Tìm hướng “bảo trợ” cho cây cao su
(QT) - Gần đây trên báo Lao Động có đăng thông tin nêu quan điểm của Bộ Nông nghiệp&PTNT rằng: “Miền Trung là địa bàn không nằm trong quy hoạch trồng cao su của cả nước”. Thông tin có tính “phủ quyết” về chủ trương phát triển cây cao su cũng như hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn của cây cao su mang lại trên vùng đất miền Trung nghèo khó đã được dư luận quan tâm, trước hết là phía Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT - đơn vị đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay phát triển cao su theo dự án Đa ...

Tìm hướng “bảo trợ” cho cây cao su

(QT) - Gần đây trên báo Lao Động có đăng thông tin nêu quan điểm của Bộ Nông nghiệp&PTNT rằng: “Miền Trung là địa bàn không nằm trong quy hoạch trồng cao su của cả nước”. Thông tin có tính “phủ quyết” về chủ trương phát triển cây cao su cũng như hiệu quả kinh tế vô cùng to lớn của cây cao su mang lại trên vùng đất miền Trung nghèo khó đã được dư luận quan tâm, trước hết là phía Ngân hàng Nông nghiệp&PTNT - đơn vị đã bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng cho vay phát triển cao su theo dự án Đa dạng hóa nông nghiệp triển khai hơn chục năm qua...

Quảng Trị hiện có 56% lao động làm nông nghiệp, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30-40% GDP hàng năm, đặc biệt có hàng ngàn hộ dân trồng cây cao su là đối tượng cần thiết phải được thụ hưởng chính sách BHNN. Nếu chính sách này được triển khai thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cho người dân mỗi khi thiên tai xảy ra.

