(QT) - Cũng như bao làng quê khác, phía sau cổng làng, cuộc sống của người dân thôn Hải Lam, xã Linh Hải, huyện Gio Linh bình yên và ấm lành, kinh tế phát triển và truyền thống hiếu học của con cháu trong thôn vẫn được duy trì, gìn giữ theo tiếng kẻng khuyến học đã tồn tại hàng chục năm qua ở làng.
![]() |
Cuộc sống yên bình ở làng Hải Lam, xã Linh Hải, Gio Linh |
Ông Nguyễn Đăng Vui, Trưởng Ban điều hành thôn Hải Lam là một trong những người tiên phong lên vùng đất này xây dựng vùng kinh tế mới. “Đó là vào cuối tháng 7/1975, theo chủ trương của Đảng, các hộ dân làng Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng theo chủ trương di dân lập làng kinh tế mới. Khi chúng tôi lên đây, vùng đất này vốn bạc màu, bốn bề lau lách hoang vu, nhát cuốc bổ xuống đất khai hoang lập hóa cũng hết sức e dè bởi sợ đụng phải bom mìn sót lại. Không có đất ruộng, chủ yếu trồng khoai sắn lấy lương thực, may thay được người dân thôn Hà Thanh cắt cho 3 ha ruộng để canh tác, nhà nước thì hỗ trợ 6 tháng lương thực cho dân. Giữa bộn bề khó khăn, người dân Lam Thủy vẫn bền gan vượt khó quyết chí bám trụ nơi này”, ông Vui nhớ lại. Với điều kiện vùng đất đồi, theo chủ trương định hướng của huyện, một số hộ dân manh nha trồng cao su, đồng thời trồng xen canh cây sắn để lấy ngắn nuôi dài. Chị Nguyễn Thị Như Ý, hiện là Bí thư Chi bộ thôn Hải Lam, theo gia đình lên đây lập nghiệp từ năm mới sáu tuổi. “Hồi đó còn nhỏ nhưng đến giờ tôi vẫn nhớ như in về sự thiếu thốn, cơ cực. Dù được nhà nước trợ cấp lương thực trong điều kiện các hộ dân mới lên lập nghiệp vùng kinh tế mới, tuy nhiên quê hương vừa bước ra khỏi chiến tranh, ở đâu cũng muôn bề thiếu thốn nên chuyện thiếu cái ăn cái mặc là tình trạng chung thời bấy giờ”, chị Ý kể.
Bền chí thì đất không phụ người, ấy là cách mà người dân thôn Hải Lam vững vàng vượt qua gian khó để xây dựng nơi đây trở thành vùng đất trù phú. Từ một thôn không có ruộng, nay 10 ha lúa nước đủ cung cấp lương thực quanh năm cho người dân trong thôn, đồng thời còn cung ứng cho thị trường bên ngoài. Đặc biệt, trong tổng số 316 ha cao su của 12 thôn trong toàn xã Linh Hải, thì thôn Hải Lam có đến 36 ha cao su, đem lại cho người dân nguồn thu nhập không nhỏ. Anh Nguyễn Thế Lực, Trưởng thôn Hải Lam năm nay mới hơn bốn mươi tuổi nhưng đã xây dựng được cơ ngơi trị giá hơn một tỉ đồng, là ông chủ của hơn 6 ha cao su, trong đó có 3 ha đang trong thời kỳ khai thác. Là người trẻ năng động, nói được làm được, ngoài chăm lo phát triển kinh tế, anh Lực là một trưởng thôn năng nỗ, mẫu mực và nhiệt thành trách nhiệm. Anh chia sẻ: “Thôn Hải Lam có 60 hộ dân với 273 nhân khẩu. Nhờ tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế nên đến nay đời sống của người dân tương đối ổn định, thu nhập bình quân đầu người 33 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, thôn vẫn duy trì truyền thống hiếu học từ xưa đến nay, với số con em đỗ đạt, có công việc ổn định ngày càng nhiều. Tính đến nay, thôn đã có 43 người có trình độ đại học, 2 người hoàn thành trình độ đào tạo thạc sĩ, 16 người có trình độ cao đẳng, số con em của thôn đi làm ăn, công tác tại các thành phố lớn đều khẳng định được năng lực của mình”.
Có thể hiểu được tại sao ở một thôn với số dân không nhiều nhưng tỉ lệ đỗ đạt học hành của con em khá ấn tượng, là bởi từ hàng chục năm nay, thôn Hải Lam vẫn duy trì và phát huy mô hình tiếng kẻng khuyến học. Đều đặn bảy giờ tối, tiếng kẻng khuyến học lại vang lên như hiệu lệnh nhắc nhở con em trong thôn ngồi vào bàn học bài. Thôn thành lập hẳn ban khuyến học và các thành viên tối đến lại tổ chức đi kiểm tra, nhắc nhở, bảo ban các cháu học hành. Ông Vui là người đảm nhiệm vai trò đánh kẻng khuyến học từ khá nhiều năm nay hồ hởi nói: “Tiếng kẻng khuyến học của làng Hải Lam từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu góp phần làm nên phong trào hiếu học của làng. Chúng tôi với trách nhiệm là phụ huynh, chỉ có thể nhắc nhở động viên con em trong thôn chuyên tâm với việc học bằng cách duy trì tiếng kẻng khuyến học hằng đêm, mong muốn giúp các cháu một phần trên con đường học hành thành tài, trở thành người có ích cho xã hội”.
Đi từ đầu đến cuối thôn Hải Lam, có thể thấy diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, nhà cửa được xây dựng khang trang, không ít những căn nhà xây trị giá tiền tỉ được người dân đầu tư. Đặc biệt, hầu như trước khoảnh sân của bất cứ gia đình nào cũng được đầu tư trồng nhiều loại hoa, khoe sắc chờ xuân. Mỗi năm, Ban điều hành thôn quyết tâm xây dựng từ 1 đến 2 công trình, thiết chế văn hóa bằng chính nguồn xã hội hóa như xây dựng sân chơi cho trẻ em, sân chơi thể thao phục người dân trong thôn. Chị Nguyễn Thị Như Ý cho biết thêm: “Cách làm của thôn Hải Lam là huy động nguồn xã hội hóa từ người dân trong thôn, từ con cháu của làng đi làm ăn xa để có nguồn lực xây dựng các công trình. Trong quá trình vận động, chúng tôi thường bàn bạc kỹ lưỡng, trên tinh thần tự nguyện, gia đình nào có điều kiện thì đóng góp nhiều, nhà nào còn khó khăn thì tùy tâm. Khi triển khai xây dựng bất cứ công trình nào, từ đường bê tông thôn đến khu sân chơi trẻ em, sân thể thao….thì chúng tôi đều trực tiếp tham gia làm với bà con, người người góp công góp của để công trình được hình thành, phục vụ cho chính nhu cầu của mình nên ai cũng tự giác tham gia nhiệt tình”.
Chúng tôi rời Hải Lam, mang theo tâm trạng hứng khởi về một vùng quê yên ấm, thanh bình. Những ngày này, nhiều nhà đang sửa sang nhà cửa, chuẩn bị đón tết Nguyên đán Kỷ Hợi đang đến dần. “Ai cũng có tâm lý làm lụng cả năm giờ dành ra chút tiền để sửa sang lại nhà cửa cho khang trang sạch đẹp, đón con cháu đi làm ăn xa quê trở về quây quần đón tết, để thấy làng quê đang thay đổi từng ngày mà mừng”, trưởng thôn Hải Lam Nguyễn Thế Lực nói.
Thanh Trúc