(QT) - Nhằm khai thác lợi thế của Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và vị thế khu kinh tế cửa khẩu, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chú trọng phát triển thương mại-dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình ngành nghề, dịch vụ kinh doanh. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ hàng hóa. Đẩy mạnh hợp tác kinh tế và phát triển mậu dịch khu vực biên giới bằng các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa với nước bạn Lào và các nước trên trục đường xuyên Á. Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống chợ ở các xã, trung tâm cụm xã; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và khuyến khích nhân dân mở rộng các loại hình dịch vụ; không ngừng phát triển mạng lưới thương mại ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Đến nay, toàn huyện có 2 chợ trung tâm gồm chợ thị trấn Khe Sanh và Trung tâm thương mại Lao Bảo; 3 chợ khu vực gồm chợ khu vực xã Thuận, Tân Long, Hướng Phùng; 2 chợ nông thôn gồm chợ Tân Lập, Tân Liên; hơn 100 công ty, doanh nghiệp, chi nhánh kinh doanh hoạt động trên lĩnh vực thương mại-dịch vụ; 4 HTX thương mại-dịch vụ và 2.700 hộ kinh doanh thương nghiệp cá thể. 6 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn huyện đạt 1.051,8 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài hoạt động kinh doanh thương mại tại các chợ trung tâm, huyện đã phối hợp tổ chức Hội chợ thương mại hàng tiêu dùng Khe Sanh, thu hút khoảng 30.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh thu ước đạt 1 tỷ đồng. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại được địa phương quan tâm thực hiện, từ đó góp phần bình ổn giá, thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ ở Hướng Hóa phát triển sôi động trước hết là nhờ có lợi thế nằm trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Đây chính là cửa ngõ giao thương buôn bán giữa Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan, Mianma qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, với 7 xã, thị trấn nằm dọc theo Quốc lộ 9, nơi mà người dân có thể phát triển nhiều loại hình kinh doanh thương mại. Nhờ đó, Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo đã thu hút trên 45.000 người dân đến làm ăn, sinh sống, 425 doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh và hơn 3.000 hộ kinh doanh cá thể. Ngoài ra còn có 30 phương án kinh doanh thương mại, dịch vụ được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.200 tỷ đồng. Các dự án đầu tư và phương án kinh doanh dịch vụ đã giải quyết việc làm cho gần 4.500 lao động trực tiếp chủ yếu là cư dân địa phương và gần 500 lao động gián tiếp khác ở các văn phòng đại diện trong và ngoài nước. Với hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng miễn thuế, khách sạn, nhà hàng, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải đã chiếm tỷ trọng 65% tổng giá trị sản xuất các ngành. Khu KTTMĐB Lao Bảo đã thể hiện được đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh, cả nước và một số nước trong khu vực. Hoạt động xuất nhập cảnh (XNC) và dịch vụ du lịch có nhiều chuyển biến tích cực với lưu lượng khách du lịch đạt bình quân 145%/ năm. Bên cạnh các phương tiện XNC qua cửa khẩu Lao Bảo, số lượt phương tiện vào ra Khu KTTMĐB Lao Bảo qua cổng B cũng tăng, thúc đẩy tăng trưởng về kim ngạch, số lượt người và phương tiện qua cửa khẩu Lao Bảo chiếm khoảng 1/2 kim ngạch XNK của Việt Nam với Lào. Bên cạnh những tác động tích cực và hiệu quả từ Khu KTTMĐB Lao Bảo đối với hoạt động thương mại, dịch vụ ở Hướng Hóa, thời gian qua trên địa bàn huyện đã có nhiều loại hình ngành nghề phát triển mạnh như chế biến mủ cao su, tinh bột sắn, giày da, may mặc, nước giải khát, gạch tuy nen... Đó chính là tiền đề quan trọng để Hướng Hóa khai thác và tạo bước đột phá cho lĩnh vực thương mại-dịch vụ nhằm đạt được mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 tổng giá trị kinh doanh thương mại đạt 3.900 tỷ đồng (tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 9-10%). Để đạt được mục tiêu đó, huyện Hướng Hóa có chủ trương huy động nguồn vốn để tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng trên lĩnh vực thương mại- dịch vụ. Cụ thể là nâng cấp chợ Khe Sanh với diện tích chợ 2.200 m2; nâng cấp chợ Tân Long với diện tích 500 m2 (chợ Tân Long dành cho việc buôn bán nông sản) và đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng để xây dựng mới chợ nông thôn Tân Liên (địa điểm xây dựng tại thôn Duy Hòa) với diện tích 807 m2; đầu tư xây dựng mới chợ nông thôn A Túc (địa điểm xây dựng tại bản Kỳ Nơi) với diện tích 1.200 m2 và xây dựng mới chợ nông thôn Hướng Lập (địa điểm xây dựng tại bản A Xóc) với diện tích 800 m2. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân có những vị trí kinh doanh thuận lợi để mở thêm quầy bán hàng thương nghiệp, bán hàng lưu niệm và cơ sở dịch vụ... Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất, nguồn vốn, công nghệ để sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm nông-lâm sản trên địa bàn huyện. Phấn đấu không để bất kỳ thôn, bản nào của huyện “trắng” về hoạt động thương mại- dịch vụ, từ đó tạo ra bước đột phá trên lĩnh vực thương mại- dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn. T. NGUYÊN