(QT) - Để có cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi người có công, trong những năm 1994, 2005, 2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 lần ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Qua những lần ban hành pháp lệnh và sửa đổi, bổ sung cho thấy nhà nước đã mở rộng đối tượng được hưởng chính sách người có công, chế độ trợ cấp ưu đãi xã hội đã có sự đổi mới căn bản, quyền lợi của người có công với cách mạng được quan tâm ngày càng đầy đủ, toàn diện hơn. Người có công không chỉ được hưởng các chế độ phụ cấp tiền lương, nhà ở, chăm sóc sức khỏe mà còn nhiều quyền lợi khác. Con cái, thân nhân của họ cũng được ưu đãi về đào tạo nghề, giải quyết việc làm…
![]() |
UBMTTQVN thành phố Đông Hà hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách ở phường Đông Lương, Đông Hà |
Xác định thực hiện chính sách ưu đãi người có công là một trong những nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua UBND tỉnh Quảng Trị ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Pháp lệnh số 04/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng). Chỉ đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách mới đến với nhân dân, nhất là người có công với cách mạng trong toàn tỉnh biết, từ đó tiến hành kê khai, lập hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách theo quy định.
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện các pháp lệnh ưu đãi để hướng dẫn, xác nhận, xét duyệt hồ sơ, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng. UBND cấp xã và các ngành ở địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc công khai lập hồ sơ, xác nhận hưởng các chính sách ưu đãi. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm hay những biểu hiện gây phiền hà trong quá trình lập xét duyệt chế độ chính sách cho người có công.
Theo báo cáo của Sở LĐ- TB&XH trong 10 năm qua toàn tỉnh đã xác nhận 14.546 đối tượng, trong đó 155 liệt sĩ, 289 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 161 bệnh binh, 609 người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, 7 Anh hùng lực lượng vũ trang, 2.531 người có công giúp đỡ cách mạng, 3.174 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 1.598 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị tù đày, phong tặng và truy tặng 1.485 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Riêng từ năm 2012 đến nay thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi số 04/2012, toàn tỉnh xác lập mới 8.397 hồ sơ người có công với cách mạng. Trong đó xác nhận 280 hồ sơ người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945. Xác nhận 150 hồ sơ người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Trong giai đoạn 2012-2016 cũng đã tổ chức xác lập 83 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ; 12 trường hợp người được hưởng chính sách như thương binh. Xác nhận 3 trường hợp Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến.
Bên cạnh đó thực hiện các văn bản quy định của nhà nước về chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị chất độc da cam, toàn tỉnh xác lập được 5.064 hồ sơ hưởng trợ cấp, đã giải quyết 1.904 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, trong đó 1.764 đối tượng trực tiếp và 140 đối tượng gián tiếp. Thực hiện Nghị định 31/2013 của Chính phủ; chính quyền và ngành LĐ-TB&XH đã tổ chức triển khai tập huấn, hướng dẫn cũng như ban hành nhiều văn bản tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thụ lý hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.
Qua đó giải quyết 1.570 hồ sơ người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Đối với người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng, trong thời gian qua đã giải quyết được 1.642 hồ sơ , nâng tổng số đối tượng đã được giải quyết trợ cấp 1 lần lên 59.669 người, giải quyết 623 hồ sơ người có công giúp đỡ cách mạng và giải quyết 735 hồ sơ trợ cấp 1 lần đối với thân nhân người hoạt động kháng chiến từ trần trước ngày 1/1/1995.
Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi số 04/2012 theo quy định mới đã thực hiện trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trợ cấp người phục vụ và chuyển đổi chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách của nhà nước, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trong đó đặc biệt quan tâm tới việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng có công.
Từ năm 2007 đến năm 2016 đã vận động được hơn 32,9 tỉ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa và hỗ trợ hơn 2.000 trường hợp khó khăn về nhà ở, trong đó hỗ trợ xây mới 1.077 ngôi nhà; sửa chữa 1.107 nhà. Trong 10 năm tỉnh cũng đã vận động được 1.051 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với tổng trị giá 1,471 tỉ đồng tặng cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 2840/2013 phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề án toàn tỉnh có 1.230 người có công cần hỗ trợ xây dựng mới nhà ở; 3.245 người có công cần hỗ trợ sửa chữa; tổng số tiền từ ngân sách Trung ương là hơn 114 tỉ đồng.
Trong 10 năm qua, riêng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã lên tới 3.285 tỉ đồng. Các ngành, đơn vị, địa phương cũng luôn quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho người có công, thực hiện chế độ điều dưỡng thường xuyên luân phiên cho hơn 7.600 lượt/năm. Chuyển đổi đối tượng điều dưỡng 5 năm một lần thành 2 năm một lần theo Thông tư liên tịch của liên Bộ LĐ-TB&XH- Bộ Tài chính. Hàng năm đều tổ chức điều dưỡng tập trung, điều dưỡng tại gia đình cho 420 đối tượng mỗi năm 1 lần và trên 13.000 đối tượng 2 năm một lần với tổng số tiền hơn 15,7 tỉ đồng/năm. Ngoài ra còn thực hiện các chính sách ưu đãi khác như BHYT, ưu đãi trong GD&ĐT, trợ cấp đối với thân nhân người có công từ trần, thực hiện các chính sách chăm sóc người có công…
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục buổi đối thoại với người có công ở các cụm xã, phường, thị trấn, qua đó nắm bắt và giải quyết những khó khăn về hồ sơ thủ tục người có công; giải quyết những thắc mắc của đối tượng chính sách. Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Chương trình hành động số 53/2012, thực hiện Nghị quyết 15/2012 của Hội nghị lần thứ 5, BCH Trung ương Đảng khóa XI “ Về một số vấn đề chính sách xã hội”, trong đó xác định việc từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và đảm bảo an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để thực hiện được các mục tiêu trên cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tập trung giải quyết các trường hợp hồ sơ còn tồn đọng; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, địa phương, chủ động nghiên cứu đề xuất với Chính phủ hoàn thiện các văn bản pháp luật ưu đãi người có công. Tập trung thực hiện các chính sách với người có công đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng và công khai, minh bạch…
Phước An