(QT) - Trong những ngày đầu tháng 7/2018, huyện Hướng Hóa tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương. Trong quá trình phát triển, Hướng Hóa đã mở rộng vòng tay đón nhận nhiều người đến đây lập nghiệp. Trải qua bao năm tháng, họ đã chọn Hướng Hóa làm quê hương của mình. “Đất lành chim đậu”, Hướng Hóa là vùng đất hội tụ của người dân từ nhiều miền quê trong cả nước.
![]() |
Những ngôi nhà mới ở xã Tân Lập, Hướng Hóa |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được 3 tháng, huyện Triệu Phong đã tổ chức nhiều đợt đưa dân lên vùng kinh tế mới Hướng Hóa, một vùng đất mà nhiều người hồi đó còn lo sợ là “rừng thiêng nước độc”. Người dân dưới xuôi lên đây lập nghiệp đã có mặt ở 7 xã vùng kinh tế mới của Hướng Hóa trên tổng số 22 xã, thị trấn.
Chị Trương Thị Thái Nguyên, quê ở Triệu Phong là một trong những cán bộ đưa dân đi kinh tế mới, đồng thời cũng là người tình nguyện đến Huớng Hóa lập nghiệp đợt đầu tiên, tháng 8/1975 chị đã có mặt ở Khe Sanh. Chị nhớ lại lúc đó nhìn đâu cũng thấy rừng rậm âm u, nhiều nai, hổ, heo rừng. Chiếc xe của Ban Kinh tế mới Triệu Phong có lần đụng phải con nai rừng đang chạy ngơ ngác trên đường. Người dân lên đây lập nghiệp với bao lo lắng, bỡ ngỡ. Nhà nước hỗ trợ lương thực 6 tháng ăn nhưng trồng khoai bị cuốn lá, trồng sắn bị mối ăn, đất khô hạn. Lại thêm nạn sốt rét hoành hành nên lòng dân không yên; nhiều người dân đi cuốc đất khai hoang bị thương vong do bom mìn. Một số gia đình không chịu được sự khắc nghiệt đã bỏ vào các tỉnh miền Nam hoặc trở về quê cũ sinh sống. Nhưng đại đa số vẫn bám trụ vùng quê mới, họ tiếp tục trồng khoai, sắn, bắp, đậu đắp đổi qua ngày. Sau này khi có điều kiện, nước ta mở cửa với bên ngoài, người dân có được nguồn vốn tích lũy mở rộng diện tích trồng chuối và các loại cây công nghiệp dài ngày như tiêu, cà phê... cuộc sống mới khấm khá, ấm no dần lên.
Nếu như những năm đầu mới giải phóng dân số huyện Hướng Hóa rất ít, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô thì đến nay dân số của huyện đã lên trên 92.000 người, trong đó có rất nhiều người từ các vùng quê khác đến đây lập nghiệp. Ở hai thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo là nơi có sự đóng góp của người dân nhiều tỉnh, thành phố trong nước. Riêng tại xã Tân Liên, lúc đầu chỉ có cư dân các xã Triệu Hòa, Triệu Đại của huyện Triệu Phong cùng với một bản của người dân tộc thiểu số thì nay có thêm nhiều hộ dân thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình đến đây sinh sống và chọn nơi này là quê hương.
Ông Phan Đình Miên, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, quê gốc ở xã Triệu Hòa được gia đình đưa lên vùng kinh tế mới từ lúc 9 tuổi, đã 43 năm qua ông sinh sống ở Hướng Hóa và luôn xem vùng đất này là quê hương của mình. Tâm sự với chúng tôi, ông cho rằng rất thích vùng đất Hướng Hóa vì khí hậu, thổ nhưỡng rất tuyệt vời. Cả tỉnh Quảng Trị không có nơi nào khí hậu mát mẻ, trong lành như Hướng Hóa. Trong những ngày tháng 7, trong lúc ở vùng đồng bằng nắng nóng như thiêu đốt, nhiều ngày nhiệt độ lên tới hơn 39- 40 độ C thì ở Hướng Hóa buổi trưa vẫn mát mẻ, dễ chịu, đêm mùa hè nằm ngủ phải đắp chăn. Một số nơi ở Hướng Hóa có khí hậu, nhiệt độ thấp như ở Đà Lạt, đó là đèo Sa Mù nằm giữa 2 xã Hướng Phùng, Hướng Lập, có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, lúc nào cũng có sương giăng kín, hơi đá lạnh quanh năm. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã tìm hiểu, nghiên cứu và triển khai trồng thử nghiệm hoa lily, hoa tulip, những giống hoa được trồng nhiều ở Đà Lạt, không ngờ lại phát triển tốt ở Sa Mù, các giống hoa này mang lại thu nhập cao cho người trồng. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang triển khai trồng một số giống cây dược liệu có giá trị cao phù hợp với nhiệt độ ở đây, ban ngày thường chỉ từ 18-23 độ C và ban đêm thấp hơn 15 độ C.
Đi qua giai đoạn khó khăn, đến nay cuộc sống của người dân Hướng Hóa đang ngày càng được cải thiện. Như ở xã Tân Liên có 1.150 gia đình với gần 4.900 nhân khẩu, có một bản dân tộc thiểu số, số hộ nghèo trong xã chỉ còn 4,57%; hộ cận nghèo 7,7%; hộ có mức thu nhập trung bình 30%, còn lại hơn 50% là số gia đình thuộc loại khá, giàu, trong đó nhiều gia đình có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ nghề thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2017 thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm, là xã thứ 2 của huyện Hướng Hóa đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngay như chị Trương Thị Thái Nguyên, Trưởng ban liên lạc Hội Tù chính trị yêu nước huyện Hướng Hóa, qua nhiều năm sản xuất, trồng cây cà phê trên diện tích 3 ha cùng với số tiền nhà nước đền bù giải phóng mặt bằng, nay đang tập trung xây ngôi nhà 3 tầng khang trang với số tiền hàng tỷ đồng. Vợ chồng chị đã sinh sống, lập nghiệp ở Hướng Hóa 43 năm và rất yêu mảnh đất này.
Trong những năm qua chưa nói tới những người buôn bán, dịch vụ, chỉ riêng những người đi kinh tế mới lên Hướng Hóa sinh sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp cũng đã có được cuộc sống khá giả, tiêu biểu như gia đình ông Mai Chiếm Hữu, thôn Long Hợp; bà Đỗ Thị Phụng thôn Long Thành, xã Tân Long trồng chuối hằng năm thu nhập từ 800 triệu-1 tỷ đồng. Gia đình ông Võ Chánh Thi, thôn Hướng Đại; ông Lê Kim Phước, thôn Hướng Độ, xã Hướng Phùng trồng tiêu và cà phê hằng năm thu nhập từ 600-700 triệu đồng…Và còn rất nhiều người nông dân tiêu biểu, họ đến đây, chọn nơi này làm quê hương và đã góp phần làm cho vùng đất huyện Hướng Hóa ngày thêm giàu đẹp.
HNB