Giữ nguồn nước để chống biến đổi khí hậu
(QT) - Với 75 km bờ biển, Quảng Trị là khu vực dễ bị tác động bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng, cường độ các loại thiên tai ngày càng mạnh hơn… Thực tế trong những năm qua, BĐKH đã tác động rõ nét đến Quảng Trị. Ngoài hạn hán, bão lụt thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc tố, lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất thường gây thiệt hại nghiêm trọng. Trận lụt lịch sử năm 1999 phá hỏng đê điều và hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, Bàu Nhum. Năm 2009, lũ ống, lũ quét tàn ...

Giữ nguồn nước để chống biến đổi khí hậu

( QT) - Với 75 km bờ biển, Quảng Trị là khu vực dễ bị tác động bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như nước biển dâng, cường độ các loại thiên tai ngày càng mạnh hơn… Thực tế trong những năm qua, BĐKH đã tác động rõ nét đến Quảng Trị. Ngoài hạn hán, bão lụt thì các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc tố, lũ quét, sạt lở đất xảy ra bất thường gây thiệt hại nghiêm trọng. Trận lụt lịch sử năm 1999 phá hỏng đê điều và hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, Bàu Nhum. Năm 2009, lũ ống, lũ quét tàn phá xã Húc Nghì, Ba Lòng (Đakrông). Nắng nóng kéo dài gây hạn hán, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền, đất canh tác bị mặn hóa, đồng ruộng khô hạn ở vùng cát ven biển, hạn hán gay gắt, khả năng giữ nước của đất cát kém đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Phát triển cây trồng trên đất cát nhằm giữ nguồn nước, chống BĐKH

Theo kết quả quan trắc môi trường cho biết, mức độ xâm nhập mặn trên các sông ở Quảng Trị đã tiến sâu hơn và độ mặn cũng tăng cao hơn. Nồng độ clorua trong nước sông (đặc trưng cho độ mặn của nước) vượt giới hạn trong nước tưới tiêu từ 2-3 lần. Trên sông Thạch Hãn, nước nhiễm mặn đã lên đến thị xã Quảng Trị; ở sông Bến Hải mức độ nước nhiễm mặn đã vượt qua cầu Hiền Lương khoảng 1 km về phía thượng lưu; ở sông Hiếu nước nhiễm mặn đã lên đến gần khu vực Cầu Đuồi, Cam Lộ. Hiện tượng xâm nhập mặn ảnh hưởng rất xấu đến khả năng canh tác nông nghiệp. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của khí hậu, sự thay đổi dòng chảy các sông, mực nước biển dâng đã và đang gây ra hiện tượng sạt lở, xói mòn bờ sông, bờ biển, phá hủy nhiều công trình kết cấu hạ tầng và cảnh quan thiên nhiên... Trước những tác động tiêu cực của BĐKH, tỉnh Quảng Trị đã xây dựng kịch bản BĐKH và nước biển dâng đến năm 2100. Theo kịch bản, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình toàn tỉnh sẽ tăng khoảng 2,8oC, lượng mưa trung bình tăng từ 7-8%, mực nước biển dâng 75 cm. Các hiện tượng khí hậu cực đoan có xu hướng xảy ra nhiều và mạnh hơn. Đây là cơ sở quan trọng cùng với đánh giá và dự báo các tác động của BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên tập trung là tài nguyên nước, tài nguyên đất, phòng chống thiên tai, nông nghiệp, thủy sản, đa dạng sinh học, đô thị, giao thông, môi trường, sức khỏe cộng đồng và dịch bệnh. Đặc biệt quan tâm đến vùng bị tác động mạnh do BĐKH như các xã Triệu Giang, Triệu Vân (Triệu Phong), Hải Quế, Hải Dương (Hải Lăng) Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Gio Hải, Trung Giang (Gio Linh). Trước thực trạng BĐKH, mấy năm trở lại đây nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực tham gia vào các dự án bảo vệ rừng ngập mặn, cải tạo vùng cát trắng. Ở một số địa phương ven biển, lâu nay người dân chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ rừng ngập mặn. Do thiếu ý thức bảo vệ nên rừng đã ô nhiễm nghiêm trọng, diện tích dần bị thu hẹp, nguồn lợi thủy sản suy kiệt ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường tỉnh triển khai dự án “Cải tạo, phục hồi môi trường và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn thôn Tân Xuân”. Khi đã nhận thức được những tác động bất lợi của BĐKH thì người dân thôn Tân Xuân, xã Gio Việt (Gio Linh) đã cùng nhau đứng ra bảo vệ khu rừng ngập mặn được ví như “lá chắn xanh nơi cửa biển”. Người dân thôn Mai Xá, Gio Mai (Gio Linh) đã tích cực bảo vệ nguồn nước và cảnh quan ở đầm Hà Coọc. Không sử dụng nguồn nước phung phí, tích cực bảo vệ cây ở trong đầm để giữ nguồn nước chống hạn hán, đem lại sự tươi mát cho xóm làng. Ở bản La Tó, xã Húc Nghì (Đakrông), bà con dân tộc Vân Kiều hiện đang tham gia trồng mây dưới tán rừng do tổ chức Birdlife International phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai. Mỗi hộ, nhóm hộ được nhận khoán 5 ha rừng để chủ động tuần tra, bảo vệ và được phép trồng, khai thác 1 ha mây nước. Qua đó người dân vừa nhận tiền chăm sóc bảo vệ rừng vừa hưởng phần lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Hiện tại, được sự hỗ trợ nguồn giống của dự án Birdlife International, 19 hộ gia đình ở thôn La Tó đã trồng hơn 30.000 hom mây dưới tán rừng phòng hộ. Hiệu quả của mô hình này là góp phần giữ nguồn nước ở thượng nguồn và mang lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện tốt kế hoạch ứng phó với BĐKH cần phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, nâng cấp đê, kè sông, đê biển, cần tăng cường quản lý tổng hợp dải ven biển, ngăn ngừa hiện tượng xâm nhập mặn, phát triển rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn nhằm hạn chế tác động của BĐKH. Tăng cường năng lực hoạt động khí tượng thủy văn, hải văn, đầu tư thêm các trạm quan trắc tự động và dự báo nhằm đánh giá đầy đủ, chính xác diễn biến của BĐKH và nước biển dâng. Mặt khác cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội về BĐKH. Đồng thời tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ quốc tế thông qua các hoạt động hợp tác, tài trợ đào tạo để cùng hành động vì mục tiêu ứng phó với BĐKH trên địa bàn. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA