”, ông Tương cho biết. Một nguyên nhân khác khiến nhiều hộ nuôi chưa thể tái đàn là do thiếu giống. “Để duy trì số lượng đàn thường xuyên, bên cạnh phát triển đàn lợn thịt, việc chăn nuôi lợn sinh sản được địa phương đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, nhiều tháng nay các thương lái tăng cường tập kết thu mua lợn con để xuất sang Trung Quốc với giá cao. Do vậy, sau khi xuất lợn thịt, người chăn nuôi ở Triệu Đông đang đứng trước nguy cơ thiếu con giống để tái đàn. Chính quyền địa phương đã thực hiện chỉ đạo người dân duy trì lợn sinh sản để tái đàn trong thời gian sớm nhất”, ông Võ Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Đông cho biết thêm. Để tạo điều kiện cho người chăn nuôi được tái đàn thuận lợi, phía Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có những biện pháp cụ thể. Ông Trần Đức Nhu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Phía Sở đang chỉ đạo Trung tâm giống của tỉnh tăng cường sản xuất và thu mua giống đảm bảo chất lượng từ các địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Trung tâm sản xuất giống, trang trại giống trong tỉnh cần ưu tiên bán giống cho nông dân. Phối hợp với Ngân hàng No-PTNT tạo điều kiện để người chăn nuôi được vay vốn phục vụ tái đàn sau dịch bệnh. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các vùng giống nhân dân tại các địa phương, trang trại sản xuất giống trong tỉnh để đảm bảo nguồn giống tốt, chất lượng cao cung cấp cho người chăn nuôi”. Lợn tăng giá là tín hiệu vui, là động lực thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển mạnh. Sự vào cuộc kịp thời của các ban, ngành liên quan với cơ chế, chính sách phù hợp sẽ giúp người dân yên tâm tái đàn, tạo tâm lý ổn định cho người chăn nuôi sau các đợt dịch bệnh. Thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với phòng trừ dịch bệnh, chú ý đến chất lượng và nguồn gốc của đàn giống chính là nền tảng cơ bản cho việc phát triển chăn nuôi bền vững. LỆ NHƯ