Toàn tỉnh có 26 trang trại đạt tiêu chí mới
(QT) - Theo quy định tiêu chí về trang trại ở Thông tư 27/2011/TT Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thì hiện nay tỉnh Quảng Trị chỉ có 26 trang trại đạt tiêu chí mới, giảm 876 trang trại so với năm 2010. 26 trang trại được công nhận tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh 12; Gio Linh 5; Triệu Phong 3; Hải Lăng 3; Cam Lộ 2 và thị xã Quảng Trị 1; những địa phương như: Hướng Hóa, Đakrông, thành phố Đông Hà không có kinh tế trang trại.

Toàn tỉnh có 26 trang trại đạt tiêu chí mới

(QT) - Theo quy định tiêu chí về trang trại ở Thông tư 27/2011/TT Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thì hiện nay tỉnh Quảng Trị chỉ có 26 trang trại đạt tiêu chí mới, giảm 876 trang trại so với năm 2010. 26 trang trại được công nhận tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh 12; Gio Linh 5; Triệu Phong 3; Hải Lăng 3; Cam Lộ 2 và thị xã Quảng Trị 1; những địa phương như: Hướng Hóa, Đakrông, thành phố Đông Hà không có kinh tế trang trại.

Nhiều cơ sở sản xuất đạt yêu cầu về diện tích nhưng vẫn chưa được công nhận là trang trại do hiệu quả kinh tế thấp

Sở dĩ số trang trại của tỉnh giảm nhanh là vì theo quy định Thông tư 27 của Bộ NN&PTNT để được công nhận là trang trại các cơ sở trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tổng hợp phải đạt diện tích trên mức hạn điền tối thiểu 2,1 ha, giá trị sản lượng hàng hóa phải đạt 700 triệu đồng/ năm; đối với cơ sở chăn nuôi phải đạt 1 tỷ đồng/năm. Các trang trại trên địa bàn tỉnh tuy có quy mô sử dụng đất nông - lâm - ngư nghiệp lớn nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh của phần lớn trang trại còn thấp, không đáp ứng được tiêu chí giá trị sản lượng hàng hóa phải đạt trên 700 triệu đồng/năm. Chỉ tính riêng 26 trang trại đạt tiêu chí mới thì tổng diện tích sử dụng lên tới 553 ha đất (bình quân trên 21 ha/trang trại) và 228 lao động thường xuyên (bình quân 8,7 lao động/trang trại)… nhưng tổng thu doanh thu cũng chỉ đạt gần 50 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân mà nhiều nông hộ, cơ sở sản xuất có diện tích đất sử dụng và lao động nhiều nhưng không đạt được tiêu chí về giá trị sản phẩm hàng hóa để được công nhận trang trại là do khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các trang trại còn hạn chế, việc liên kết tiêu thụ còn yếu; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao, chủ yếu là sản phẩm thô, chưa qua chế biến, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, khó cạnh tranh trên thị trường nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng cũng như chủ cơ sở sản xuất cần quan tâm tháo gỡ, để các cơ sở sản xuất sớm đạt tiêu chí trang trại, từ đó có điều kiện thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước, vươn lên sản xuất hiệu quả, làm giàu cho mình và góp phần xây dựng quê hương. Tin, ảnh: L.T