Hiệu quả mô hình tổ hợp tác của phụ nữ xã Vĩnh Long
(QT) - Hội Phụ nữ xã Vĩnh Long là một trong những đơn vị xuất sắc của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) với thành tích 13 năm liên tục được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen. Trong thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của hội, Hội Phụ nữ xã luôn có nhiều mô hình mới, cách làm hay; tổ hợp tác là một trong những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phù hợp với điều kiện địa phương và được hội viên, phụ nữ đồng tình hưởng ứng. Mô hình tổ hợp tác được Hội Phụ nữ xã đầu tư xây dựng bắt đầu từ nhu cầu hợp tác giúp nhau phát triển sản xuất kinh doanh của chị em phụ nữ. Với quyết tâm và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ hội, sau khi được Hội LHPN tỉnh hướng dẫn quy trình xây dựng tổ hợp tác và hỗ trợ xây dựng quy chế hoạt động, BTV Hội Phụ nữ xã đã chỉ đạo Chi hội Gia Lâm xây dựng 3 tổ hợp tác hỗ trợ nhau trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn xã đã xây dựng 7 tổ hợp tác được UBND xã chứng thực, hoạt động trên các lĩnh vực chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ với 84 thành viên tham gia.
 |
Mô hình chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Thanh Nữ, tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở thôn Gia Lâm - Ảnh: NHƯ CHINH |
Buổi đầu thành lập các tổ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của mình các thành viên đã xây dựng được nội dung hợp đồng hợp tác phù hợp, thống nhất được quy chế hoạt động trình UBND xã chứng thực để triển khai thực hiện. Hàng tháng, các tổ hợp tác tổ chức sinh hoạt đánh giá hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh của tổ viên, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng kế hoạch hoạt động tháng tiếp theo của tổ, đồng thời góp tiết kiệm xây dựng quỹ tổ nhằm mục đích hỗ trợ vốn cho chị em trong tổ phát triển sản xuất. Sau 8 tháng thực hiện mô hình, hiện nay các tổ hợp tác đang dần dần đi vào nền nếp, các thành viên tham gia được các cấp hội quan tâm tạo điều kiện để chị em phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, đáp ứng đúng nhu cầu nên được sự đồng tình hưởng ứng cao. Chị em thành viên tổ hợp tác đã tương trợ, cùng nhau đẩy mạnh phát triển dịch vụ cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm; mô hình chăn nuôi lợn; giữa dịch vụ và mô hình chăn nuôi đã có sự tương tác, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo cho hai bên cùng có vốn, có lãi. Những lúc khó khăn về vốn, các chị kinh doanh dịch vụ thức ăn gia súc cho các hộ chăn nuôi nợ, đến thời điểm xuất chuồng thì hoàn vốn. Các thành viên đã giúp nhau trong liên kết kinh doanh, phân công nhau từng lĩnh vực như: tạo mối quan hệ với các thương lái, các nhà thu mua thành phẩm, giải quyết đầu ra cho các hộ chăn nuôi. Trong quá trình chăn nuôi, sản xuất, chị em luôn tương trợ, giúp đỡ và hỗ trợ nhau vượt qua những biến động của giá cả thị trường, phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Bên cạnh việc giúp nhau phát triển kinh tế, các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên đến thăm, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban điều hành các tổ hợp tác đã chuyển tải những nội dung về phát triển kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà; hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; kiến thức về nuôi dạy con, nước sạch-vệ sinh môi trường... cho thành viên trong tổ. Ngoài ra, còn tổ chức giao lưu văn nghệ, tham quan học tập mô hình kinh tế ở các đơn vị bạn. Từ những lợi ích thiết thực của tổ hợp tác đem lại, các thành viên trong tổ đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện các hoạt động của tổ. Điển hình trong mô hình này có chị Trần Thị Thanh Nữ vừa cung cấp thức ăn gia súc, thuốc thú y, chăn nuôi lợn giỏi, vừa tích cực liên hệ giải quyết đầu ra cho sản phẩm của các hộ chăn nuôi, trong 1 năm lãi ròng từ dịch vụ 30 đến 50 triệu đồng. Chị Trần Thị Tâm, tổ hợp tác Liên Hợp, kinh doanh dịch vụ xay xát kết hợp chăn nuôi thu nhập trên 50 triệu đồng/ năm. Chị Trần Thị Quyến, tổ trưởng tổ hợp tác Thuận Thảo đã gương mẫu trong vấn đề tương trợ, thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp (lợn, gà, cá, vịt đẻ), mỗi năm lãi ròng trên 60 triệu đồng. Chị tích cực chỉ đạo tổ của mình xây dựng quỹ hoạt động được hơn 4,5 triệu đồng, cho chị em mượn không lãi quay vòng trong các thành viên và thành lập được đội dịch vụ gia đình, nấu ăn phục vụ trong việc cưới hỏi, tang lễ... Đây cũng chính là cơ hội để tổ hợp tác quảng bá hình ảnh của mình và là tiền đề để phát triển thành loại hình dịch vụ kinh doanh mới khi đủ điều kiện. Nhằm đẩy mạnh hoạt động các tổ hợp tác trên địa bàn, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã đã cùng với Ban điều hành chỉ đạo các tổ hợp tác liên kết nhiều dịch vụ hỗ trợ, đăng ký nhu cầu đào tạo nghề thông qua Đề án 295 và đã được hội cấp trên tạo điều kiện tổ chức 1 lớp “Kỹ thuật sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi” cho 35 chị . Sau đào tạo, 100% chị em học nghề đã áp dụng có hiệu quả kiến thức được học vào hoạt động chăn nuôi của gia đình, 3 chị được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ vốn vay (60 triệu đồng) tạo việc làm, tăng thu nhập… Từ sự chỉ đạo đồng bộ trong quá trình xây dựng, thực hiện mô hình tổ hợp tác của Hội Phụ nữ xã Vĩnh Long đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đầu tư sản xuất kinh doanh của các thành viên. Chị em thực sự phấn khởi trước những kết quả về kinh tế và xã hội do mô hình đem lại. Để đạt được những thành quả đó là nhờ các tổ xây dựng được quy chế chặt chẽ, phù hợp, bám sát quy chế để hoạt động; các thành viên trong tổ đã gắn kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, sự năng động sáng tạo của Ban điều hành tổ hợp tác, sự hỗ trợ tạo điều kiện của hội cấp trên và chính quyền địa phương cũng là yếu tố quan trọng giúp các tổ hợp tác đi vào hoạt động có hiệu quả bền vững. Trong thời gian tới, các cấp hội sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình tổ hợp tác; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ hợp tác khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của mình để mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. LÊ THỊ YẾN