Nhiều công nhân bị tai nạn lao động vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp
(QT) - Trong quá trình tổ chức lao động, sản xuất của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mặc dù đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất, song vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc. Trong năm 2011 đã xảy ra 28 vụ TNLĐ, trong đó có 3 vụ chết người và làm bị thương 26 người. Phần lớn các vụ TNLĐ đều được lập biên bản và người lao động bị tai nạn được điều trị ở bệnh viện, giám định thương tật và được hỗ trợ theo các quy định của nhà nước, nhằm bù đắp phần nào những ...

Nhiều công nhân bị tai nạn lao động vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp

(QT) - Trong quá trình tổ chức lao động, sản xuất của các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mặc dù đã cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất, song vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) đáng tiếc. Trong năm 2011 đã xảy ra 28 vụ TNLĐ, trong đó có 3 vụ chết người và làm bị thương 26 người. Phần lớn các vụ TNLĐ đều được lập biên bản và người lao động bị tai nạn được điều trị ở bệnh viện, giám định thương tật và được hỗ trợ theo các quy định của nhà nước, nhằm bù đắp phần nào những thiệt hại và động viên họ vươn lên trong cuộc sống. Song vẫn còn nhiều công nhân, người lao động bị tai nạn 2-3 năm nay, bị cắt danh hiệu thi đua, chịu nhiều thiệt thòi, họ đã viết đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong đơn gởi Liên đoàn lao động tỉnh, anh Nguyễn Quang Hưng, sinh năm 1971, công tác tại Công ty cổ phần đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Trị, cho biết: Ngày 31/10/2008 anh đang làm việc tại công trình xây dựng trụ sở Cục Thuế Quảng Trị, trong khi đang đổ bê tông phối cảnh thì xảy ra sự cố sập dàn giáo làm 4 người bị thương, anh Nguyễn Quang Hưng lúc đó bị tai nạn bất tỉnh được đưa cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, chẩn đoán xẹp đốt cột sống, thời gian nằm bệnh viện, bó bột 3 tháng, sau đó tiếp tục điều trị ở nhà.

Người lao động cần được quan tâm trang bị bảo hộ lao động để làm việc an toàn, hiệu quả.

Sau thời gian điều trị, đến tháng 7/2009 anh được Hội đồng giám định y khoa xếp thương tật là 33%. Anh đã gởi đơn và hồ sơ có liên quan để đơn vị nơi anh đang công tác làm các thủ tục gởi Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đề nghị được hưởng chế độ bảo hiểm nhưng BHXH tỉnh trả lời “ hồ sơ này không giải quyết”, vì nộp chậm so với quy định của Thông tư 14. Đơn của anh Hoàng Mỹ Hiền, sinh năm 1964, nghề nghiệp công nhân cầu đường, Xí nghiệp 793, thuộc Tổng công ty công trình đường sắt Hà Nội, nêu rõ: anh làm công nhân tại Xí nghiệp 793 từ năm 1982 đến nay, đã có 27 năm đóng bảo hiểm tại BHXH tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình làm nhiệm vụ thi công công trình cầu Cửa Việt vào ngày 17/10/2009, khi đang tiến hành cân chỉnh xe đúc dầm và cẩu vật tư từ dưới phao lên nóc ván khuôn (khoảng cách từ phao đến nóc là 5 m), cần cẩu do anh Lê Văn Ngọc điều khiển đã va vào bình đựng ô xy để phía trên nóc ván khuôn làm chai ô xy rơi văng xuống phía dưới, đập vào cốt thép chỗ anh Hiền đang làm việc, va vào đầu và gây tai nạn lao động cho anh Hoàng Mỹ Hiền. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, anh được đưa đi giám định y khoa, kết luận tình trạng sức khỏe suy giảm 21%. Tiếp đó Phòng Tổ chức- Hành chính của Xí nghiệp 793 đã cử cán bộ làm thủ tục để anh được hưởng các chế độ TNLĐ nhưng do công việc đột xuất nên cán bộ xí nghiệp làm hồ sơ và nộp chậm so với quy định 14 ngày. Hồ sơ của anh Hoàng Mỹ Hiền gởi đầy đủ nhưng chưa được giải quyết vì lý do nêu trên. Mới đây chúng tôi tình cờ tiếp xúc với chị Hồ Thị Ánh, sinh năm 1971, công tác tại Công ty TNHH MTV cấp nước và xây dựng Quảng Trị. Chị Ánh cho biết: Ngày 8/2/2009 trong lúc đang cùng với đơn vị thi công lắp đặt ống nước ở đường Khóa Bảo, Đông Hà thì bị TNLĐ (chị lọt chân xuống hố, gãy xương bàn chân) phải vào điều trị ở Bệnh viện tỉnh, sau đó nhiều lần vào các cơ sở điều trị ở thành phố Huế, thời gian nghỉ điều trị mất 6 tháng, nhưng chỉ được BHXH cho hưởng 1 tháng lương, lý do chị công tác dưới 15 năm nên chỉ được hưởng 1 tháng nghỉ ốm, còn lại 5 tháng không được hưởng trợ cấp gì. Mặc dù đến nay TNLĐ để lại nhiều di chứng như chân sưng, bàn chân có màu xanh, thường xuyên đau ở vùng đầu, cột sống, bị gãy xương ngón chân bên trái nhưng chị Ánh vẫn cố gắng đi làm việc để bảo đảm ngày công. Từ lúc bị tai nạn đến nay chị vẫn chưa được hướng dẫn làm các thủ tục giám định y khoa. Ngoài 3 đối tượng nêu trên còn có 2 đối tượng khác đã gởi đơn trình bày hoàn cảnh bị TNLĐ nhưng chưa được giải quyết, đó là trường hợp của thầy giáo Phan Văn Tình, công tác ở Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cam Lộ, trong giờ dạy môn Vật lý, đang thực hành thì thầy Tình bị sự cố về điện, giám định tỉ lệ thương tật 31% . Còn có một trường hợp khác là một công nhân bị TNLĐ nhưng đã mất. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Ban chính sách- pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: Theo Thông tư 10 của Bộ LĐ-TBXH thì những người bị TNLĐ nêu trên được hưởng: Trợ cấp, bồi thường về TNLĐ, hỗ trợ chi phí điều trị từ lúc bị tai nạn đến lúc ổn định. Các chi phí trên đều do đơn vị sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả. Ngoài ra theo Luật Bảo hiểm xã hội họ còn được trợ cấp về BHXH tùy theo mức độ thương tật và thời gian đóng bảo hiểm. Đối với những trường hợp bị thương tật từ 5-30% được BHXH chi trả 1 lần, trường hợp bị tai nạn thương tật từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hàng tháng. Điều đáng nói là những người bị TNLĐ nói trên không những chưa được hưởng trợ cấp BHXH mà một số trường hợp còn chưa được sự hỗ trợ, bồi thường của đơn vị sử dụng lao động. Họ chịu nhiều thiệt thòi khi bị TNLĐ, phải bỏ ra khoản tiền lớn để điều trị trong thời gian dài ở bệnh viện và tại gia đình, mất sức lao động, để lại những di chứng và tổn thương về mặt tinh thần không dễ gì khắc phục được. Nguyên nhân của tình trạng trên là do lãnh đạo các đơn vị chưa nắm vững những quy định của nhà nước về trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động khi để xảy ra TNLĐ. Một số đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ của mình, bỏ mặc người lao động phải chống chọi với nhiều khó khăn. Cũng có thủ trưởng đơn vị nhận thức không đúng khi người lao động bị tai nạn thì đổ hết trách nhiệm cho cơ quan BHXH. Vì lý do đó mà họ không hỗ trợ, chi trả các khoản tiền điều trị, làm cho người lao động càng bức xúc hơn. Một số trường hợp khác do bệnh thành tích mà đơn vị che giấu TNLĐ để cuối năm được khen thưởng. Trao đổi với chúng tôi về 5 trường hợp nêu trên đã nộp đủ hồ sơ nhưng chưa được BHXH tỉnh chi trả các chế độ theo quy định của nhà nước, một cán bộ phụ trách công tác chế độ chính sách của BHXH tỉnh cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do: