(QT) - Thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ). Trong đó, chiến dịch khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe “Ấm tình nhân ái - Vì sức khỏe phụ nữ vùng biên cương”cho phụ nữ miền núi thuộc 3 xã A Bung, A Ngo và Pa Nang (Đakrông) được xem là cách làm hiệu quả góp phần vào công tác CSSKSS/KHHGĐ và ổn định dân số.
![]() |
Phụ nữ xã Pa Nang được cán bộ y tế tư vấn về CSSKSS/KHHGĐ |
Theo đoàn công tác của Trung tâm CSSKSS tỉnh, chúng tôi có mặt ở xã Pa Nang, nơi diễn ra chiến dịch khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho đồng bào vùng cao. Như thành thông lệ, mỗi lần tổ chức chiến dịch, đông đảo chị em phụ nữ trên địa bàn đều thu xếp công việc nhà, đến trạm y tế từ sáng sớm để được thăm, khám, điều trị bệnh. Chị Hồ Thị Ba, Chủ tịch Hội LHPN xã Pa Nang cho biết: “Chiến dịch CSSKSS là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ vùng cao, qua đó kịp thời phát hiện, điều trị kịp thời nhiều bệnh, đem lại sức khỏe tốt cho chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, mỗi người tham gia chiến dịch đều được tư vấn về KHHGĐ, từ chỗ nâng cao nhận thức về lợi ích của mô hình gia đình ít con nên tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở trên địa bàn xã Pa Nang thời gian qua đã giảm đáng kể, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt”. Cùng trò chuyện, chị Hồ Thị Lan, thôn Tà Rẹc cho biết: “Mỗi năm chúng tôi được tham gia CSSKSS tại trạm 2 đợt, qua đó chị em được khám chữa bệnh miễn phí, đươc tư vấn về thực hiện KHHGĐ. Thấy rõ lợi ích của chiến dịch nên mỗi lần trạm y tế thông báo, chị em phụ nữ bản trên bản dưới đều thu xếp công việc để tham gia đầy đủ”.
Do đặc thù của các địa phương vùng sâu, vùng xa có địa hình khó khăn, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, điều kiện chăm sóc y tế và phúc lợi xã hội còn thiếu nên vấn đề tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em ở vùng sâu, vùng xa đang là vấn đề ưu tiên trong chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Với mục đích nâng cao nhận thức cho người dân các xã miền núi nói chung, đặc biệt là các vấn đề về chăm sóc sức khỏe ban đầu, CSSKSS/KHHGĐ và các nội dung liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em…Qua đó, tạo cơ hội cho phụ nữ vùng dân tộc miền núi, đặc biệt là phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận gần hơn với các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ.
Được biết, chiến dịch lần này thu hút trên 500 phụ nữ đến khám và tư vấn sức khoẻ sinh sản. Tại đây nhiều phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, nâng cao kiến thức cho bản thân. Chiến dịch tập trung truyền thông cao điểm, tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cung cấp các dịch vụ khám, cấp thuốc một số bệnh thông thường của phụ nữ; cung cấp các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ như siêu âm, xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú, dịch vụ KHHGĐ tại các xã theo nội dung, yêu cầu chiến dịch. Qua đây nhiều phụ nữ được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị do mắc một số bệnh thường gặp…“Qua thăm khám, đa số chị em phụ nữ ở đây mắc các bệnh lý thông thường như viêm nhiễm, các bệnh nấm về phụ khoa. Chúng tôi khuyến khích chị em phụ nữ đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và khám định kỳ” bác sĩ Văn Thị Mỹ Hương, Trưởng Khoa Bà mẹ - KHHGĐ, Trung tâm CSSKSS tỉnh cho biết.
Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác CSSKSS và dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ vùng cao, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị, cho biết thêm:“Ngành Y tế sẽ tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân biết cách chủ động chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, tiếp tục tuyên truyền về các vấn đề tảo hôn, cận huyết đối với người đồng bào dân tộc để góp phần nâng cao sức khoẻ bà mẹ trẻ em. Bên cạnh công tác truyền thông, chúng tôi còn cung cấp các dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ một cách thuận tiện, an toàn hiệu quả cho người dân. Về lâu dài, ngành Y tế cũng đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách riêng cho người dân vùng khó”.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng chiến dịch CSSKSS/KHHGĐ đến vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cuả người dân, đặc biệt là các xã vùng cao về chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hóa gia đình. Kết quả đạt được đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao.
Phan Thanh Hải