Cam Lộ, rưng rưng màu đất
(QT) - Dịp này em sẽ vào Cam Lộ quê anh, xới tung đất vườn nhà anh để tìm một lời giải tại sao một miền quê bị san thành bình địa trong chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt đến nhường ấy, lại là “vương quốc” của chè tươi, tiêu nồng, mít nguồn, gạo trắng, nước trong, cây trái bốn mùa và lòng người thuần hậu? -Anh đồng ý. -Lại nữa, khi bố em tóc còn để chỏm trên đầu đã phải đau đớn nhận tin cha hy sinh ở mặt trận phía Nam, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Cam Lộ, Quảng Trị cũng là mặt trận phía Nam đúng không anh? Em sẽ vào quê anh, sẽ đi khắp các nghĩa trang, các ruộng đồng, vườn cây, làng xóm, biết đâu vì tình máu mủ ruột rà mà ông phù hộ độ trì, dẫn đứa cháu nội thương yêu nhất của ông đến nơi ông nằm lại... Xuân điện thoại cho tôi từ một nơi xa lắc xa lơ miền cực Bắc của Tổ quốc. Cô Thạc sĩ nông học này tôi tình cờ quen biết khi cả hai cùng quan tâm đến loại đất có cấu tượng theo như định nghĩa mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng đề cập. Vậy nhưng phải nhiều lần sắp xếp, lần lữa mãi, cuối cùng Xuân cũng có mặt tại Cam Lộ vào những ngày giữa tháng 7 theo như lời hẹn.
 |
Bia mộ liệt sĩ hầm lán đã được tôn tạo lại khang trang hơn trước |
Tôi đã dẫn Xuân đi vào vùng Cùa. Không đủ dài để chồn chân người đi, không đủ cao để làm cho khách bộ hành rợn ngợp, đèo Cùa thong dong và duyên dáng như eo thắt của người con gái xứ Cùa đôn hậu. Xuân nhìn qua vai tôi để thấy ngút ngàn màu xanh khỏa lấp đất cằn đá sỏi, đến ngọn gió cũng rì rào thổi, không còn trườn theo bụi đường đất đỏ, thổi thốc tháo vào mặt người đi như chục năm về trước. Ghé vào một vườn tiêu xanh um màu lá, ngắt hạt tiêu già nhấm nháp, Xuân hít hà như xác tín với tôi đã ngấm vị nồng cay của hồ tiêu đất này. Tôi nói với Xuân rằng, vùng Cùa nơi Xuân đang đứng đây có diện tích đất đỏ ba dan trên 3.000 ha, trong đó có hơn 350 ha được quy hoạch trồng tiêu. Hồ tiêu vùng Cùa sở dĩ nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc cũng bởi có chất đất tốt, nắng mưa dầu dãi đã làm cho hạt tiêu săn chắc lại, có hàm lượng tinh dầu cao và được trồng bởi những người dân có kỹ năng, kinh nghiệm truyền từ đời nay sang đời khác. Xuôi theo con đường nhựa còn sót lại trong chiến tranh, chúng tôi đổ dốc 241. Quang cảnh quanh vùng “vẫn nắng ôm cây, vẫn gió ôm đồi” như trong câu thơ của Bằng Việt, xe chúng tôi trôi đi trong vòm xanh của cây rừng, của hồ tiêu, cà phê và những mảnh vườn trù phú, màu đất đỏ rực lên trong nắng. “Dấu tích chiến tranh ở đâu anh, sao em không thấy. Sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh ở đâu? Đâu là vành đai trắng? Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, chỉ có vài lần, máy bay phản lực Mỹ bay qua quê em, trút vu vơ vài quả bom, dân quân địa phương bắn đuổi chưa hết vài loạt đạn, bầu trời đã trở lại yên bình. Vậy mà ở quê anh bây giờ, cuộc sống còn an hòa và trù mật hơn cả miền trung du quê em nữa là sao?...”. Tôi không trả lời Xuân. Biết nói gì với em khi để trả lời được câu hỏi đó, người và đất quê tôi đã phải đi trọn hơn một phần tư thế kỷ, đổ ra không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, máu xương, can trường và bền bỉ hết thế hệ này đến thế hệ khác để làm cho đất đai trở về vẹn nguyên sự tơi xốp, lành lặn, mỡ màu; cho cuộc sống hồi sinh và giàu có, thịnh vượng từ đất. Tôi đưa Xuân đến một khu vườn đang mùa hoa trái sum suê cách điểm cao 241 không xa và đợi em lấy mẫu đất vùng bán sơn địa. Em giảng giải với tôi rằng loại đất trồng trọt có các hạt vừa phải, nhờ đó mới có thể giữ nước, giữ thức ăn, giữ không khí trong đất, người ta gọi đó là đất có cấu tượng. Để có các hạt đất như vậy, cần có sự hoạt động liên tục của vi sinh vật qua hàng nghìn năm để tạo ra được chất mùn làm liên kết các hạt đất lại thành đất có cấu tượng. Đất có cấu tượng chính là đất mà nông dân ta vẫn gọi là bờ xôi, ruộng mật. Có nguồn đất đai như vậy, lại thêm con người dày công khai phá, chăm bẵm, nên chi vùng đất này nhìn đâu cũng thấy lấp lánh sự no đủ, sung túc, cái sự giàu có bắt đầu neo lại đất này bởi sự cần cù, chịu thương, chịu khó...
 |
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cam Lộ |
Xuân quan tâm nhiều đến cấu trúc từng hạt đất, nhưng khi tôi dẫn em đến dấu tích còn cắm đầy vết chân nhang và thoang thoảng mùi trầm hương từ khu vườn kế bên lan tỏa, Xuân bỗng lặng người, vẻ hồn nhiên như khỏa lấp sau quầng mắt đẫm nước. Tôi đã kể cho em nghe nơi em đang đứng đây, vào một ngày cách nay gần 4 năm, trong lúc làm vườn người dân đã tình cờ phát hiện và sau đó lực lượng quân đội đã khai quật, tìm được 74 hài cốt liệt sĩ trong một mộ chôn tập thể. Theo tài liệu của Hội Cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam cung cấp và tài liệu của ta thu thập được từ nhiều năm nay, đã đối chiếu và xác định được 97 bộ hồ sơ nhân thân trong tổng số 158 chiến sĩ bộ đội đặc công thuộc Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, Quân đoàn 3 hy sinh trên mặt trận đường 9 vào ngày 27/1/1968 khi đang tiến đánh các cứ điểm của Mỹ - ngụy tại đây. Lễ truy điệu, an táng hài cốt các anh hùng liệt sĩ tìm thấy đã được tổ chức trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. -Em hiểu rồi anh ạ, trong sâu thẳm mạch nguồn đất đai Cam Lộ, đã thấm máu biết bao thế hệ cứu nước. Người ta nói, ở đâu có rất nhiều người nằm lại để giành lấy độc lập cho đất nước, ở đó đất sẽ tốt tươi hơn trong ngày hòa bình, phải không anh? Tôi đưa Xuân đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cam Lộ cạnh bên con đường 9, trước mặt là đèo Cùa uy nghi, sau lưng, xa tít tắp là sông Hiếu lững lờ cuộn chảy. Xuân đầu trần giữa chang chang nắng, lần từng hàng mộ chí để đọc cho rõ tên các liệt sĩ an nghỉ nơi đây và bật khóc khi đứng trước bia mộ liệt sĩ hầm lán, nấm mồ chung cho cả 25 liệt sĩ. Tấm bia ghi lại rằng, ngày 23/11/1972, UBND cách mạng xã Cam Mỹ, huyện Cam Lộ tổ chức họp tại hầm lán (khu phố An Hưng, thị trấn Cam Lộ hiện nay) để bàn công tác cứu tế cho nhân dân thì bị bom Mỹ sát hại, toàn bộ 25 cán bộ dự họp đã anh dũng hy sinh. Đây là một tổn thất vô cùng to lớn trong những ngày đầu quê hương Cam Lộ giải phóng. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng huyện Cam Lộ 2/4 (1972-2012), huyện đã triển khai cuộc vận động đóng góp kinh phí tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ huyện và đã thu được trên 1 tỷ đồng, đầu tư xây dựng nhà bia liệt sĩ hầm lán, tháp chuông, đúc “đại hồng chung” cung tiến và đặt tại nghĩa trang. Đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cam Lộ bây giờ như đi giữa một khu tưởng niệm tĩnh lặng, tươm tất, thành kính và gần gũi, từ giữa hàng hàng mộ chí, tượng đài vút lên cao xanh như nối liền mạch giữa khát vọng siêu thoát với đất và trời quê hương. Thị trấn Cam Lộ bây giờ đang mang dáng dấp của một khu đô thị mới với hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại, mặt bằng được quy hoạch hợp lý với những