Phát huy truyền thống, xây dựng Trường THCS & THPT Cồn Tiên phát triển vững mạnh
(QT) - Tây Gio Linh, mảnh đất gắn với nhiều địa danh lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỉ XX phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất. Chính vì nhu cầu về nguồn nhân lực để tái thiết quê hương, ngày 19/3/1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra Quyết định số 304/QĐ-UB thành lập Trường PTTH vừa học vừa làm Cồn Tiên, tiền thân của Trường THCS & THPT Cồn Tiên ngày nay. 40 năm, một chặng đường ...

Phát huy truyền thống, xây dựng Trường THCS & THPT Cồn Tiên phát triển vững mạnh

(QT) - Tây Gio Linh, mảnh đất gắn với nhiều địa danh lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỉ XX phải đối mặt với muôn vàn khó khăn để khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất. Chính vì nhu cầu về nguồn nhân lực để tái thiết quê hương, ngày 19/3/1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra Quyết định số 304/QĐ-UB thành lập Trường PTTH vừa học vừa làm Cồn Tiên, tiền thân của Trường THCS & THPT Cồn Tiên ngày nay. 40 năm, một chặng đường không phải là dài, nhưng cũng đủ để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá và ôn lại truyền thống vẻ vang, sự đóng góp trí tuệ và công sức của các thế hệ thầy trò nhà trường.

Buổi đầu cơ sở vật chất trường, lớp chưa có, phải dựa những mái nhà tranh, vách đất tạm bợ được dựng lên dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nông trường quốc doanh Cồn Tiên. Trường PTTH vừa học vừa làm Cồn Tiên vượt qua bao gian nan, vất vả, thiếu thốn để tiếp nhận 250 học sinh khóa I đến từ các xã vùng Tây Gio Linh và một số địa bàn lân cận như Vĩnh Linh, Cam Lộ, Đông Hà. Với phương thức vừa học, vừa làm, ngày ấy mỗi tuần học sinh học 6 buổi, lao động 6 buổi, kinh phí ban đầu được bao cấp 20 đồng/tháng/học sinh. Đến giai đoạn 1981 - 1982, tình hình kinh tế đất nước hết sức khó khăn, nhà nước không đủ khả năng duy trì mô hình vừa học vừa làm nội trú. Ở tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ, một số trường vừa học vừa làm thành lập một lần với Trường THPT vừa học vừa làm Cồn Tiên lần lượt giải thể. Trước khó khăn đó, đảng bộ và chính quyền địa phương, lãnh đạo Nông trường quốc doanh Cồn Tiên và lãnh đạo nhà trường đã có nhiều cuộc họp và ra quyết định dành một phần lương thực của nông trường để hỗ trợ học sinh tiếp tục tới trường. Từ đó, bên cạnh nhiệm vụ giáo dục, thầy trò nhà trường đã đảm nhận nhiệm vụ trồng cây vành đai, trồng rừng trên các tuyến đường, tham gia sản xuất cùng công nhân Nông trường quốc doanh Cồn Tiên trồng, chăm sóc cà phê, cao su; trồng chăm sóc cây xanh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn… góp phần hoàn thành mục tiêu “Trả lại màu xanh cho vành đai trắng”. Với sự đóng góp trên, nhà trường được Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục cử báo cáo thành tích và kinh nghiệm về công tác trồng cây trong trường học tại các tỉnh: Vĩnh Phú, Thái Nguyên, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; được Bộ Lâm nghiệp tặng bằng khen và tặng xe ô tô…

Cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỉ XX vì điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, quy mô nhà trường bị giảm sút chỉ còn 3 lớp, mỗi lớp một khối với tổng số gần 100 em. Nhà trường đứng trước nguy cơ giải thể, nhưng với quyết tâm duy trì bậc THPT cho vùng Tây Gio Linh và duy trì nhiệm vụ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực” ngày 21/8/1990 UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 934/ QĐ-UB cho sáp nhập Trường PTCS Cồn Tiên vào Trường PTTH vừa học vừa làm Cồn Tiên thành Trường Phổ thông cấp II, III Cồn Tiên, lúc này tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên trường là 31 người, quy mô 13 lớp, trong đó cấp III chỉ có 3 lớp. Cuối thập niên 90 thế kỉ XX, giáo dục cả nước cũng như Quảng Trị có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Do yêu cầu học tập ngày càng tăng, Sở GD&ĐT Quảng Trị ra Quyết định số 90/QĐTCCB chủ trương tách trường thành 2 đơn vị là THCS Cồn Tiên và THPT Cồn Tiên kể từ năm học 1996 - 1997.

Miệt mài học tập vì ngày mai lập thân, lập nghiệp . Ảnh: LT

Sau hơn 20 năm chia tách, thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-UBND ngày 15/6/2018 của UBND tỉnh về ban hành đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 22/8/2018 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1934/ QĐ-UBND sáp nhập Trường THCS Hải Thái vào Trường THPT Cồn Tiên thành Trường THCS&THPT Cồn Tiên. Đến nay, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Sở GD&ĐT và các ban, ngành, nhà trường đã có cơ ngơi khang trang hiện đại, đáp ứng nhu cầu giáo dục, đào tạo ở vùng Tây Gio Linh. Hiện trường có 3 dãy nhà kiên cố, 16 phòng học đạt chuẩn, thư viện được trang bị đầy đủ, 2 phòng máy vi tính, 3 phòng thực hành các bộ môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, 2 phòng giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin, phòng nghe nhìn Tiếng Anh và đầy đủ phòng làm việc của bộ phận hành chính. Nhà trường cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống camera ở những khu vực thiết yếu. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tăng cường về số lượng và chất lượng. Từ chỗ chỉ có 18 cán bộ, giáo viên ban đầu, nay có 59 cán bộ, giáo viên, nhân viên, tỉ lệ đạt chuẩn là 100%, trong đó có 3 thạc sĩ. Đội ngũ giáo viên tận tâm với nghề, không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các cuộc thi của tỉnh, của ngành tổ chức. Có 2 giáo viên đạt giải quốc gia trong cuộc thi soạn giáo án dạy học tích hợp. Nhiều giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp tỉnh và đạt nhiều giải cao, có đề tài đã được lựa chọn dự thi cấp quốc gia. Với sự nhiệt tình, tận tâm của thầy và trò, 10 năm trở lại đây tỉ lệ bình quân đỗ tốt nghiệp hằng năm khối 12 là 94,3%, có nhiều năm đỗ tốt nghiệp 100%. Từ năm 2010 đến nay, đội học sinh giỏi khối 12 cấp tỉnh đạt 98 giải cá nhân, 4 giải đồng đội thuộc các môn Toán, Tin học và Lịch sử. Tỉ lệ đỗ đại học, cao đẳng có năm đạt 55%. Qua 40 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THCS&THPT Cồn Tiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước. Đến nay, nhà trường đã đào tạo hàng nghìn học sinh tốt nghiệp ra trường. Nhiều thế hệ học trò trở thành nhà quản lí, doanh nhân kĩ sư, bác sĩ, nghệ sĩ… có mặt khắp mọi miền đất nước.

Để đáp ứng nhiệm vụ giáo dục và đào tạo trong tình hình mới, nhà trường xác định tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường. Động viên giáo viên đi học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên nòng cốt. Lấy chất lượng và hiệu quả giáo dục làm thước đo năng lực công tác, từ đó không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để mỗi cán bộ, giáo viên luôn “là một tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo”. Đồng thời tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Văn Học

Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Cồn Tiên