Tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu
(QT) - Hiện nay gần 22.000 ha lúa hè thu đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển, song cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên lúa như rầy lưng trắng, chuột, bệnh nghẹt rễ, tuyến trùng, sâu đục thân, dòi đục nõn... Đây là thời điểm rất quan trọng của cây lúa, nếu để các đối tượng sâu bệnh trên phát sinh và gây hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để ...

Tích cực phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu

(QT) - Hiện nay gần 22.000 ha lúa hè thu đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ. Thời tiết khá thuận lợi cho lúa sinh trưởng và phát triển, song cũng là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sâu bệnh phát sinh và gây hại trên lúa như rầy lưng trắng, chuột, bệnh nghẹt rễ, tuyến trùng, sâu đục thân, dòi đục nõn... Đây là thời điểm rất quan trọng của cây lúa, nếu để các đối tượng sâu bệnh trên phát sinh và gây hại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Vì vậy, nông dân cần thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh ngay từ khi mới xuất hiện, đặc biệt là chú ý phòng trừ diệt rầy tốt để phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa. Rầy lưng trắng hiện đã xuất hiện lứa 2 trên rải rác các địa phương toàn tỉnh với mật độ phổ biến 300- 500 con/m 2 , có nơi mật độ cao từ 700- 1.000 con/m 2 . Rầy có khả năng di chuyển theo hướng xuôi gió với khoảng cách rất xa. Cả rầy non và trưởng thành đều sống gần gốc lúa, chích hút ngay thân lúa. Lúa ở thời kỳ đẻ nhánh nếu bị hại kịp thời phun trừ thì lúa có khả năng bù nhánh được nhưng lúa ở thời kỳ làm đòng và trổ nếu bị rầy gây hại với mật độ cao thì tác hại rất nghiêm trọng, làm cho lúa năng suất lúa giảm rõ rệt, có khi mất trắng.

Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng

Biện pháp phòng là vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ để hạn chế cỏ dại, lúa chét, chọn giống kháng rầy, gieo thưa hợp lý, bón phân cân đối, đúng liều lượng, đúng lúc sẽ tạo điều kiện cho cây lúa phát triển tốt; không để ruộng bị khô nước, ở những nơi chủ động nước có thể dâng cao mực nước từ 10- 25 cm (ngang cổ lá) để diệt trứng rầy; dùng bẫy đèn để thu hút và tiêu diệt rầy trưởng thành (chủ yếu là rầy cánh dài). Thăm đồng thường xuyên, chú ý theo dõi rầy phát sinh vào thời kỳ lúa bắt đầu làm đòng đến khi trổ, nhất là trên các giống nhiễm rầy, vùng ổ dịch hàng năm. Nếu ruộng bị nhiễm rầy thì tuỳ theo mật độ rầy và giai đoạn sinh trưởng của cây lúa mà sử dụng các loại thuốc phù hợp để diệt rầy. Giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng nên dùng các loại thuốc nội hấp mạnh để trừ rầy. Các loại thuốc này có khả năng xâm nhập lá, thân tốt nên khi phun không cần rẽ hàng vẫn tiêu diệt được rầy dưới gốc. Phổ biến cho nhóm thuốc lưu dẫn hiện nay bao gồm Actara 25WG, Chess 50WG, Alika 247ZC, thuốc điều hoà sinh trưởng côn trùng Applaud 10WP... Giai đoạn trổ trở về sau, khả năng hấp thu của cây lúa kém dần nên sử dụng thuốc tiếp xúc như Bassa 50EC, Acmada 50EC, Vicondor 50EC, Midan 10WP , Trebon 10EC, Legend 800WG... Để diệt trứng rầy phòng tái phát lứa sau nên dùng hỗn hợp một trong những thuốc trên với thuốc Applaud hay Difluent 10 EC để phun cùng lúc. Khi phun trừ rầy giai đoạn lúa trổ về sau phải rẽ hàng và phun trực tiếp vào gốc lúa nơi rầy cư trú mới tiêu diệt được rầy tận gốc. Đối với bệnh lùn sọc đen, cây lúa bị bệnh lùn xuống, đầu lá xoăn lại, mép lá bị xoăn và có sáp sần sùi, trên ống rạ có lớp sáp và có sọc đen, chạy dọc theo gân chính, bụi lúa bị lùn có màu xanh đậm, bị nặng cây lúa khô lụi dần và chết. Bệnh này gây hại từ khi lúa mới gieo cho đến khi trổ và chín. Nguyên nhân gây bệnh lùn sọc đen và lây lan chủ yếu do rầy lưng trắng và rầy nâu nhỏ. Để chủ động phòng chống bệnh cần thực hiện tốt một số biện pháp như sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt; thời vụ gieo trồng trong một vùng phải tập trung; vệ sinh đồng ruộng; duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy chích hút thân lúa. Không bón quá thừa đạm, tăng lượng lân và kaly, thường xuyên thăm đồng để phát hiện sự xuất hiện của rầy trên ruộng lúa. Giai đoạn từ khi gieo đến 30 ngày, nếu phát hiện có rầy thì phun xịt thuốc bằng các loại thuốc có gốc Buprofezin, tuyệt đối cấm sử dụng thuốc gốc tổng hợp (Pyrethroids) và lân hữu cơ trong giai đoạn này để tránh làm chết thiên địch và gây bộc phát rầy nâu sau này. Giai đoạn từ sau khi sạ 30 ngày đến thu hoạch, thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm dịch bệnh và có biện pháp quản lý kịp thời. Trên ruộng có cây lúa bị bệnh thì tiến hành nhổ bỏ, những ruộng bị bệnh nhẹ, cần tích cực sử dụng các biện pháp chăm sóc, có thể dùng các loại phân bón lá, nhằm tăng khả năng phục hồi quần thể ruộng lúa. Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp để chống cháy rầy cuối vụ . Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh đối với cây lúa trong thời gian tới sẽ tăng thêm. Do đó, nông dân cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng chống để bảo vệ sản xuất vụ hè thu một cách có hiệu quả nhất. Bài, ảnh: TRẦN ANH MINH