Bâng khuâng nhớ biển
(QT Xuân) - Không biết có duyên nợ gì không mà lần đầu tiên tôi ra đảo Cồn Cỏ cũng chính là lúc đảo đón nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trên con tàu 0601 của Hải đội 2, Biên phòng Quảng Trị. Thuở đất nước còn chia cắt hai miền, ai từng sống, chiến đấu, công tác nơi tuyến lửa Quảng Trị chắc cũng hơn một lần được nghe những câu thơ nồng hậu tình đất, tình người: “Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe/ Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở/ Ta cúi hôn từng cụm lá chua me/ Ta chung thủy với cha ta ngàn đêm ...

Bâng khuâng nhớ biển

(QT Xuân) - Không biết có duyên nợ gì không mà lần đầu tiên tôi ra đảo Cồn Cỏ cũng chính là lúc đảo đón nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trên con tàu 0601 của Hải đội 2, Biên phòng Quảng Trị. Thuở đất nước còn chia cắt hai miền, ai từng sống, chiến đấu, công tác nơi tuyến lửa Quảng Trị chắc cũng hơn một lần được nghe những câu thơ nồng hậu tình đất, tình người: “ Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe/ Đôi bờ phì nhiêu phập phồng ngực thở/ Ta cúi hôn từng cụm lá chua me/ Ta chung thủy với cha ta ngàn đêm gian khổ… ” và những vần thơ hào sảng, rạo rực trước trận công đồn: “ Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh/ Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe …”. Đó là tiếng lòng của Vũ Ngàn Chi, bút danh chiến trường của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh ký thác riêng cho Quảng Trị, nơi ông nhận là quê hương thứ hai của mình.

Giữa biển trời Tổ quốc

Ra Cồn Cỏ lần đó, Phạm Ngọc Cảnh khai sáng tôi bằng những hiểu biết sâu rộng và thâm hậu về hòn đảo nhỏ thân thương này. Những chi tiết chắp nối trong câu chuyện giữa ông, tôi và mọi người trên đảo sau dịp ấy xuất hiện ấm áp và linh diệu trong bút ký “Hồn xanh đảo cỏ” ông viết xong vào tháng 3 năm 2002. Về sự nên vóc nên hài của đảo Cồn Cỏ, Phạm Ngọc Cảnh có sự lý giải rất nên thơ: “Ông Trời gánh đất đắp bền chắc đất Minh Linh (tên cổ của miền Vĩnh Linh, Gio Linh). Đất đá gánh về nặng quá. Đòn triêng gãy. Đất đá tụt xuống. Một đầu gánh đất thành đồi 74 ở mé ga Sa Lung bây giờ. Đầu kia văng mạnh ra ngoài biển. Nổi giữa trùng khơi một cồn xanh đảo đá. Cỏ mọc nhanh. Biếc xanh tên gọi muôn đời”. Cồn Cỏ dưới tầm nghĩ của ông còn là nơi hội tụ sự linh thiêng, hào hoa và vững chãi muôn đời: “Cồn Cỏ là tâm Phật từ bi hạ xuống làm nơi neo đậu tránh mưa, tránh bão của thuyền chài. Khi biển Bắc, biển Đông dồn dập nổi mòi (sóng bạc đầu), khi nền trời hạ xuống mà phơi mặt bủng da chì là thuyền cá “bên ni Tùng Luật, bên tê Cát Sơn” ghé nôốc, neo thuyền vào đảo đá mà núp tránh. Cồn Cỏ là đảo lửa. Chỉ có dăm năm của nửa cuối thập kỷ sáu mươi trong thế kỷ trước mà đá, mà cỏ cây lẫm liệt chí anh hùng. Rồi từ đó sóng đảo vỗ vào tâm thức Việt Nam cái nhịp ngưỡng mộ đến muôn năm. Muôn năm câu thơ của Bác Hồ khen ngợi: “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận. Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”…

