Vì một chữ “tâm” với nghề y
(QT) - Khác với nhiều sinh viên y khoa giỏi sau khi tốt nghiệp đại học ra trường cố gắng tìm mọi cách để bám trụ ở lại các thành phố lớn và một số bác sĩ có chuyên môn giỏi ở bệnh viện tuyến tỉnh bỏ đi nơi khác để mong tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn và nguồn thu nhập cao hơn… thì với tấm bằng thạc sĩ, bác sĩ nội trú trong tay, bác sĩ Trương Vĩnh Quý (sinh năm 1981, trú ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, Quảng Trị) có đủ tiêu chuẩn, cơ hội được “săn đón” vào làm việc ở các bệnh viện lớn ...

Vì một chữ “tâm” với nghề y

(QT) - Khác với nhiều sinh viên y khoa giỏi sau khi tốt nghiệp đại học ra trường cố gắng tìm mọi cách để bám trụ ở lại các thành phố lớn và một số bác sĩ có chuyên môn giỏi ở bệnh viện tuyến tỉnh bỏ đi nơi khác để mong tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn và nguồn thu nhập cao hơn… thì với tấm bằng thạc sĩ, bác sĩ nội trú trong tay, bác sĩ Trương Vĩnh Quý (sinh năm 1981, trú ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, Quảng Trị) có đủ tiêu chuẩn, cơ hội được “săn đón” vào làm việc ở các bệnh viện lớn trên toàn quốc, nhưng anh lại chọn cho mình con đường phục vụ quê hương.

Bác sĩ Trương Vĩnh Quý (bên phải) trong một ca phẫu thuật

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi đặc biệt khó khăn, chứng kiến nhiều cái chết thương tâm do nghèo khó, bệnh tật, người dân không có đủ điều kiện để đến các cơ sở y tế lớn chữa bệnh, Trương Vĩnh Quý đã nuôi ước mơ phấn đấu trở thành một bác sĩ giỏi để sau này về quê chữa bệnh, giúp đỡ mọi người. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế niên khóa 1999-2005 với tấm bằng loại khá, Quý xin ở lại học việc một năm không lương tại Khoa Lâm sàng Bệnh viện Trung ương Huế để tiếp tục thực hiện ước mơ thi đỗ vào học chương trình đào tạo bác sĩ nội trú 3,5 năm ngay tại bệnh viện. Những năm trước đây, thi vào học bác sĩ nội trú rất khó, mỗi năm tất cả các trường đại học y khoa trên cả nước chỉ đào tạo khoảng 20-30 bác sĩ nội trú mà thôi. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ nội trú vào tháng 10/2009, nhận thấy anh có chuyên môn giỏi, Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa anh về chỉ đạo tuyến theo Đề án 1816, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật 3 tháng cho các bác sĩ chuyên khoa ngoại ở Bệnh viện Việt Nam- Cuba Đồng Hới, và anh là bác sĩ nội trú đầu tiên của Trường Đại học Y khoa Huế sau khi tốt nghiệp vinh dự được cử đi chỉ đạo tuyến theo đề án này. Tại đây, bác sĩ Quý đã cùng với các bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam- Cuba Đồng Hới thực hành chuyển giao thành thạo 15 kỹ thuật, trong đó có 5 kỹ thuật mới lần đầu tiên triển khai ở bệnh viện này như: cắt đại tràng nội soi, mở ống mật chủ nội soi, mổ teo ruột bẩm sinh ở trẻ sơ sinh một ngày tuổi, cắt u xơ tiền liệt tuyến nội soi, nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản, được tập thể lãnh đạo bệnh viện đánh giá rất cao. Trở lại Bệnh viện Trung ương Huế vào tháng 1/2010 sau khi hoàn thành 3 tháng nhiệm vụ chỉ đạo tuyến theo Đề án 1816, bác sĩ Trương Vĩnh Quý có rất nhiều cơ hội được mời đến làm việc ở các bệnh viện lớn trong nước, nhưng anh quyết định về quê nhận công tác tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị. Là một bác sĩ, anh không quan trọng cái danh làm ở bệnh viện trung ương hay bệnh viện tuyến tỉnh, mà mục tiêu của anh là đem hết kiến thức học được góp phần chữa lành bệnh cho nhiều bệnh nhân, chăm sóc, giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau bệnh tật, giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho người dân khi phải chuyển bệnh lên tuyến trên. Từ khi về nhận công tác ở Khoa Ngoại Bệnh viện đa khoa tỉnh, anh cùng với các bác sĩ bệnh viện triển khai rất nhiều kỹ thuật mới và khó như: cắt đại tràng nội soi, cắt trực tràng nội soi (bệnh lý ung thư), cắt thận bệnh lý (u thận, thận mất chức năng), cắt khối tá tụy trong ung thư tụy (đỉnh cao kỹ thuật phẫu thuật lĩnh vực tiêu hóa), mổ chấn thương cắt gan, cắt lách… Có thể nói, cơ bản các kỹ thuật trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi ngoại tiêu hóa ở tuyến trung ương làm được thì Bệnh viện đa khoa tỉnh làm được và làm rất tốt, được bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đánh giá rất cao và an tâm khi đưa bệnh nhân đến với bệnh viện. Trong ứng xử hàng ngày, với người bệnh và thân nhân họ, anh luôn nở nụ cười trên môi, dù cho áp lực công việc có mệt nhọc đến đâu, bởi theo anh những nụ cười của các y, bác sĩ là liều thuốc tinh thần quý giá làm cho bệnh nhân cảm thấy thoải mái, yên tâm hơn, giúp họ sớm lành bệnh. Cùng với khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân, anh còn dành nhiều thời gian tập trung nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp như: năm 2010 báo cáo đề tài “Điều trị vỡ ruột bằng phương pháp phẫu thuật nội soi” tại hội nghị Ngoại khoa toàn quốc; năm 2011 báo cáo đề tài “Lấy sỏi bể thận bằng phương pháp nội soi sau phúc mạc” tại Hội nghị Mekong sante (Hội nghị Tiểu vùng sông Mê Kông)… Hiện tại, anh đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ đề tài “Nghiên cứu kết quả điều trị ung thư đại trực tràng bằng kỹ thuật nội soi”. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Bình, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh nhận xét: “Bác sĩ Trương Vĩnh Quý là một bác sĩ trẻ có chuyên môn giỏi, có tâm với nghề, tận tụy với công việc và hết lòng thương yêu bệnh nhân. Từ khi Quý về nhận công tác, Khoa Ngoại của bệnh viện có thêm nhân lực để triển khai được rất nhiều kỹ thuật mới và khó, đặc biệt là những kỹ thuật khó trong phẫu thuật nội soi, phục vụ chăm sóc, điều trị bệnh tốt hơn cho bệnh nhân. Với trình độ chuyên môn giỏi, bác sĩ Quý có rất nhiều cơ hội được mời gọi làm việc tại các bệnh viện lớn tuyến trung ương, nhưng anh lại chọn con đường về bệnh viện tỉnh làm việc, vì một chữ tâm với nghề, để phục vụ khám chữa bệnh tốt hơn cho người dân nghèo khó quê mình. Điều đó rất đáng quý, nhất là đối với những bác sĩ trẻ”. Bài, ảnh: THANH HẢI