Tạo cho trẻ em môi trường phát triển toàn diện
(QT) - Trẻ em là một trong những đối tượng được quan tâm đặc biệt trong xã hội ngày nay. Nhiều chương trình lớn của quốc gia thực hiện với mục đích nâng cao công tác bảo vệ trẻ em đã phổ biến ở các địa phương để có thể theo dõi cũng như đưa ra định hướng bảo vệ các em một cách tốt nhất. Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 19/2004/QĐ- TTg về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng ...

Tạo cho trẻ em môi trường phát triển toàn diện

(QT) - Trẻ em là một trong những đối tượng được quan tâm đặc biệt trong xã hội ngày nay. Nhiều chương trình lớn của quốc gia thực hiện với mục đích nâng cao công tác bảo vệ trẻ em đã phổ biến ở các địa phương để có thể theo dõi cũng như đưa ra định hướng bảo vệ các em một cách tốt nhất. Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 19/2004/QĐ- TTg về việc phê duyệt chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004-2010. Quá trình thực hiện đã đạt được nhiều thành công bước đầu. Đến năm 2010 chương trình tạm dừng để nhường chỗ cho một chương trình lớn hơn và rộng hơn về quy mô là Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em. Một trong những nội dung chính của chương trình là xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em ở cộng đồng với mục đích thành lập ban bảo vệ trẻ em từ cấp tỉnh/ thành phố, huyện/thị xã, xuống đến xã/phường nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em. Quảng Trị là một trong 6 tỉnh được chọn làm thí điểm cho mô hình này.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức hệ thống bảo vệ trẻ em ở xã Vĩnh Long.

Mô hình đã được triển khai trên 7 xã thuộc hai huyện Vĩnh Linh và Đakrông. Bước đầu mô hình đã giúp theo dõi được các gia đình có trẻ em trước nguy cơ bị bạo hành. Đồng thời thiết lập được hệ thống giám sát báo cáo trên các địa bàn với đội ngũ cộng tác viên được tổ chức tập huấn, đào tạo bài bản, cụ thể. Hệ thống các trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh, huyện và các điểm tư vấn cho trẻ em được thành lập. Đặc biệt mô hình đã giúp tăng cường sự tham gia của trẻ em cùng với gia đình để tiếp thu kiến thức, luyện tập các kỹ năng bảo vệ... Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng việc triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế như vấn đề bảo vệ trẻ em chưa triển khai thật sâu sát ở địa bàn thôn, bản, khu phố (nơi phát sinh mọi gốc rễ của bạo hành, xâm hại hay ngược đãi…). Các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, huyện đều mới chỉ dừng ở cấp xã còn đối với các cấp dưới vẫn đang bỏ ngõ. Trước tình hình đó, Sở Lao động-Thương binh&Xã hội tỉnh Quảng Trị nhận thấy cần phải xây dựng một bản Quy ước bảo vệ trẻ em bền vững ở thôn, bản, khu phố để từ đó huy động sức mạnh cộng đồng tham gia vào quy ước, phát hiện ngăn chặn các hành xâm hại ngược đãi, qua đó bảo vệ được các em ngay từ trong gia đình, thôn, bản, khu phố. Bản quy ước đã được triển khai vào tháng 4/2011 với sự phối hợp của Sở Lao động-Thương binh&Xã hội cùng Phòng Tư pháp và UBND hai huyện Đakrông và Vĩnh Linh. Trong đó xã Vĩnh Long (Vĩnh Linh) với 14 thôn và xã Đakrông (Đakrông) có 7 thôn tham gia là 2 xã được chọn làm mô hình điểm. Trong quá trình thực hiện và triển khai quy ước ở 2 xã nói trên, các cán bộ cấp trên cùng chính quyền địa phương các xã đã giải thích và triển khai bản quy ước đến với từng hộ dân thông qua đội ngũ trưởng thôn và cộng tác viên tuyến xã. Với những nội dung liên quan thiết thực đến các vấn đề bảo vệ trẻ em trong phạm vi thôn, bản khu, phố, bản quy ước đã được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, cùng nhau xây dựng bản quy ước ngày càng một hoàn thiện. Ông Trần Văn Thành, Trưởng Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết “Việc xây dựng Quy ước bảo vệ trẻ em bền vững là bước đi giúp hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em từ cấp tỉnh tới tận gia đình. Bước đầu triển khai thông qua ở 21 thôn thuộc 2 xã Vĩnh Long và Đakrông, chúng tôi nhận thấy gần 100% nhân dân các thôn đều ý thức được tầm quan trọng của bản quy ước này vì nó là xương sống cho tất cả các hoạt động bảo vệ trẻ em ở thôn, bản, khu phố. Những vấn đề nan giải trước đây như nạn tảo hôn, bỏ học, bạo hành trẻ em, uống rượu bia, chơi game... được đưa ra bàn bạc và nhân dân đồng lòng cam kết cao”. Để việc triển khai quy ước đạt hiệu quả cao, theo ông Thành, lãnh đạo xã cần phải quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ thường xuyên các thôn giúp nhân dân tích cực tham gia đầy đủ và hiệu quả, từ đó giúp trẻ em được sống trong một môi trường phù hợp và phát triển toàn diện. Bài, ảnh: TRẦN VĂN NHÂN