Phía ấy là đất liền

Xin được hầu chuyện cùng ông, tưởng như đã thỏa mãn những truyền kỳ lấp lánh về một “chấm xanh thương mến” giữa đại dương này khi được ông ưu ái “cầm tay chỉ việc”, nhưng khi đọc “Hồn xanh đảo cỏ”, những câu văn cứ khôn nguôi dội vào lòng ngực, chộn rộn và thao thức về những dự cảm tốt lành: “Đến năm cuối của thế kỷ XX, Cồn Cỏ có một đồn biên phòng trấn ngự. Trong cổ sử địa chí nghìn triệu năm, sự kiện lập đồn biên phòng là dấu chấm thời gian rất nhỏ. Nhưng là chấm nhỏ bản lề. Đá rồi cũng sẽ mềm ra vì đảo đá sẽ mềm mại sự sống sinh sôi…Ngày 9 tháng 3 năm 2002 này sẽ có lễ động thổ dựng “làng” trên đảo. Cái xẻng thiêng liêng sẽ cắm phập vào đất đá. Không phải để đào chiến hào, công sự. Lần này, lưỡi xẻng chớm gặp màu tương lai…”. Dự phóng của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh về mai sau Cồn Cỏ đang dần trở thành hiện thực, như nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng nhận định: “Ở những nghệ sĩ tài năng, khát vọng sống mãnh liệt nhiều khi kết tinh thành sức linh cảm về tương lai…”. Có thể nói, Phạm Ngọc Cảnh là nhà thơ có sự nhớ sâu đằm nhất trong số những người hay bâng khuâng “nhớ biển Quảng Trị”. Ở một sự nhớ biển khác, người ta thường nhắc đến “Ký sự miền đất lửa” của đồng tác giả Vũ Kỳ Lân và Nguyễn Sinh viết từ hơn 45 năm trước về “hành trình máu” Vịnh Mốc- Cồn Cỏ, Cửa Tùng- Cồn Cỏ, Vĩnh Linh- Cồn Cỏ... “Hàng ngàn tấn vũ khí, kể cả pháo 75, cao xạ 37 ly, lương thực, vật dụng đã được những chiếc thuyền gỗ chạy bằng buồm, chèo tay đơn sơ chở từ đất liền ra, đủ cho các chiến sĩ ngoài đảo sống không đến nỗi thiếu thốn và chiến đấu liên tục hàng hai, ba năm. Nhưng cái giá của mỗi viên đạn, mỗi hạt gạo đều phải tính bằng máu...”. Từ khi Cồn Cỏ trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc XHCN, hậu phương lớn vững chắc của tiền tuyến lớn miền Nam, đế quốc Mỹ đã tập trung cả không quân và hải quân bao vây đánh phá, dội hàng ngàn tấn bom đạn các loại xuống hòn đảo nhỏ này. Cứ mỗi héc ta đất Cồn Cỏ hứng chịu trên 22,6 tấn, mỗi cán bộ, chiến sĩ đội trên mình 39,2 tấn bom đạn. Có những ngày 28 lần địch tập kích bằng đường không; có những đêm địch pháo kích liên tục; có những thời điểm địch dùng tàu chiến bao vây đảo suốt cả tuần liền. Suốt gần 1.500 ngày đêm Cồn Cỏ đã sống và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù. Bởi vậy, Bộ chỉ huy chọn ban đêm mới ra tiếp tế cho đảo. Cứ 18 giờ tập trung làm công tác chuẩn bị, 21-22 giờ xuất phát. Nhưng từng đoàn tàu của ta đến với đảo Cồn Cỏ bị quân địch phục kích liên hồi, suốt tháng, suốt năm. “Cụ Mò ở Vĩnh Thạch, cả nhà ba cha con cùng đi đảo. Tháng 6/1965 hai người con của cụ là anh Tỷ và anh Triêm cùng đi một chuyến. Gặp tàu địch, anh Tỷ hy sinh. Thuyền anh Triêm bị bắn chìm nhưng anh bơi được vào bờ. Cụ Mò đau khổ vì mất con trai nhưng sau đó cụ lên xã xin đi thay con...”