"Đại sứ văn hóa" vùng cao
(QT) - Lâu nay, các vị già làng, trưởng bản ở miền núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị luôn nhắc nhủ nhau truyền lưu kho tàng văn hóa của dân tộc mình. Hành trình ấy giờ đây đang được lớp trẻ miệt mài tiếp nối. Họ đã dùng những bức ảnh, mẩu chuyện giới thiệu văn hóa của người Vân Kiều, Pa Kô đến bạn bè năm châu. Mỗi bức ảnh, một câu chuyện Vườn hoa Lý Thái Tổ, một buổi sáng nắng vàng đầu tháng 5, người dân Hà Nội vô cùng hào hứng khi đến theo dõi triển lãm ảnh “Văn hóa của mình – Đối thoại trong không gian mở” do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường tổ chức. Triển lãm thu hút sự tham gia của 9 nhóm dân tộc: Mông, Dao Đen, Dao Đỏ, Mường, Thái, Khơ Me, Vân Kiều, Pa Kô. Tất cả bức ảnh được trưng bày tại đây đều do bàn tay các nhiếp ảnh gia không chuyên tự chụp, phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của dân tộc mình.
 |
Chị Hồ Thị Nguyệt (giữa) tham khảo ý kiến của các già làng về bức ảnh cũng như câu chuyện văn hóa mà mình đề cập |
Đồng hồ điểm chỉ giờ khai mạc, đại diện 9 nhóm dân tộc tham gia triển lãm bắt đầu công việc. Hôm nay, họ là “đại sứ thiện chí”, giới thiệu cho lữ khách gần xa về văn hóa người dân tộc thiểu số. Trong khuôn khổ triển lãm, các đại diện đến từ Quảng Trị dành được nhiều sự quan tâm của khán giả. Họ đều trẻ, am hiểu văn hóa, có khả năng diễn đạt tốt. Chị Hồ Thị Nguyệt (24 tuổi) giới thiệu: “Mình là Nguyệt, người Vân Kiều, trú tại thị trấn Krông Klang, còn đây là anh Hồ Văn Niên và chị Hồ Thị Bụi, đều là người Pa Kô, sống ở xã Tà Rụt. Suốt bốn tháng qua, chúng mình kết bạn với chiếc máy ảnh và cuốn sổ tay, ghi chép lại từng câu chuyện văn hóa qua lời kể của bà con. Khó khăn nhiều nhưng ai cũng hiểu và quý trọng hơn những dấu ấn văn hóa ông cha để lại”. Hơn 150 bức ảnh trưng bày tại triển lãm được lựa chọn từ hàng ngàn bức ảnh do các thành viên người dân tộc thiểu số tự chụp trong gần nửa năm. Đây là những tấm hình có bố cục và màu sắc đẹp, ẩn chứa nhiều thông điệp về cuộc sống. Đặc biệt, các tác giả đã ghi lại nhiều khoảnh khắc tươi rói của cuộc sống mà không phải người có nghề nào cũng làm được. Trong nhóm nhiếp ảnh Vân Kiều Pa Kô, chị Hồ Thị Bụi có nhiều tác phẩm được lựa chọn để trưng bày nhất. Mỗi bức ảnh đánh dấu sự lao động miệt mài của cô gái 24 tuổi này. Chị chia sẻ: “Hầu hết các bức ảnh của mình phản ánh tục đi sim, nhuộm răng đen, chữa bệnh cổ truyền, chọn đất làm nhà... Sau khi có tấm hình ưng ý, mình lại tìm đến các già làng, trưởng bản để tìm hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình. Nhờ thế, mình mới đủ tự tin khi đứng đây giới thiệu văn hóa của người Pa Kô đến mọi người”.
 |
Anh Hồ Văn Phương và chị Hồ Thị Nguyệt trao đổi để lựa chọn những bức ảnh có giá trị nhất |
Tại triển lãm, những nhà "nhiếp ảnh" không chỉ giới thiệu mà còn giải thích cho mọi người hiểu nội dung từng bức ảnh. “Người Pa Kô chúng tôi cho rằng, trai gái quan hệ bất chính, quan hệ trước hôn nhân là không sạch sẽ, ảnh hưởng đến gia đình, họ hàng và làng xóm. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục của làng, phải có lễ vật tạ lỗi như trâu, bò, dê, gà, xôi, rượu...” – Tác giả Kray Sức giới thiệu về bức ảnh hai gia đình đang làm lễ tạ lỗi tổ tiên. Theo dõi triển lãm, người xem còn thích thú khi bắt gặp cách diễn giải mộc mạc, dễ hiểu của các nhiếp ảnh gia không chuyên. Khi người xem tò mò hỏi về bức ảnh phản ánh nghi lễ thờ cúng Thần Bổn mệnh, chị Hồ Thị Bụi giải thích: “Người Pa Kô quan niệm rằng, con người sinh ra đều có Thần Bổn mệnh (Yang Cơt) bảo hộ. Khi lớn lên, tùy từng người mà Thần Bổn mệnh đòi hỏi cách thờ phụng hồn sống riêng. Trong tế lễ, khi cây gươm dựng thẳng trên chiếc mâm và đứng yên khoảng 30 giây thì có nghĩa là Thần Bổn mệnh đã chấp nhận lòng thành của người thờ cúng”. Có thể nói triển lãm “Văn hóa của mình – Đối thoại trong không gian mở” không đơn thuần là một cuộc trưng bày, mà còn là cánh cửa mở ra hàng trăm câu chuyện thôi thúc người xem đi sâu tìm hiểu. Qua đó, khán giả có thể cảm nhận văn hóa không có sự phân chia cao thấp mà đẹp ở tính đa dạng và khác biệt. Họ cũng sẽ thấy văn hóa đang đem lại lợi ích kinh tế cho các cộng đồng và nếu biết quảng bá thì còn giúp nâng cao vị thế của đất nước. Hơn hết, các hoạt động trong khuôn khổ triển lãm còn góp phần khẳng định người dân tộc thiểu số đang chủ động khám phá, thể hiện và quyết định văn hóa của mình sẽ được bảo tồn, tiếp thu như thế nào. "Đãi cát, tìm vàng" Tham gia Dự án Photovoice của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, 64 tác giả được trang bị máy, hướng dẫn kỹ thuật chụp ảnh, cách lập kế hoạch... Đối với nhiều thành viên, đây là công việc hoàn toàn mới mẻ nên ai cũng không tránh khỏi lo lắng. Họ luôn nhắc nhủ bản thân phải nỗ lực hết sức để đóng góp vào thành công chung của triển lãm.
