Hôm nay 8/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
![]() |
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng tham gia thảo luận và dự thảo- Ảnh: PT |
Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là văn bản quan trọng quy định về trình tự, thủ tục hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan và đại biểu Quốc hội, về thẩm quyền các chủ thể tham gia kỳ họp nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội nói chung, kỳ họp nói riêng.
Tham gia thảo luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho rằng quy định về việc tổ chức Kỳ họp bất thường đã cụ thể hóa nội dung về Kỳ họp Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội. Quốc hội họp theo thường lệ hay họp bất thường đều phải tuân thủ đầy đủ nội dung, quyền hạn của Quốc hội theo luật định và được thực hiện theo quy trình thống nhất chung.
Vì vậy, quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức Kỳ họp bất thường” là chưa hợp lý. Theo đại biểu, cần thống nhất quy trình tổ chức Kỳ họp bất thường giống như Kỳ họp thường lệ, phải do Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền.
Về quy định bầu Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, đại biểu Hoàng Đức Thắng chỉ rõ, Điều 42 dự thảo Nghị quyết đã quy định cụ thể về trình tự thủ tục bầu chức danh này. Quy trình này kết thúc bằng việc Chủ tọa phiên họp hoàn thiện hồ sơ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phê chuẩn gồm: tờ trình, biên bản họp Đoàn, biên bản kiểm phiếu theo mẫu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung nội dung: Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, công bố và trao quyết định cho rtưởng đoàn, phó trưởng đoàn ĐBQH để đảm bảo sự trang trọng. Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung điều khoản về việc bảo đảm cơ sở vật chất, ăn nghỉ đi lại cho đại biểu trong quá trình tham dự kỳ họp. Có các biện pháp phòng ngừa, xử lý trong trường hợp phát sinh dịch bệnh, bảo đảm an toàn chăm sóc sức khoẻ y tế cho các đại biểu khi tham dự kỳ họp.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung các quy định cụ thể về trang phục, hành vi của các đại biểu khi dự họp, trong các nghi lễ tại kỳ họp để đảm bảo tính trang nghiêm trong các hoạt động của Quốc hội.
Phương Thanh