. “Ký sự miền đất lửa” đã kể lại như vậy. Ông Lê Văn Ban lại là trường hợp đặc biệt khác. Cuộc hành hải đầy máu và thấm đẫm chất bi hùng ngày đó gắn với tên tuổi người anh hùng Lê Văn Ban (Tùng Luật, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh). Suốt những năm tháng chống Mỹ cứu nước, chỉ một mái chèo, một con thuyền nhỏ, một mảnh buồm đơn sơ, cùng bao đồng đội, đồng chí, ông Lê Văn Ban đã vạch một hải trình cảm tử với nơi xuất phát là Vĩnh Linh, đích đến là đảo Cồn Cỏ, giữa bốn bề thủy lôi, bom đạn ngút trời. Tàu của ta không thể đến được đảo Cồn Cỏ để tiếp tế lương thực, đạn dược vì Hạm đội Mỹ canh chừng rất ráo riết. Không bom đạn nào có thể ngăn ông cùng đồng đội dong buồm chở đạn dược, gạo nước ra với Cồn Cỏ. Địch đánh ngày, đi đêm; đánh đêm, đi ngày. Địch đánh tan thuyền, ông ôm tấm ván lênh đênh trên biển hàng tuần liền, súng vẫn quàng vai, mái chèo vẫn nắm chặt trong tay. Vào đến bờ, ông Ban để nguyên bộ dạng, đi thẳng lên ủy ban xã xin đi chuyến nữa. Chiến công của anh hùng Lê Văn Ban gắn với biểu tượng mái chèo gỗ huyền thoại, người mà sau này đã từng có câu nói xuất thần với cựu chiến binh, phi công Mỹ William A.Berry khi ông đến tham quan Bảo tàng Vịnh Mốc: “Mái chèo này ngày xưa dùng để đánh giặc, bây giờ dùng để nuôi vợ, nuôi con. Hồi chiến tranh ông có bay tới vùng này ném bom thì chắc biết mặt tôi!”. Tại bờ biển thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh bây giờ đã hiện diện uy nghiêm công trình Bia tưởng niệm liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp tế đảo Cồn Cỏ trong kháng chiến chống Mỹ. Công trình được xây dựng trên diện tích gần 500 m2, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, với hình dáng hai cánh buồm mở rộng hướng về biển, khắc hai dòng chữ lớn “Tất cả vì Cồn Cỏ thân yêu” và “Đất liền còn, Cồn Cỏ còn”. Tượng đài được dựng lên với rất nhiều nhắc nhở, không ai và không điều gì bị lãng quên. Cuộc sống là sự tiếp nối liền mạch giữa quá khứ đau thương và hào hùng, hiện thực sống động và bền vững; tương lai tươi sáng và ngập tràn hy vọng. Một điều rất đáng tự hào là những làng quê nơi thềm biển Quảng Trị, những dãi đất dọc theo những miền chân sóng từ Ô Lâu đến Nhị Hồ luôn là nơi sinh thành, hun đúc nên rất nhiều người anh hùng. Nơi cuối nguồn Bến Hải là quê hương anh hùng Lê Văn Ban. Vùng đất duyên hải Đông Nam Quảng Trị, “trái tim” của Khu kinh tế Đông Nam tỉnh lại là nơi chôn rau cắt rốn của nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, lúc bấy giờ mới 24 tuổi đã là Huyện đội phó Hải Lăng, hi sinh trong khi chỉ huy một trận chống càn để bảo vệ quê hương. Ngoài khơi đó, sừng sững một Cồn Cỏ. Chưa có nơi nào trên đất nước Việt Nam, ở một địa bàn nhỏ hẹp lại lập nhiều chiến công huyền thoại, được vinh danh hai lần anh hùng và có nhiều Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như ở Cồn Cỏ. Thật vậy, với những chiến công to lớn, Cồn Cỏ đã vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì; 3 Huân chương Quân công và hàng trăm phần thưởng cao quý khác; có 6 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những ngày Biển Đông dậy sóng, bâng khuâng chuyện cũ, bâng khuâng nhớ biển và vững lòng tin từ biển biết bao lần! Bài, ảnh: ĐÀO TÂM THANH