Tạm thời dừng sự tranh cãi về chủ trương mà quan tâm đặc biệt đến những thiệt hại nặng nề của hàng ngàn hộ dân tại các địa bàn trồng cao su ở miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, Quảng Trị và Tây Nguyên mỗi khi có thiên tai xảy ra. Mới đây nhất, cơn bão số 10 tràn vào Quảng Bình, Quảng Trị đã “càn quét” trên chục ngàn ha cao su của hai tỉnh nghèo này. Riêng ở tỉnh Quảng Trị diện tích cao su bị thiệt hại trên 6.000 ha, trong đó Vĩnh Linh là huyện gánh chịu nặng nề nhất với gần 4.000 ha. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng Vĩnh Linh là địa phương mạnh dạn đưa cây cao su vào trồng sớm nhất. Từ những năm 60, cây cao su đã đứng chân trên vùng đất Bãi Hà (thị trấn Bến Quan) để sau này hình thành nên mô hình cao su tiểu điền của các hộ nông dân. Đến nay, toàn huyện Vĩnh Linh đã có trên 6.000 ha, trong đó có trên 60% diện tích đang khai thác, bình quân mỗi ngày thu 600-700 ngàn đồng/ha, mỗi hộ trồng cao su thu nhập mỗi ngày 500.000-1.200.000 đồng, cá biệt có nhiều hộ có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/ngày. Phải khẳng định rằng cây cao su ở Vĩnh Linh đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, không ít hộ đã trở nên giàu có. Thực tế tại các địa phương khác trong tỉnh như Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng... cũng đã chứng minh cao su là cây đa mục tiêu, vừa tạo việc làm cho lao động nông thôn, đem lại nguồn thu cho địa phương, đồng thời khai thác hết quỹ đất nông nghiệp và góp phần phủ xanh rừng. Tuy nhiên, trồng cao su không phải chuyện dễ do nguồn vốn đầu tư lớn cũng như thời gian kiến thiết dài, với mức đầu tư cho 1 ha từ 100- 120 triệu đồng/5 năm. Mặt khác thời tiết, khí hậu ở Quảng Trị khắc nghiệt đối với cây cao su, mùa hè trời nắng và gió, mùa đông trời rét đậm, rét hại và hay có mưa bão. Đó là chưa kể đến các loại dịch bệnh thông thường gây tác hại không nhỏ đến chất lượng vườn cây. Mặt khác, đặc điểm của cây cao su là cây thân giòn, rễ chùm nên khi bị tác động của gió bão rất dễ bị gãy, nghiêng đổ. Trước thiệt hại hết sức nặng nề của nông dân, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là sớm tìm ra các giải pháp trước mắt và lâu dài cho cây cao su. Thiết nghĩ cho dù trồng cây cao su là khó khăn và ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng cây cao su đã mang lại lợi ích kinh tế lớn cho bà con nông dân nên cần phải có quyết tâm mới, giải pháp mới để vượt qua thử thách, vững tin khôi phục lại vườn cây. Trước hết Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người trồng một phần kinh phí; miễn giảm thuế đất nông nghiệp, vận động các dự án quốc tế hỗ trợ cho nông dân trồng cao su để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, các ngân hàng cần có chủ trương khoanh nợ, tiếp tục cho nông dân vay vốn để đầu tư, trồng mới... Sau khi bão tan, chúng tôi đã theo các đoàn công tác của tỉnh, Bộ, ngành về tận các địa phương bị thiệt hại. Nhìn rõ sức tàn phá ghê gớm của gió bão mà xót xa trước những thiệt hại của người dân. Lúc này nhiều giả thiết đã được đưa ra là giá như trong quá trình quy hoạch cần dành một phần đất để trồng cây chắn gió làm “đê bao” che chở cho vườn cây; hay có ý kiến cho rằng từ mấy trăm năm trước khi sang Việt Nam mở ra những đồn điền cao su ở miền Đông Nam Bộ, người Pháp đã khẳng định rằng, cây cao su không thể vượt qua khỏi vỹ tuyến 17. Quan điểm ấy được kiểm chứng hiện tại là đề phòng đến vùng đất nhiều thiên tai tàn phá ở miền Trung. Tuy nhiên, nếu xem xét thật kỹ lưỡng thì có thể thấy rằng thiệt hại do bão là lớn, mất mát của nông dân là nặng nề, nhưng nếu “quyết toán” lại giá trị kinh tế thu được từ cao su so với các loại cây trồng khác trong cùng một giai đoạn thì giá trị của cây cao su vẫn là số 1. Dẫu thiên tai có tàn phá thì sự “kết dư” kinh tế trong từng hộ gia đình, trên từng địa phương qua thời gian đã được khẳng định và thể hiện đậm nét. Do đó, phương án thay thế cây cao su bằng cây trồng khác là không đặt ra mà vấn đề quan trọng là tìm kiếm giải pháp để giúp cây cao su “sống chung” với bão và giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại. Muốn vậy phải tìm ra “bà đỡ” cho người trồng cao su. Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011-2013. Mục đích nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở miền Trung. Theo đó, đối tượng được bảo hiểm chủ yếu thuộc 3 lĩnh vực gồm: cây lúa, vật nuôi và thủy sản trên địa bàn 20 tỉnh, thành. Đến thời điểm này tỉnh Quảng Trị không nằm trong số địa phương thực hiện thí điểm BHNN, tuy nhiên, với xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp hiện nay thì việc thực hiện BHNN cần phải được tỉnh và cơ quan chức năng quan tâm. Do đó, ngay từ bây giờ Sở Nông nghiệp&PTNT và UBND tỉnh Quảng Trị phải khẩn trương kiến nghị với Chính phủ cho phép triển khai mua bảo hiểm cho cây cao su trên địa bàn. Quảng Trị hiện có 56% lao động làm nông nghiệp, ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30-40% GDP hàng năm, đặc biệt có hàng ngàn hộ dân trồng cây cao su là đối tượng cần thiết phải được thụ hưởng chính sách BHNN. Nếu chính sách này được triển khai thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cho người dân mỗi khi thiên tai xảy ra. TÂN NGUYÊN