“Nhóm trẻ U3”, sân chơi bổ ích ở vùng khó
(QT) - Nhận thấy phần lớn trẻ nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiệt thòi về nhiều mặt, ngoài đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non, gần 3 năm nay huyện Hướng Hóa phối hợp với một số chương trình, dự án thành lập các nhóm sinh hoạt dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi (gọi tắt là nhóm trẻ U3). Đây là sân chơi bổ ích nhằm rèn luyện các kĩ năng cơ bản giúp trẻ phát triển hài hòa về ngôn ngữ, trí tuệ, tình cảm, tâm lí, thẩm mĩ; giúp cho các bà mẹ có con nhỏ có thêm nhiều kiến thức, kĩ năng nuôi dạy ...

“Nhóm trẻ U3”, sân chơi bổ ích ở vùng khó

(QT) - Nhận thấy phần lớn trẻ nhỏ vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiệt thòi về nhiều mặt, ngoài đầu tư phát triển cho giáo dục mầm non, gần 3 năm nay huyện Hướng Hóa phối hợp với một số chương trình, dự án thành lập các nhóm sinh hoạt dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi (gọi tắt là nhóm trẻ U3). Đây là sân chơi bổ ích nhằm rèn luyện các kĩ năng cơ bản giúp trẻ phát triển hài hòa về ngôn ngữ, trí tuệ, tình cảm, tâm lí, thẩm mĩ; giúp cho các bà mẹ có con nhỏ có thêm nhiều kiến thức, kĩ năng nuôi dạy con tốt hơn.

Trẻ nhỏ ở vùng cao Hướng Hóa rất thích thú tham gia các hoạt động của nhóm trẻ U3​

