Hoạt động của các đại biểu tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII
(QT) - Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại tổ và hội trường. Sau đây chúng tôi xin trích một số ý kiến phát biểu của đại biểu. Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu tại hội trường

Hoạt động của các đại biểu tỉnh Quảng Trị tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII

(QT) - Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã tích cực tham gia phát biểu ý kiến tại tổ và hội trường. Sau đây chúng tôi xin trích một số ý kiến phát biểu của đại biểu.

Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu tại hội trường

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng: Một trong những bài học vừa đắt giá, vừa sâu sắc mà Chính phủ đã rút ra trong quá trình chỉ đạo điều hành đó là công tác dự báo và cảnh báo. Có thể nói công tác dự báo của chúng ta trong thời gian qua chưa được coi trọng đúng tầm, nếu không nói là xem nhẹ, tổ chức dự báo chưa chặt chẽ, tính chuyên nghiệp chưa cao, dự báo thiếu chính xác, chưa kịp thời. Có những diễn biến của sự kiện kinh tế thế giới đã qua đi từ lâu nhưng chúng ta chưa kịp thời cảnh báo, dự báo và hậu quả là tác động của nền kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế nước ta chưa chủ động có những phản ứng nhanh, linh hoạt, kịp thời. Đó là việc chúng ta dự báo chậm, thiếu chính xác về sự tăng, giảm của giá dầu thế giới, về tác động tiêu cực của thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, giá kim loại quý hiếm, giá vật tư nguyên liệu đầu vào, giá xuất khẩu đầu ra của các mặt hàng. Hoặc chúng ta dự báo thiếu chính xác về sản lượng lương thực để cân đối giữa đảm bảo an ninh lương thực với chính sách xuất khẩu nên đã quyết định ngừng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo thế giới tăng cao, làm thiệt hại cho người nông dân sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp xuất khẩu. Các dự báo khác về tỷ lệ tăng dân số, về nhu cầu nguồn nhân lực, thị trường lao động trong nước, ngoài nước, về hợp tác đầu tư, dự báo về tác động của môi trường, dự báo về giá tiêu dùng, dự báo về áp lực các phương tiện tham gia giao thông lên hạ tầng giao thông và dự báo về thiểu phát có thể xảy ra sắp tới... cũng có rất nhiều số liệu dự báo khác nhau trong cùng một lĩnh vực, khiến cho các nhà tham mưu, hoạch định chính sách thiếu tự tin trong khi xây dựng chỉ tiêu, mục tiêu và đề ra các giải pháp hữu hiệu. Hai tài liệu “Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh xu thế phát triển của kinh tế thế giới” của Trung tâm dự báo kinh tế - xã hội quốc gia và “Chuyên đề phục vụ lãnh đạo dự án tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2008” dự báo tình hình rất lạc quan, trong khi diễn biến thực tế của nền kinh tế trong nước khác xa so với dự báo. Những dự báo như trên đã làm cho các cơ quan tham mưu chiến lược, các cơ quan hoạch định chính sách đề ra những kế hoạch, chính sách, quyết định, chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp không sát thực tế và phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm và dài hạn. Như vậy có thể nói công tác dự báo vừa là nguyên nhân vừa là bài học sâu sắc, đắt giá cho chúng ta trong thời gian vừa qua và trong tương lai. Đại biểu Lê Như Tiến đề xuất, nên chăng, Quốc hội cần có một trung tâm dự báo chiến lược đủ mạnh để giúp cho các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội trước khi quyết định các vấn đề quan trọng, dân sinh của đất nước. Trước đó, đại biểu Ly Kiều Vân đã tham gia phát biểu thảo luận về dự án Luật Công nghệ cao. Đại biểu Ly Kiều Vân cho rằng dự thảo luật chỉ có 34 điều nhưng đã giao cho Chính phủ hướng dẫn thi hành đến 9 điều như vậy là không phù hợp. Về bố cục của dự thảo luật tại Chương II và Chương III cần nghiên cứu và gộp lại thành một chương, vì thực chất nội dung của hai chương này cũng nhằm phát triển công nghệ cao; Cần quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghệ cao; Về những hành vi bị nghiêm cấm quy định như dự thảo là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm một khoản quy định các hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động công nghệ cao; Dự thảo luật quy định khuyến khích giảng viên, cán bộ nghiên cứu, sinh viên của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo tham gia hoạt động công nghệ cao thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp công nghệ cao là chưa phù hợp với quy định của dự thảo Luật Cán bộ công chức... Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Cán bộ, công chức, đại biểu Phạm Đức Châu đã tham gia phát biểu ý kiến về 5 vấn đề cụ thể. Thứ nhất, về quyền, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, đại biểu nhất trí rất cao cần có một điều riêng quy định quyền, nghĩa vụ cho người đứng đầu cơ quan, điều này rất cần thiết. Thứ hai, đối với cán bộ, công chức cấp xã có nhiều ý kiến phát biểu rất tâm huyết, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại. Cần thiết phải quy định cán bộ, công chức cấp xã như mọi cán bộ, công chức khác, họ không có lỗi gì khi họ chỉ ở xã. Mặc dù hiện nay vẫn biết đội ngũ đó chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng trong tương lai bắt buộc chúng ta phải hoàn chỉnh hệ thống này, chắc chắn họ phải đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh như mọi cán bộ, công chức khác, không thể ghi một câu "chỉ ưu tiên trong xét tuyển" để dành cho họ. Đặc biệt đối với cán bộ thì quy định chung nhưng riêng cấp xã quy định hẳn mấy chức danh công chức là không cần thiết, chức danh công chức cấp xã nên giao Chính phủ quy định. Thứ ba, trong khái niệm về cán bộ là ủy viên Ủy ban các cấp tỉnh, huyện không nên đưa vào là cán bộ, bởi vì thực chất họ chỉ tham gia Ủy ban, chức danh chính của họ thông thường là Giám đốc các Sở hoặc trưởng công an, quân sự. Thứ tư, đối với chế độ nghỉ hưu quy định không thống nhất. Quy định nghỉ hưu cho công chức thì có quy định cả thời hạn thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu, còn đối với cán bộ thì không. Nên có quy định chung thống nhất về thời hạn thông báo nghỉ hưu và quyết định nghỉ hưu. Cuối cùng là về thời hiệu xử lý kỷ luật theo Ban soạn thảo đã giải trình là 12 tháng là chưa phù hợp, bởi vi phạm của cán bộ, công chức trong hoạt động công vụ và đặc biệt trong quản lý Nhà nước thì không phải phát hiện được ngay. Có những vi vi phạm từ rất lâu, sau này qua khiếu nại, tố cáo, qua thanh tra mới phát hiện ra được. Cần phải xác định đối với quản lý Nhà nước, đặc biệt đối với cán bộ, công chức thì dù anh vi phạm khi nào, nhưng khi phát hiện thì lúc đó mới xử lý để bảo đảm tính nghiêm túc trong hoạt động của công chức, công vụ. Phạm Hồng Nam (tổng hợp)