Tản mạn quanh...cái điều khiển từ xa
(QT) - Trong cuộc đời làm báo của tôi, một trong những thời khắc xúc động nhất có lẽ là lần đầu tiên được nghe một nhạc hiệu sâu lắng, gần gũi, cuộn trong giai điệu thôi thúc của bản nhạc “Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng”, cùng với lời xướng đầy quả quyết, đầy tự hào: “Đây là Đài Phát thanh Quảng Trị”!
 |
Ăng ten phát sóng của Đài PT- TH Quảng Trị - Ảnh: PV |
Đó là thời khắc không bao giờ quên: 5 giờ 30 phút ngày 1/7/1989, ngày đầu tiên tỉnh Quảng Trị lập lại, Đài Phát thanh Quảng Trị, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị chính thức phát sóng, truyền đi chương trình chào mừng sự kiện trọng đại của tỉnh Quảng Trị. Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Quảng Trị đã bật khóc, trào dâng niềm vui vô bờ bến khi nghe tiếng nói của mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị, qua bao năm xa vắng, giờ lại được cất lên đầm ấm như những lời trò chuyện thân tình. Vậy là từ đây, Quảng Trị đã trở về với vị trí vốn có của một tỉnh sau bao biến cố thăng trầm của lịch sử. Và Đài Phát thanh Quảng Trị đã cất lên, đồng hành với công cuộc xây dựng và phát triển của đất và người miền gió Lào cát trắng trong hành trình đi đến tương lai. Trong sổ tay công tác của tôi cũng có ghi rõ rằng, ngày 17/11/1992, UBND tỉnh có Quyết định số 701/QĐ-UB về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của Đài Phát thanh- Truyền hình (PT-TH) Quảng Trị trên cơ sở Đài Phát thanh hiện có. Và với chỉ một số thiết bị ít ỏi gồm 1 camera M1000, một số đầu video Shap 790 cùng một máy phát sóng 1 kW và 4 trạm phát lại, Đài PT-TH Quảng Trị quyết định sản xuất một chương trình chào xuân mới, với sự giúp đỡ tận tình của những đồng nghiệp Đài Truyền hình Huế. Chương trình bao gồm lời chúc mừng năm mới của lãnh đạo tỉnh và một phóng sự phản ánh những thành tựu nổi bật sau ba năm lập lại tỉnh. Có thể xem chương trình truyền hình chào xuân Quý Dậu (năm 1993) được phát vào thời khắc giao thừa năm ấy là chương trình truyền hình chính thức đầu tiên của Đài PT-TH Quảng Trị. Sở dĩ tôi nhắc lại có phần chi tiết “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” cũng bởi một điều là cho đến bây giờ, Đài PT-TH Quảng Trị đã có bước trưởng thành vượt bậc và vẫn là người bạn thủy chung, gần gũi thân thiết với tôi dù từ khá lâu, đặt bên cạnh ti vi của tôi là một cái điều khiển từ xa! Xung quanh cái điều khiển từ xa nói lên điều gì? Đã qua rồi những năm tháng rất dài, cả gia đình và bà con lối xóm đêm đêm dán mắt vào màn hình ti vi đen trắng trong tâm trạng nhấp nhổm không yên. Không yên vì lo chương trình kết thúc (thời lượng phát sóng chỉ chừng đó); lo không bắt được tín hiệu (ăng ten tự tạo dựng cao vút phía trước hiên nhà nhưng thấp hơn nhiều so với cây cối trong vườn); lo chuyển từ kênh này sang kênh khác (chuyển kênh bằng tay, mà chỉ với hai ba kênh ít ỏi, người xem không có sự lựa chọn nào khác)... Hiện thời, các chương trình truyền hình, với những tính năng truyền dẫn hiện đại đã len lỏi vào tận trong mỗi căn nhà, phát sóng hàng chục kênh, liên tục 24/24 giờ. Trợ thủ với nó là chiếc điều khiển từ xa quá tiện lợi và hữu dụng. Nhà tôi dùng truyền hình cáp, chỉ có 66 kênh, nhưng như vậy, mỗi lần xem, chỉ dạo quanh một vòng điểm danh tất cả các kênh cũng đã chóng mặt rồi, dù chỉ ngồi một chỗ, vừa uống trà vừa... bấm! Lúc bấy giờ, cái điều khiển từ xa không còn là vật dụng vô tri vô giác nữa, mà chính là công cụ của sự lựa chọn của con người, làm theo và thể hiện sự lựa chọn của con người. Đối với đông đảo bạn xem truyền hình, các kênh chính của Đài Truyền hình Việt Nam vẫn luôn là sự lựa chọn số một bởi ở đó, thông tin vừa nhanh chóng, chính xác, lại có chức năng định hướng dư luận xã hội rất tin cậy, được làm ra bởi một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ cao, tâm huyết, trách nhiệm và cẩn trọng. Bên cạnh đó, giới trẻ vẫn tìm được sự chia sẻ qua các kênh chuyên về thể thao, giải trí, thời trang; từ giới nghiên cứu khoa học, doanh nhân đến những người quan tâm lĩnh vực ẩm thực, nghề nông, lập thân, lập nghiệp, chính sách, pháp luật... đều có thể tìm được cho mình những chương trình tâm đắc trên sóng truyền hình. Thông thường, khi không muốn xem một chương trình truyền hình nào đó, bạn chỉ cần một thao tác quá đơn giản trên cái điều khiển từ xa là sẽ được chuyển kênh ngay lập tức. Nhà báo lão thành Phan Quang trong tác phẩm “Truyền thông hai chiều và sức ép thời gian” đã có nhận định xác đáng rằng: “Sự tiện dụng khuyến khích ta luôn thay đổi kênh. Thay đổi là bác bỏ. Thay đổi là lựa chọn. Lựa chọn mà không phải tiêu hao thêm năng lượng. Người làm truyền hình không còn nữa ưu thế áp đặt chương trình cho người xem...”. Trong xu thế “tiện dụng” như vậy, cái điều khiển từ xa đi kèm với chiếc ti vi trong nhà tôi lại luôn hướng đầu dò tín hiệu về các chương trình của Đài PT-TH Quảng Trị. Người ta thường nói, thông tin là thông điệp giữa người gửi đến người nhận. Tôi luôn chờ các thông điệp gần gũi và tin cậy đó từ các chương trình của Đài tỉnh trong các khung giờ phát sóng.