 |
Người dân Hà Nội đến vườn hoa Lý Thái Tổ xem triển lãm “Văn hóa của mình – Đối thoại trong không gian mở” |
Sánh vai các dân tộc anh em, đại diện người Vân Kiều, Pa Kô tham gia dự án ảnh gồm 12 gương mặt đến từ xã Tà Rụt và thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông. Như bao cư dân miền sơn cước, các anh chị đều lớn lên cùng làn điệu Xiêng, Tăng Y, Cà lơi – Cha chấp. Từ nhỏ, họ đã được truyền dạy cách dệt thổ cẩm, làm nhạc cụ truyền thống, đắm mình trong các lễ hội chất ngất men say... Vì vậy, ai cũng lo lắng khi thấy những bạn trẻ đồng trang lứa không mặn mà với giá trị văn hóa dân tộc. “Văn hóa mất thì gốc gác của người Vân Kiều, Pa Kô cũng lung lay. Vì vậy, mình cùng các thành viên trong nhóm quyết tâm để tìm hiểu những phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của dân tộc mình đã và đang bị mai một” – Anh Hồ Văn Niên chia sẻ. Để có những bức ảnh chân thực, tươi rói gam màu cuộc sống, một điều lệ bất thành văn mà các thành viên hai nhóm đặt ra là “không được dàn dựng bối cảnh, nhân vật”. Suốt bốn tháng trời, họ luôn kè kè chiếc máy ảnh bên cạnh. Nhờ thế, nhiều tấm hình sinh động đã ra đời như: phụ nữ Pa Kô địu con lên nương, các cụ già tỉ mỉ nhuộm răng đen, nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống... Tuy nhiên, không phải bao giờ công việc cũng suôn sẻ. Anh Hồ Văn Phương (trưởng nhóm nhiếp ảnh Vân Kiều) cho biết: “Nhiều người nhất quyết không cho hoặc bỏ chạy khi thấy mình chụp ảnh. Phải tốn khá nhiều thời gian, giải thích thấu tình, đạt lí thì bà con mới đồng ý”. Vất vả là thế nên các thành viên trong hai nhóm nhiếp ảnh trân trọng từng sản phẩm lao động của mình. Đặc biệt, họ vô cùng hạnh phúc khi nghe bà con tíu tít bảo nhau: “Mấy thanh niên trong bản đang đi chụp ảnh để lưu giữ, quảng bá văn hóa dân tộc mình đấy”. Lựa chọn một tấm hình đặc sắc tham gia triển lãm không đơn giản. Mỗi người phải cất công “đãi” thật kỹ hàng trăm bức ảnh riêng của mình, sau đó ngồi lại, trao đổi với nhau, thống nhất chọn tấm hình xuất sắc nhất của nhóm. Toàn bộ ảnh sẽ được Dự án Photovoice chấm điểm, cân đặt cẩn thận. Bên cạnh đó, việc “thai nghén” câu chuyện đi kèm bức ảnh cũng gian nan không kém. Bản thân từng là cán bộ văn hóa xã nhưng khi được bầu làm trưởng nhóm nhiếp ảnh Pa Kô, anh Kray Sức vẫn ngày đêm miệt mài tìm hiểu thêm các phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào mình. Anh luôn nhắc nhủ các thành viên trong nhóm chịu khó tìm tòi, cậy nhờ sự hỗ trợ của những người có uy tín, tập hợp ý kiến hay... Anh Sức chia sẻ: “Việc chuyển các câu chuyện từ tiếng Vân Kiều, Pa Kô sang tiếng Kinh rất khó. Thế nên, các thành viên trong nhóm thống nhất dịch một cách sát đúng, chân thực, mộc mạc, không theo cảm tính... Sau khi mỗi câu chuyện ra đời, mấy anh em lại tập trung trau chuốt ý tứ, ngôn từ sao cho vừa đúng, vừa hay”. Suốt bốn tháng trời “đãi cát, tìm vàng”, mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, thành quả cả nhóm nhận được là những tấm hình chân thực, mộc mạc, ẩn chứa nhiều thông điệp về cuộc sống. Tuy nhiên, điều làm họ hạnh phúc nhất là đã hiểu hơn về nguồn cội của mình, đưa hình ảnh người Vân Kiều, Pa Kô đến với bạn bè cả nước. Trên chuyến xe từ thủ đô Hà Nội trở về quê hương, thành viên trong hai nhóm nhiếp ảnh đã nắm tay nhau, chung một lời hứa: “Vì văn hóa người Vân Kiều, Pa Kô ở đại ngàn Trường Sơn, họ sẽ hành động. Bắt đầu từ các bức ảnh, mẫu chuyện và tiếp nối sẽ là nhiều việc làm thiết thực hơn để bảo tồn những nét thuần hậu, tinh hoa của núi rừng”. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP