Xã hội hóa giáo dục, nhìn từ Vĩnh Thạch
(QT) - Trường Mầm non xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), có 9 nhóm, lớp, với số lượng trẻ đến trường hàng năm duy trì từ 240-260 trẻ. Để đạt được mục tiêu 100% trẻ mầm non 5 tuổi đến trường, được hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, vui chơi học tập an toàn cả về thể chất và tinh thần, giúp trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào học lớp 1, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục xã Vĩnh Thạch xác định xã hội hóa giáo dục, huy động toàn xã hội tham gia làm giáo dục ...

Xã hội hóa giáo dục, nhìn từ Vĩnh Thạch

(QT) - Trường Mầm non xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), có 9 nhóm, lớp, với số lượng trẻ đến trường hàng năm duy trì từ 240-260 trẻ. Để đạt được mục tiêu 100% trẻ mầm non 5 tuổi đến trường, được hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe, vui chơi học tập an toàn cả về thể chất và tinh thần, giúp trẻ phát triển toàn diện, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vào học lớp 1, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục xã Vĩnh Thạch xác định xã hội hóa giáo dục, huy động toàn xã hội tham gia làm giáo dục trong khi nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn hẹp, là yêu cầu cấp thiết. Đây là nguồn lực hết sức quan trọng góp phần thực hiện phổ cập giáo dục, xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Trẻ em Vĩnh Thạch được vui chơi trong ngôi trường mới
Cô Hồ Thị Hương Sáu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vĩnh Thạch, cho biết: “Lâu nay, khó khăn lớn nhất đối với các trường mầm non vùng nông thôn là thiếu thốn cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ, dẫn đến việc huy động trẻ đến trường và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế. Đối với Trường Mầm non xã Vĩnh Thạch, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo giáo dục con trẻ, nên phát huy được sức mạnh tổng hợp để giải quyết tốt những yêu cầu thực tiễn công tác dạy và học ngành học mầm non đặt ra ở cơ sở”. Cũng theo cô Hồ Thị Hương Sáu, các bậc phụ huynh luôn mong muốn tất cả những điều tốt đẹp nhất dành cho con em họ, quan trọng là cách chúng ta huy động xã hội hóa giáo dục làm sao cho phù hợp với thực tế địa phương mình để người dân đồng thuận mà thôi. Thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xã Vĩnh Thạch đã tập trung nguồn lực đầu tư xây mới một dãy nhà 2 tầng gồm 6 phòng học, trong đó có 2 phòng học dành cho trẻ 5 tuổi, với tổng mức đầu tư 3,75 tỷ đồng; xây mới một nhà ăn cho trẻ cụm trung tâm trị giá 438,5 triệu đồng; nâng cấp sân chơi ốp lát gạch bloc và tu sửa các công trình hư hỏng khác trị giá 260 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ mua sắm các dụng cụ phục vụ dạy học như 6 ti vi 42 inch, 7 máy tính, 4 phần mềm trò chơi cho trẻ 5 tuổi, các bộ đồ chơi trong lớp và ngoài trời; thay mới 120 bộ bàn ghế đúng quy cách tiêu chuẩn… Tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho Trường Mầm non Vĩnh Thạch nhằm huy động trẻ đến trường và phục vụ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trị giá hơn 6,1 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách địa phương và xã hội hóa 4,7 tỷ đồng (đóng góp của cử tri trong xã, tổ chức quyên góp thông qua truyền thông, ủng hộ của các nhà hảo tâm, bán đấu giá các sản phẩm cô và phụ huynh cùng sáng tạo…). Song song với việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho trẻ mầm non, xã Vĩnh Thạch còn phân công giao nhiệm vụ cho các tổ chức nhận đỡ đầu, hỗ trợ một số nội dung công việc để thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non như: Ban chăm sóc sức khỏe xã cùng với Trạm y tế kiểm tra, chỉ đạo thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho 100% trẻ đến trường; Hội Phụ nữ xã đảm nhận chăm sóc vườn rau sạch, rau an toàn; Đoàn Thanh niên đảm nhận tu bổ, làm mới khuôn viên; Mặt trận, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân tham gia đóng góp ngày công và kinh phí để tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao chất lượng ở trường mầm non. Ngoài ra, các bậc phụ huynh hỗ trợ hàng ngàn ngày công để tu sửa, xây dựng, chăm sóc trường lớp, khuôn viên và làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Về đội ngũ, 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, 4/4 giáo viên dạy lớp 5 tuổi có trình độ đại học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần giúp phụ huynh học sinh yên tâm khi đưa trẻ đến trường. Nhờ có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để chăm sóc và giáo dục trẻ, nên tỉ lệ huy động trẻ vào trường ở xã Vĩnh Thạch đạt cao: Độ tuổi nhà trẻ huy động 44/115 cháu, đạt 38% (bình quân toàn huyện là 20%); trẻ 3-5 tuổi huy động 199/199 cháu, đạt 100% (bình quân toàn huyện là 93,5%). Tỷ lệ trẻ 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân toàn xã hiện chỉ có 3/72 trẻ, chiếm 4,1%; suy dinh dưỡng thể thấp còi 4/72 trẻ, chiếm 5,6%. Có 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tỷ lệ chuyên cần đạt 98%. Đến tháng 4/2012, xã Vĩnh Thạch đã được huyện Vĩnh Linh công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước so với kế hoạch của tỉnh và huyện 1 năm. Trong khi rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, phải dồn phòng học và các thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt chuẩn ưu tiên cho trẻ 5 tuổi để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, còn các lứa tuổi khác học trong các phòng học tạm bợ, xuống cấp và thiếu thiết bị dạy học, nhất là đối với các trường mầm non vùng nông thôn, thì hiện nay 100% trẻ ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh đã được học 2 buổi/ ngày trong các phòng học đạt chuẩn, được ăn bán trú, được chăm sóc sức khỏe định kỳ và theo dõi biểu đồ phát triển. Từ một trường vùng khó thiếu thốn đủ bề, nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đến nay Trường Mầm non xã Vĩnh Thạch đã đảm bảo tốt điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho tất cả các nhóm, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ mà ngay cả nhiều trường mầm non vùng trung tâm thuận lợi mơ ước. Thành công trong việc huy động mọi nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục mầm non ở xã Vĩnh Thạch là kinh nghiệm quý để các địa phương khác trong tỉnh học tập, nhân rộng trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc- giáo dục trẻ thơ, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển toàn hiện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em trở thành chủ nhân tương lai có ích cho đất nước. Bài, ảnh: KHÁNH NGỌC