hướng mở hết sức chủ động trong tương lai. Dừng chân bên quán cà phê có hàng dây leo máu tím rất gợi, tôi kể cho Xuân nghe huyền thoại về 108 liệt sĩ đặc công. Chuyện rằng, đêm 1 rạng ngày 2/2/1968, Tiểu đoàn 1 đặc công thuộc Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 3 được lệnh tấn công chi khu Cam Lộ. Nhưng khi các mũi tiếp cận mục tiêu, chưa kịp phá hết hệ thống hàng rào bùng nhùng và mìn dày đặc thì bị lộ. Sau lời kêu gọi cảm tử của chỉ huy Tiểu đoàn, các chiến sĩ đặc công đã nhanh chóng lấy thân mình vắt qua hàng rào kẽm gai bùng nhùng dày đặc mìn để làm cầu vượt cho đồng đội tiến lên. Một thế trận bất lợi, ta không còn giữ được yếu tố bất ngờ. Đối phương đã dùng hỏa lực mạnh từ nhiều phía, kể cả pháo từ Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ và các căn cứ khác dội xuống. Pháo sáng treo đầy trời, chiến sĩ ta nằm phơi lưng dưới tầm đạn pháo, thương vong nặng nề. Cả tiểu đoàn hy sinh gần hết. Sáng hôm sau, địch gom thi thể các anh lại một nơi, rải xăng bột, phóng hỏa, rồi dùng xe ủi lèn đất phẳng lỳ... Cuộc tấn công chi khu Cam Lộ không thành. Sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đã để lại trong lòng người dân Quảng Trị niềm tiếc thương vô hạn. Chi khu Cam Lộ trở thành nấm mồ chung cho 108 liệt sĩ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau ngày huyện Cam Lộ được lập lại, nhân dân đã phát hiện ra một số hài cốt liệt sĩ và xác định được vị trí khu hầm mộ. Năm 1993, UBND huyện đã cho xây dựng một nhà bia tưởng niệm liệt sĩ nằm trong khuôn viên đất thổ cư của người dân, thuộc địa phận khóm 2, thị trấn Cam Lộ, khắc tên 108 liệt sĩ. Theo tài liệu của Sư đoàn 320, trong số 108 liệt sĩ hy sinh trận này có 30 liệt sĩ quê tỉnh Hải Dương, 26 liệt sĩ quê Hưng Yên, 18 liệt sĩ quê Thanh Hóa, 12 liệt sĩ quê Thái Bình, 10 liệt sĩ quê Hà Bắc (cũ), 5 liệt sĩ quê Nam Định, 5 liệt sĩ quê Hải Phòng, một liệt sĩ quê Hà Tây và một liệt sĩ quê ở Hà Nội. Liệt sĩ trẻ nhất là Nguyễn Văn Phương quê ở thôn Nhân Lý, xã Đông Kinh, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sinh năm 1951, nhập ngũ tháng 9/1967, anh hy sinh khi mới 17 tuổi. Xuân thắp một nén hương và tần ngần thật lâu nơi nhà bia, đọc thật kỹ những tên liệt sĩ khắc vào tấm bia đá đang ngời lên trong ánh nắng đổ dài xuống thị trấn vào một buổi chiều yên ả. Nhiều người trong các anh trạc tuổi như Xuân bây giờ đã nằm lại đất này, hóa thân vào đất đai Cam Lộ cho cuộc sống bình yên, sôi động và náo nức bây giờ... Xuân về bên đồng bãi quê tôi dọc triền sông Hiếu, lấy tiếp những mẫu đất nơi bờ xôi ruộng mật từng nuôi dưỡng biết bao thế hệ con dân trong làng đã sống, làm lụng và lặng thầm hy sinh cho quê hương, đất nước. Đất tơi xốp quá, mặn mòi quá, nhân hậu quá, mà nhìn vào đâu cũng thấy rưng rưng... Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH