Nhìn lại 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Quảng Trị
(QT) - Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 13/7/2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ra Chỉ thị 32 về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” trên cơ sở lồng ghép hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động và cuộc vận động xây dựng “Làng văn hóa-Gia đình ...

Nhìn lại 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Quảng Trị

(QT) - Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 13/7/2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị ra Chỉ thị 32 về thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” trên cơ sở lồng ghép hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động và cuộc vận động xây dựng “Làng văn hóa-Gia đình văn hóa” do Bộ VH-TT (nay là Bộ VH,TT&DL) phát động. Sau 15 năm tổ chức thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực. Việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, làng văn hóa, gia đình văn hóa được các địa phương hưởng ứng, tạo phong trào rộng khắp ở nông thôn cũng như thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, vùng biển, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Kết quả đạt được tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn. Danh hiệu làng văn hóa, gia đình văn hóa là niềm tự hào của không ít người dân. Quá trình vận động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa làm cho mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương trở nên khăng khít, cùng chung tay xây dựng đời sống văn hóa.

Đồng chí Hồ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao bằng công nhận Làng văn hóa cấp tỉnh cho thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, huyện Gio Linh

Kết quả sau 15 năm thực hiện toàn tỉnh có 142.160 gia đình được công nhận gia đình văn hóa các cấp, đạt tỉ lệ 89%. 995 làng, bản, khu phố được công nhận làng, bản, khu phố văn hóa, đạt tỉ lệ 92,9%. 909 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người dân về vai trò, vị trí văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của làng, bản, địa phương được giữ gìn, phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không chỉ tạo nên những đổi thay về văn hóa mà còn về kinh tế- xã hội. Qua việc xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế gia đình, tập thể, nhiều người mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập để xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa từng bước được tu sửa, xây dựng mới; cảnh quan ở các làng quê do được chăm chút, xây dựng trở nên xanh, sạch, đẹp hơn; chính sách dân số- kế hoạch hóa gia đình được thực hiện với ý thức tự giác; tệ nạn xã hội bị đẩy lùi, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Nhiều nơi đã thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, từng bước loại bỏ những hủ tục. Việc xây dựng, bổ sung các hương ước, quy ước về đời sống văn hóa cơ sở được hưởng ứng. Đến cuối năm 2015 có 909/1.060 làng, bản khu phố được ban chỉ đạo các cấp đánh giá đã thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới... Trong những năm qua, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các địa phương cũng đã tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng văn hóa, từ đó thúc đẩy việc xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, nhân dân đóng góp nhiều công, của cho việc xây dựng thiết chế văn hóa, nâng cấp đường giao thông, xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đến nay toàn tỉnh có 97/141 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, sân thể thao; 952/1.070 làng, bản, khu phố có nhà văn hóa, đạt tỉ lệ 88,9%... 1.136 đội văn nghệ, 450 câu lạc bộ trong các làng văn hóa, duy trì được hoạt động; có 245 thư viện và 250 tủ sách; 1.278 sân thể thao. Các ngành, các cấp huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, với số tiền 309 tỉ đồng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đáp ứng yêu cầu về tổ chức và hoạt động văn hóa ở nông thôn. Các câu lạc bộ dân ca, văn nghệ được hỗ trợ, tiếp sức nên có điều kiện hoạt động, làm cho văn hóa cơ sở trở nên phong phú. Các lễ hội cồng chiêng, Ariêuping của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao được giữ gìn, phát huy… Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vẫn còn một số hạn chế. Phong trào phát triển chưa đồng đều về số lượng, chất lượng giữa các vùng, miền; tỉ lệ gia đình, đơn vị văn hóa đạt cao nhưng tồn tại nhiều vấn đề về cách ứng xử, hành động bạo lực, lối sống thiếu văn hóa, tệ nạn xã hội, ma túy, mê tín dị đoan. Vẫn còn các biểu hiện thiếu văn hóa trong đời sống, trong lễ hội, trong việc cưới, việc tang. Việc bình xét các danh hiệu còn hình thức. Khi có gia đình, đơn vị vi phạm thì không rút bằng công nhận các danh hiệu văn hóa nên đã làm giảm ý nghĩa của cuộc vận động này. Thời gian tới, một trong những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào đến tận cơ sở. Quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, khu vui chơi, giải trí ở các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả, chất lượng cuộc vận động, thúc đẩy phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều bề sâu, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, góp phần xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Bài, ảnh: PHƯỚC AN