Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa có văn bản chỉ đạo cấp ủy các địa phương, đơn vị trực thuộc; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cán bộ nữ của tỉnh. Theo nhận định bước đầu, qua gần một năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 43 CTHĐ/TU ngày 26/10/1007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 11 NQ/TƯ của Bộ Chính trị (Khóa X) "về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước", công tác cán bộ nữ của tỉnh đã đạt một số kết quả và có bước phát triển theo chiều hướng tích cực. Đây là cơ sở cho việc làm tốt hơn công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quán triệt đầy đủ, chưa xác định rõ trách nhiệm và quan tâm đúng mức đến công tác cán bộ nữ. Tỉ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch chưa đạt yêu cầu đề ra; cán bộ nữ trẻ còn ít, tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ nữ chưa được khắc phục; việc thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ còn hạn chế, thiếu thống nhất. Tình hình đó đặt ra nhiệm vụ phải tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ, bởi đây vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nội dung quan trọng trong chiến lược cán bộ nữ của Đảng. Thực hiện tốt công tác này là nhằm tạo ra cơ hội cho phụ nữ có điều kiện cống hiến, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. Như chúng ta đều biết, thắng lợi của cách mạng nước ta đã đưa người phụ nữ lên địa vị làm chủ xã hội, có quyền bình đẳng với nam giới. Muốn phát huy sức mạnh của phụ nữ, phải đặt đúng vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Với sự chăm lo của Đảng và Nhà nước, lực lượng cán bộ nữ trong cả nước đã không ngừng tăng, giữ nhiều vị trí quan trọng. Nhiều phụ nữ đã tham gia với cương vị là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành, các đoàn thể xã hội; các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương; ở các doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu trên thương trường... Có được những kết quả trên, trước hết là do sự quan tâm chăm lo quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng của các cấp ủy đối với đội ngũ cán bộ nữ. Nhiều cấp ủy coi công tác cán bộ nữ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác cán bộ của địa phương, do đó đã có nhiều biện pháp cụ thể để tăng đội ngũ cán bộ nữ. Tuy vậy, theo đánh giá của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, công tác cán bộ nữ vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập: tỉ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp vẫn còn thấp, cơ cấu không đều, chưa tương xứng với sự phát triển của lực lượng lao động nữ và phong trào phụ nữ. Một số ngành nghề đông nữ vẫn chưa có cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt. Một số chính sách đối với cán bộ nữ còn bất cập, không phù hợp. Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu do định kiến giới vẫn còn tồn tại dai dẳng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, trong gia đình và xã hội. Nhiều cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ quan điểm công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Vẫn còn biểu hiện hẹp hòi, thiếu tin tưởng vào khả năng của phụ nữ, cán bộ nữ như ngại tuyển dụng nữ, đánh giá, sử dụng còn thiếu khách quan. Một bộ phận cán bộ nữ vẫn còn biểu hiện tự ti, an phận, chưa có ý chí vươn lên. Cơ hội được tham gia đào tạo để nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới đối với cán bộ nữ vẫn khó khăn do cơ chế, chính sách còn bất cập. Trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm cho rằng, những việc như nội trợ, chăm sóc con cái là công việc của phụ nữ là một trong những bất lợi cho phụ nữ khi vừa phải thu xếp công việc gia đình, vừa phải đảm đương công việc để kiếm sống và tham gia công tác xã hội. Những hạn chế, bất cập trên là tình hình chung trong cả nước, trong đó có Quảng Trị. Để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, bầu cử HĐND, UBND các cấp trong nhiệm kỳ tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị chỉ đạo các cấp ủy, các ban, ngành, địa phương tiếp tục có kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ nữ, góp phần tạo nguồn cán bộ nữ lãnh đạo quản lý các cấp trong tỉnh, trong đó quan tâm phát triển đảng viên trong nữ công nhân viên chức, nữ ở nông thôn, nữ dân tộc thiểu số. Tiến hành đánh giá đội ngũ cán bộ nữ, chủ động phát hiện, tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ có trình độ, năng lực công tác, có phẩm chất đạo đức cách mạng để đào tạo, bồi dưỡng. Cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ các cấp ủy, các đơn vị kịp thời tham mưu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ đã có đủ tiêu chuẩn nhằm tạo điều kiện để cán bộ nữ phát huy được năng lực, sở trường công tác; có chế độ, chính sách hỗ trợ để động viên kịp thời đội ngũ cán bộ nữ... Công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Do vậy, công tác cán bộ nữ phải được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ các cấp. Chỉ có quyết tâm cao, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Bộ Chính trị và thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy về công tác phụ nữ trong thực tế mới có thể nâng cao được vị thế, vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội. PHƯƠNG MINH