Khởi nguyên tết
(QT) - Tôi tin tuổi thơ mỗi người đều có cách đánh dấu rất riêng về khởi nguyên của tết. Khi ta càng lớn, càng thấy tết không còn thú vị như xưa, nhưng thực ra tết vẫn như thế, chỉ có chúng ta không còn thơ dại để chào đón tết theo cách lộng lẫy đã từng.

Khởi nguyên tết

(QT) - Tôi tin tuổi thơ mỗi người đều có cách đánh dấu rất riêng về khởi nguyên của tết. Khi ta càng lớn, càng thấy tết không còn thú vị như xưa, nhưng thực ra tết vẫn như thế, chỉ có chúng ta không còn thơ dại để chào đón tết theo cách lộng lẫy đã từng.

Hoa đào đón tết. Ảnh: Tú Linh

Những ngày tháng cũ, ý niệm tết bắt đầu trong lòng chúng tôi là vào khoảng đầu tháng mười âm lịch, khi nhà nhà trong xóm đem những củ hoa lay ơn và thược dược ra ươm trong vườn vì giống hoa này khoảng 70 đến 75 ngày là ra hoa. Các chị các mẹ chờ những ngày nắng, lượt bột củ mình tinh đem phơi trắng giòn tinh tươm để chuẩn bị cho những mẻ bánh thuẫn thơm nức vào ngày tết. Túi măng khô vàng đậm khói bếp được hong lại trước khi bọc cẩn thận chờ tết đến. Mộc nhĩ gom dần dần trong vườn xâu từng vòng gác trên bếp củi, khô quắt. Mấy con gà được om lại trong chuồng kê cao khỏi mặt đất, chăm chút cẩn thận với đầy đủ rau cỏ, nước non… để đợi đến tết làm lễ cúng tổ tiên.

Qua mồng mười tháng Chạp, lúc ngoài chợ mấy hàng quán may đã hoàn thành việc may hàng tết cho khách, cúng tạ ơn tổ nghề may, mấy bác thợ rèn lom khom đầu xóm cúng tổ nghề rèn, cảm ơn một năm đủ đầy đã qua và mong năm tới cũng trôi tròn. Mùi khói nhang trầm ấm, nghi ngút được ngọn gió bấc của chiều cuối đông se lạnh tỏa đi, luồn vào tận các ngõ nhỏ trong xóm khiến lòng con trẻ chúng tôi thêm chộn rộn, giục giã với tết.

Từ đó, chợ bắt đầu đông hơn. Chợ tết không chỉ đơn thuần là nơi mua, bán, mà còn là chốn đẫm mùa xuân vào lòng. Chợ tết, kẻ bán người mua tràn ra ở tất cả các ngã đường đến chợ. Hàng hóa đủ thứ, từ ống giang chẻ lạt đến hoa trái và mớ cát trắng tinh. Trên chếc mẹt, mấy con bột bắt hình nải chuối, con chim, con cá làm sáng rực những cặp mắt trẻ con. Hàng bán pháo đông đúc với các chú, các anh. Ai cũng chăm chú, cẩn thận lựa chọn cho mình một tràng pháo thật ưng ý đón giao thừa. Các mẹ, các chị râm ran chọn quần áo mới cho con trẻ và người già. Hàng đánh bóng lư đồng sáng loáng một góc chợ. Đây đó những cành mai bắt đầu xuất hiện, nụ mai đã tròn đầy… Tết đang về!

Riêng với chúng tôi, tết thực sự về đến ngõ khi nội nhận thư con trai từ Hà Nội gửi về chúc tết gia đình. Bao giờ trong thư cũng có câu đối như một lời chúc, gửi gắm nhiều yêu thương: Con cầu chúc má, anh chị và các cháu vui tết, có đủ “Thịt lợn, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tết này con lại ở xa gia đình, không được hưởng không khí đầm ấm ngày xuân của ruột thịt, của quê nhà. Có các anh, các chú trong cơ quan vào công tác miền Trung, con gửi vội chút quà cho nhà mình…”. Kèm theo thư luôn là một cành đào bao buộc cẩn thận, một túi hàng gồm trà Bắc Thái, mứt bí màu trong veo, tràng pháo Ninh Bình đỏ tươi, giòn tan đầy phấn khích và các loại rau củ mà tại thời điểm những năm đầu của thập niên tám mươi thế kỉ trước rất xa xỉ, như bắp cải, su hào, khoai tây, cà rốt. Ngoài những thức quà chung cho cả nhà, quà tết cho nội khi thì khăn len, lúc đôi tất, hoặc mấy hộp dầu cao sao vàng, mắt nội ánh lên niềm vui ấm áp, nhưng tôi biết, nội vẫn hoài trông ngóng đứa con xa.

Rồi những rẽ gừng non được bới ngoài vườn mang vào làm mứt cay nồng, những mẻ bánh thuẫn vừa đổ xong thơm lừng mùi trứng, tiếng lửa reo nơi bếp nấu bánh chưng trước sân nhà, góc bếp yêu thương thơm mùi món tết tự tay mẹ nấu, tất cả làm nên tết, làm giàu có kí ức của chúng tôi một thuở.

Cuộc sống có thêm nhiều thứ mới mẻ đầy cuốn hút, nhưng mỗi mùa tết về là dịp để kí ức trở về với những khởi nguyên của tết, rồi lại bùi ngùi chứng kiến trong nhịp sống xô bồ có những góc nhỏ êm đềm đã lặng lẽ ra đi.

Tuệ Linh