 |
Hoạt động nghiệp vụ tại Đài PT- TH Quảng Trị - Ảnh: PV |
Là một fan hâm mộ của Đài PT-TH Quảng Trị nên vào những thời khắc khởi đầu một năm mới, tôi luôn chờ đợi ở Đài có một sự thay đổi theo hướng mạnh dần lên, chất lượng hơn, phong phú hơn, hấp dẫn hơn, hay hơn, trúng hơn. Tôi vẫn nhớ rất rõ rằng, từ ngày 1/1/2007, chương trình truyền hình Quảng Trị gồm 3 chương trình trưa, chiều, tối với tổng thời lượng 7 giờ, phát sóng vào các ngày trong tuần; từ ngày 1/1/2009 tăng lên 12 giờ một ngày. Ngoài các chương trình thời sự cập nhật khá nhanh nhạy, biên tập kỹ, khuôn hình đẹp, nêu đúng và trúng vấn đề, thì các chuyên mục Xây dựng Đảng, Giao lưu- Đối thoại, Mỗi tuần một chuyện... có chất lượng khá, thu hút được đông đảo người xem đài trong tỉnh. Bên cạnh đó, các chương trình nghệ thuật, sử thi hoành tráng của các đài truyền hình trung ương, khu vực thực hiện tại Quảng Trị hoặc lấy bối cảnh của Quảng Trị nhân các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình, sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của cán bộ, phóng viên, biên tập viên Đài PT-TH Quảng Trị, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp cả nước. Tuy nhiên, chương trình của một đài truyền hình địa phương còn nhiều khó khăn như Quảng Trị, dù cố gắng hết sức lớn, vẫn không thể “đua chen” trên sóng với những đài truyền hình hùng hậu về tài chính và nhân lực, dồi dào kinh nghiệm và các kỹ năng chuyên nghiệp, diện phủ sóng lớn và sức lan tỏa rộng khắp. Biết vậy nhưng bạn xem đài vẫn chung thủy dõi theo và đặt kỳ vọng ở Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị có những bước phát triển thích ứng và hiệu quả, tự tin và chững chạc trên lối đi riêng của mình. Đó là từng bước xây dựng và phát triển các chương trình mang đặc trưng của vùng đất và con người Quảng Trị; bám sát và phản ánh một cách sống động từng hơi thở của cuộc sống dẫu còn vất vả, khó nhọc nhưng luôn tươi rói một niềm tin vào tương lai của quê hương, đất nước. Để không phụ lòng của bạn xem đài, không còn cách nào khác, Đài PT-TH Quảng Trị phải tự xây dựng cho mình một thương hiệu, một phong cách đặc thù, độc đáo trong các chương trình để không thể “mờ nhòa” trong tầng tầng, lớp lớp các kênh truyền hình đang phát sóng. Muốn vậy trước hết tư liệu đài đưa ra phải chính xác; đề tài phải mới mẻ, hấp dẫn; đúng định hướng tuyên truyền mà vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận và khi phát sóng, được dư luận thừa nhận về tính hấp dẫn, xác thực. Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, xin được tâm sự chân thành đôi điều về suy nghĩ của một người xem đài đối với đài truyền hình của tỉnh mình. Xin được chia sẻ rằng, bao giờ cũng vậy, mỗi buổi tối, sau chương trình của đài truyền hình quốc gia, tôi lại hướng điều khiển từ xa dò tìm tín hiệu của Đài PT-TH Quảng Trị. Sự lựa chọn nào cũng bao hàm cả tình cảm trìu mến, trân trọng, tin tưởng, gửi gắm và kỳ vọng trong đó. THẢO TÂM