Biên bản điều tra TNLĐ đơn vị nộp chậm so với quy định của Thông tư 26. Hồ sơ về TNLĐ cũng nộp chậm so với quy định của Thông tư liên tịch số 14 giữa Bộ LĐ-TBXH, Bộ Y tế, Tổng LĐLĐ Việt Nam (Thông tư này quy định “ Gởi biên bản điều tra tai nạn lao động do cơ sở lập cho những người bị tai nạn lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan thuộc thành phần đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố biên bản điều tra tai nạn lao động”)... Về trường hợp lập biên bản và các loại hồ sơ nộp chậm so với quy định của các Thông tư 14 và 26, đây không phải là do lỗi của người lao động mà lỗi thuộc về đơn vị sử dụng lao động. Vậy tại sao người lao động phải gánh chịu mọi hậu quả ? Mặt khác trong quá trình giải quyết các trường hợp cụ thể, BHXH Việt Nam cũng rất linh hoạt, không đổ lỗi hoàn toàn do hồ sơ nộp chậm. Trong công văn số 3222, ngày 27/9/2011 của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh ký, gởi UBND tỉnh Quảng Trị, trả lời công văn của UBND tỉnh đề nghị xem xét giải quyết chế độ BHXH về tai nạn lao động cho bà Trần Thị Gái, nêu rõ: “Thông tư nêu trên (Thông tư liên tịch số 14) không có quy định về việc từ chối chi trả chế độ cho người lao động bị tai nạn lao động vì lỗi chậm điều tra, lập biên bản tai nạn lao động”. Như vậy không thể đổ lỗi do hồ sơ, biên bản nộp chậm để khước từ, không giải quyết chính sách cho người lao động, khi Bộ LĐ-TB&XH có văn bản trả lời với nội dung nêu trên. Cũng xin nói rõ thêm, qua tìm hiểu chúng tôi được biết bà Trần Thị Gái, công tác ở Hội LHPN tỉnh bị tai nạn lao động ngày 25/2/2011, mãi tới ngày 22/3/2011 đơn vị sử dụng lao động mới gởi hồ sơ về BHXH tỉnh, thời gian nộp hồ sơ chậm gần 1 tháng nhưng vẫn được BHXH Việt Nam gởi công văn đồng ý để BHXH Quảng Trị tiếp nhận hồ sơ xem xét giải quyết chế độ TNLĐ và thực tế là bà Gái đã được hưởng chế độ của BHXH. Không ít người cho rằng trong vụ việc này cách giải quyết của cấp trên là linh hoạt, phù hợp với thực tế còn việc giải quyết của BHXH tỉnh đối với những trường hợp bị tai nạn nộp hồ sơ chậm lại quá “ chặt”, khiến cho những người lao động bị tai nạn trong tỉnh có đầy đủ hồ sơ nhưng 2-3 năm nay vẫn chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những người bị TNLĐ, theo chúng tôi cần tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của UBND tỉnh xem xét các trường hợp người lao động bị tai nạn nhưng chưa được hưởng các chế độ trợ cấp theo quy định của nhà nước, từ đó đề nghị chủ sử dụng lao động phải thực hiện. Mặt khác cần gởi văn bản đề nghị Bộ LĐTB&XH có ý kiến về các trường hợp cụ thể, trên cơ sở đó BHXH tỉnh phải thực hiện chi trả các chế độ bảo hiểm nhằm đảm bảo các quy định của nhà nước được thực thi một cách nghiêm túc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người bị TNLĐ. Ngoài ra, qua sự việc này cũng cho thấy các ngành chức năng như Sở LĐ- TB&XH, LĐLĐ tỉnh cần kịp thời mở các lớp tập huấn cho thủ trưởng các đơn vị, cán bộ công đoàn và cán bộ phụ trách về tiền lương, chế độ chính sách ở các đơn vị nắm vững văn bản pháp luật như : Luật Lao động, Luật BHXH và các thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan, từ đó có điều kiện để thực hiện, tránh tình trạng né tránh hoặc không hiểu, hoặc vì lý do nào đó bỏ mặc cho người lao động khi họ bị tai nạn cần được chăm sóc, chia sẻ, và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ cũng như quyền lợi theo quy định của nhà nước... Bài, ảnh: HOÀNG NAM BẰNG