(SK&ĐS) - Đã qua lâu rồi thời kỳ nói đến HIV là chỉ nghĩ đến những người tình dục đồng giới và những người nghiện ma túy. Ngày nay sự lây nhiễm có thể xảy ra ở mọi đối tượng và đặc biệt có xu hướng nữ hóa.
Hiện có khoảng 42 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong số đó nữ cũng bị nhiễm nhiều như nam. Những nguy cơ lây nhiễm trong quan hệ tình dục khác giới ở nữ cũng cao hơn nam rõ rệt do tính chất dễ tổn thương liên quan đến những đặc thù sau: lượng HIV tập trung trong tinh dịch cao nhiều so với lượng HIV có trong dịch âm đạo; cổ tử cung có lớp tế bào bề mặt dễ bong trợt nhất là khi đang hành kinh, khi bị nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay khi có các đụng chạm gây tổn thương nhỏ; lớp niêm mạc bề mặt của cổ tử cung và âm đạo phơi nhiễm nhiều hơn với HIV và tinh dịch cũng ứ đọng nhiều giờ trong âm đạo.
Nữ có những nguy cơ đặc thù: Nhiễm HIV ở phụ nữ đi kèm với những nguy cơ liên quan đến phụ khoa cần được theo dõi chặt chẽ. Khoảng 20-40% những phụ nữ HIV + có tổn thương ở cổ tử cung và có thể tiến triển thành ung thư trong khi ở những phụ nữ không có HIV chỉ có 3% bị những tổn thương này. Hơn nữa những tổn thương tiền ung thư này (loạn sản) lại càng dễ xảy ra khi có suy giảm miễn dịch và ít có chiều hướng khỏi tự nhiên ở những phụ nữ HIV+ (20% khỏi tự nhiên ở phụ nữ HIV+ so với 60% phụ nữ không có HIV).
Phần lớn những nguy cơ là do nhiễm virut gây u sùi. Ở những phụ nữ bị suy giảm miễn dịch nặng thì không có chỉ định điều trị tại chỗ bằng phương pháp khoét chóp (cắt bỏ phần mô bệnh ở cổ tử cung) nhưng liệu pháp chống virut bằng thuốc có hiệu quả có thể giúp phục hồi được khả năng miễn dịch và thường làm cho tổn thương biến mất. Nếu kết hợp 3 liệu pháp thì những tổn thương khỏi tự nhiên cao hơn gấp đôi. Nguy cơ ung thư cổ tử cung và nhiễm khuẩn khiến các thầy thuốc khuyến cáo những phụ nữ có HIV+ cần đi khám phụ khoa và làm phiến đồ tế bào âm đạo 6 tháng 1 lần.
Nữ được quan tâm chữa trị muộn: Theo những khảo sát ở Pháp, những người nhiễm HIV từ quan hệ tình dục khác giới ít được phát hiện sớm (61% phát hiện nhiễm HIV khi đã bắt đầu có biểu hiện AIDS so với những người thực hành tình dục đồng giới 44% và những người tiêm chích ma tuý 17%), nhiều nhất nhưng lại không được chữa trị ngay từ trước khi phát triển thành AIDS (56% so với 52% ở những người tình dục đồng giới và 46% ở những người tiêm chích ma tuý). Trong kiểu thực hành tình dục phổ biến nhất này số nữ không được phát hiện sớm nhiều hơn nam (45% so với 34%), không được tiếp cận với điều trị từ trước giai đoạn phát triển thành AIDS cũng nhiều hơn (47% so với 42%). Chính những người thực hành tình dục khác giới mới là nhóm dân số ít nhận được thông tin và thiếu cảnh giác với bệnh lây truyền qua đường tình dục trong đó có HIV.
Sự thay đổi quan trọng về thái độ điều trị là sự cần thiết phải tiến hành sớm hơn, trước khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên để phòng ngừa sự tiến triển đến AIDS.
Nữ chịu ảnh hưởng của hormon: Chưa có nhiều nghiên cứu về những đặc điểm của nhiễm HIV và những liệu pháp mà nữ sử dụng nhưng những dữ liệu thu được cho thấy AIDS phát triển sau một thời gian tương tự ở cả nam và nữ mặc dầu trong những năm đầu sau khi bị nhiễm nữ có lượng HIV thấp hơn và số tế bào lympho CD4 cao hơn. Sự khác biệt này giữa nam và nữ có thể liên quan đến hormon giới ở nữ.
HIV sinh sôi nhanh nhiều trong cơ thể có vai trò quan trọng đến sự phát triển các triệu chứng suy giảm khả năng miễn dịch. Dù phụ nữ sau khi bị nhiễm HIV có ít virut trong máu hơn so với nam giới nhưng sự tiến triển nhanh đến AIDS lại không có gì khác nhau mặc dầu nhiều năm trước đây người ta cho rằng người nào càng có nhiều virut trong máu thì nguy cơ tiến triển đến AIDS càng lớn.
Nữ dung nạp thuốc kém hơn: Có rất ít dữ liệu về liều lượng thuốc chống virut dành cho những phụ nữ có HIV+. Còn nhiều khu vực chưa sáng tỏ và cần được nghiên cứu, ví dụ như tác động qua lại với chu kỳ hormon, với các thuốc tránh thai uống, liệu pháp hormon thay thế... Liều lượng cho nữ thì được suy diễn dựa trên liều cho nam, đôi khi không thích hợp. So với nam, phụ nữ dễ có nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc chống virut hơn.
Nữ không có vũ khí để tự bảo vệ: Phụ nữ ở nhiều nước vẫn phụ thuộc vào thiện chí của nam để bảo vệ vì chỉ có bao cao su cho nam. Từ khi có bao cao su cho nữ nhưng vẫn có nhiều trở ngại, thiếu vận động tuyên truyền (hầu như không có sự quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng), hệ thống phân phối chưa hợp lý (dựa vào các cửa hàng thuốc không đem lại hiệu quả) và nhất là quá đắt so với giá bao cao su cho nam (gấp hơn 10 lần). Vấn đề còn lại là nâng cao hiểu biết về nguy cơ nhiễm HIV cho nữ: Cần dám nói không với hành vi tình dục không an toàn, làm sao để phụ nữ có khả năng độc lập kinh tế, chủ động và tự tin hơn.
Nữ không được quan tâm trong các nghiên cứu: Từ lâu, phụ nữ đã không được xét đến với tư cách là tác nhân trung gian lây nhiễm HIV, nhất là khi có thai. Một số lớn thử nghiệm điều trị cũng không nhằm vào nữ, phụ nữ chỉ tham gia vào 18% các thử nghiệm điều trị trên lâm sàng. Cả hai giới đều nhạy cảm như nhau với các thuốc chống virut nhưng tác dụng phụ lại khác nhau. Phụ nữ chịu đựng hậu quả của thuốc nặng nề hơn nam đến 7 lần: Loạn dưỡng mỡ (gây nam tính hóa về vóc dáng), tăng glycerid, insulin và mất cân bằng về tỷ lệ cholesterol xấu và tốt tạo thuận lợi cho sự phát triển các bệnh tiểu đường và tim mạch. Thật sự thiếu những nghiên cứu về tác dụng phụ, về liều lượng thích hợp cho nữ... Ngạc nhiên hơn nữa là một nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc đối với bệnh loãng xương lại không có bệnh nhân nào là nữ.
BS. Đào Xuân Dũng