Đều đặn từ năm 2016 đến nay, định kì 1 tháng 1 lần, các nhóm trẻ U3 ở xã Thanh tổ chức sinh hoạt. Mỗi nhóm có từ 20 - 25 cặp bà mẹ và trẻ nhỏ tập trung đông đủ tham gia nội dung sinh hoạt do ban chủ nhiệm nhóm là cán bộ hội phụ nữ xã, thôn và tình nguyện viên ở địa phương xây dựng, triển khai. Nội dung và hình thức sinh hoạt ở mỗi nhóm khá phong phú như chuẩn bị các đồ chơi, vật dụng, tranh ảnh nhiều màu sắc giúp trẻ nhận biết, làm quen những sự vật xung quanh, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của trẻ. Hướng dẫn cho các bà mẹ cách nuôi dạy, chăm sóc con như thế nào cho phù hợp với từng lứa tuổi, nhất là độ tuổi từ 1 - 3; cách chế biến các món ăn giàu chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ; tập cho trẻ đi, đứng, hát, múa; tận dụng những vật dụng bỏ đi hằng ngày để làm đồ chơi cho trẻ… Với cách sinh hoạt luôn mới, phù hợp với đối tượng, buổi sinh hoạt của nhóm trẻ U3 nào cũng diễn ra sôi nổi. Đa số cháu nhỏ tỏ ra thích thú, tập trung chú ý vào các bài dạy của người hướng dẫn; các bà mẹ nhiệt tình tham gia những câu hỏi đáp về kiến thức liên quan đến chăm sóc, nuôi dạy trẻ và tích cực thực hành một số nội dung tại chỗ sau khi tiếp thu lí thuyết mà ban chủ nhiệm nhóm truyền đạt. Chị Hồ Thị Hương ở thôn Thanh 1, xã Thanh cho biết: “Việc tham gia sinh hoạt tại nhóm trẻ U3 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho mẹ con tôi cũng như phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Với nội dung, cách thức sinh hoạt tại nhóm, tôi thấy con mình tiến bộ rõ rệt hẳn, cháu nhận biết các con vật, đồ dùng, màu sắc xung quanh rất nhanh và chính xác. Ở nhà, tôi áp dụng các kiến thức học được ở nhóm trẻ U3 để nuôi dạy con như chế biến các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tìm các chai lọ, vật dụng bỏ đi làm đồ chơi cho con, dạy con múa, hát, vì thế cháu mạnh dạn, tự tin hơn trước đông người…Nhờ có Nhóm trẻ U3 mà trẻ nhỏ trong thôn có môi trường vui chơi an toàn và lành mạnh, các bà mẹ luôn tìm thấy niềm vui trong việc đồng hành và giúp con phát triển toàn diện”. Với nội dung và hình thức sinh hoạt phong phú, phù hợp, sau một thời gian đi vào hoạt động, từ vài nhóm trẻ U3 năm 2016 đến nay toàn huyện phát triển lên 45 nhóm, thu hút gần 1.000 trẻ nhỏ và bà mẹ ở 8 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xã Húc và 7 xã vùng Lìa) tham gia. Để duy trì và phát triển các nhóm trẻ U3 hiệu quả, ban chủ nhiệm nhóm phải là những người thực sự có tâm huyết, dành nhiều thời gian tìm tòi, sáng tạo để xây dựng kế hoạch, nội dung sinh hoạt từng tháng nhằm thu hút sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của bà mẹ, trẻ em trong nhóm. Đặc biệt, mạng lưới tình nguyện viên của các nhóm rất nhiệt tình (toàn huyện có 45 tình nguyện viên). Những tình nguyện viên của các nhóm vừa là người địa phương, vừa là những người được đào tạo kiến thức cơ bản tham gia hướng dẫn trẻ nhỏ và bà mẹ thực hành những hoạt động trong các dịp sinh hoạt nhóm. Chị Hồ Thị Nhạt, tình nguyện viên nhóm trẻ U3 ở xã Thanh chia sẻ: “Trước và trong quá trình thành lập, hoạt động của nhóm trẻ U3, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn cơ bản về kĩ năng nuôi dạy trẻ nhỏ. Để các buổi sinh hoạt nhóm trẻ tạo sức thu hút đối tượng, chúng tôi tự tìm tòi, học hỏi thêm kĩ năng truyền đạt, kĩ năng quản lí, điều hành sinh hoạt nhóm phù hợp với bà mẹ, trẻ nhỏ trên sách báo, ti vi và mạng internet. Nhờ vậy, các đối tượng tham gia sinh hoạt luôn tỏ ra thích thú bởi nội dung sinh hoạt ít trùng lặp mà luôn mới”.

Được biết, từ năm 2016 - 2018, hoạt động của nhóm trẻ U3 do các trường mầm non thuộc vùng dự án quản lí. Thời gian này, các nhóm trẻ được một số chương trình, dự án hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cho ban chủ nhiệm các nhóm trẻ U3; hỗ trợ kinh phí hoạt động, mua sắm các đồ dùng, đồ chơi cho trẻ ở một số nhóm. Từ đầu năm 2019 đến nay, các nhóm trẻ U3 được bàn giao cho hội LHPN huyện, hội LHPN các xã quản lí. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong vấn đề kinh phí hoạt động của các nhóm trẻ nhưng với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và đào tạo, Hội LHPN huyện, chính quyền các địa phương, các nhóm trẻ U3 vẫn được duy trì, phát triển tốt. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hướng Hóa Hồ Thị Thanh Thủy cho biết: “Thời gian qua, nhóm trẻ U3 đã góp phần cung cấp kiến thức và rèn luyện những kĩ năng cơ bản về phát triển trí tuệ cho trẻ nhỏ và những kiến thức bổ ích, phương pháp nuôi dạy con cho các bà mẹ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của nhóm trẻ U3 những năm qua, thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ nhân rộng nhóm trẻ này ra các xã vùng đặc biệt khó khăn trong toàn huyện. Đối với đội ngũ tình nguyện viên của các nhóm, hội sẽ quan tâm phối hợp với các chương trình, dự án tập huấn bổ sung phương pháp, kĩ năng điều hành, quản lí nhóm giúp hoạt động của các nhóm trẻ U3 ngày càng tốt hơn”.

Kô Kăn Sương