Nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới
* Đồng chí Nguyễn Thế Lập, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị Cán bộ công đoàn là khâu quan trọng có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Thực tế phong trào công nhân, hoạt động công đoàn cho thấy “cán bộ nào phong trào ấy”, ở đâu cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ, có khả năng vận động, tập hợp quần chúng, có bản lĩnh và tâm huyết với phong trào công nhân, hoạt động công đoàn thì ở đó phong trào công nhân, hoạt động công đoàn phát triển, quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng ủa công nhân, viên chức, lao động được bảo đảm, vị thế của công đoàn được nâng lên, người lao động tin tưởng và gắn bó với tổ chức công đoàn. Ngược lại, ở đâu đội ngũ cán bộ công đoàn hạn chế về năng lực, trình độ, không tâm huyết với phong trào công nhân, hoạt động công đoàn, thì ở đó phong trào công nhân, hoạt động công đoàn không thể mạnh được. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công đoàn tỉnh Quảng Trị luôn được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành cùng với phong trào công nhân viên chức lao động. Hiện nay, với số lượng 4.450 cán bộ công đoàn các cấp, trong đó có 74 cán bộ chuyên trách với gần 60 ngàn đoàn viên, CNVC, LĐ, hầu hết cán bộ công đoàn đều có phẩm chất đạo đức tốt, phát huy hết năng lực của mình, tận tụy vì sự nghiệp công đoàn.
 |
Đồng chí Mai Thức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến ký kết thi đua năm 2013 - Ảnh: T.D |
Nhờ quan tâm đến công tác cán bộ công đoàn, nên chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nội dung, hình thức hoạt động công đoàn không ngừng được đổi mới và ngày càng phong phú, đa dạng. Các cấp công đoàn đã năng động, sáng tạo vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Hoạt động công đoàn ngày càng thực hiện tốt hơn các chức năng của mình, đặc biệt là thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động, tạo được niềm tin yêu của công nhân, viên chức, lao động. Tuy nhiên trong tình hình mới, với yêu cầu đòi hỏi của tổ chức, của cách mạng, sự phát triển năng động của cơ chế thị trường, đa dạng các loại hình doanh nghiệp thì thực trạng trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn yếu, không theo kịp với cơ chế quản lý kinh tế và thực tiễn địa phương. Tính năng động, sáng tạo của một số cán bộ công đoàn chưa cao, khả năng nhạy bén, nắm bắt tình hình, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, bệnh hành chính, quan liêu, kinh nghiệm chủ nghĩa còn khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ công đoàn. Do vậy, vấn đề nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn rất quan trọng, quyết định đến đổi mới tổ chức, nội dung, phương pháp hoạt động công đoàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, việc nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn là một nhiệm vụ không đơn giản, vì nói đến năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn là nói đến đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh chính trị vững vàng trên cơ sở lập trường giai cấp công nhân, trung thành tuyệt đối với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn ngành nghề thuộc lĩnh vực mình công tác, am hiểu về pháp luật, có kiến thức về lý luận, nghiệp vụ công tác công đoàn, có khả năng, năng lực vận động, thuyết phục quần chúng và tổ chức cho quần chúng hoạt động, có tâm huyết với công tác công đoàn. Trong khi, hiện nay hầu hết đội ngũ cán bộ công đoàn đang hoạt động kiêm nhiệm, thời gian, điều kiện dành cho hoạt động công đoàn rất khó khăn; các chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn cũng chưa đồng bộ, hấp dẫn; cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa được hoàn chỉnh... Bởi vậy, để nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn, trước tiên tổ chức công đoàn phải coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng tổng hợp các biện pháp đồng bộ, từ khâu quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đến sử dụng và thực hiện các chính sách đối với cán bộ.
 |
Chú trọng nâng cao tay nghề cho lực lượng công nhân lao động - Ảnh: TL |
Mặt khác, việc nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh cán bộ công đoàn nếu chỉ có sự nỗ lực của bản thân tổ chức công đoàn thì chưa đủ và khó có thể thực hiện tốt được mà cần có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, coi công tác cán bộ công đoàn là bộ phận của công tác cán bộ của Đảng để quan tâm lãnh đạo quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, tạo cơ hội, điều kiện để cán bộ công đoàn làm việc, cống hiến và phát triển. Quan tâm lãnh đạo xây dựng, hoàn thiện những cơ chế, chính sách và kiểm tra thực hiện cơ chế chính sách đối với cán bộ quần chúng nói chung, cán bộ công đoàn nói riêng, nhằm tạo động lực, thu hút, động viên khuyến khích đội ngũ cán bộ công đoàn phấn đấu rèn luyện nâng cao năng lực trình độ và nhiệt tình, tâm huyết với phong trào công nhân, hoạt động công đoàn. Để nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh cho cán bộ công đoàn đối với tổ chức Công đoàn cần phải quán triệt, thực hiện một số quan điểm và giải pháp cơ bản sau: Trước tiên, cần quán triệt sâu sắc việc nâng cao năng lực cán bộ công đoàn là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp công đoàn nhằm góp phần xây dựng tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi cá nhân, tập thể trong việc đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và cơ cấu. Nâng cao năng lực, trình độ và bản lĩnh của cán bộ công đoàn phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của phong trào công nhân viên chức lao động và hoạt động công đoàn. Các cấp công đoàn phải hướng mạnh về cơ sở, bám sát phong trào cách mạng của quần chúng để từ phong trào quần chúng phát hiện, lựa chọn các đoàn viên công đoàn ưu tú có tâm huyết, năng khiếu và bản lĩnh trong tổ chức hoạt động quần chúng để quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng thành cán bộ công đoàn. Cần quan tâm nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, chức danh từng loại cán bộ phù hợp với từng cấp, từng thành phần kinh tế để làm cơ sở tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và đánh giá cán bộ công đoàn. Đẩy mạnh và không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ và bản lĩnh cán bộ công đoàn. Chú trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về tổ chức hoạt động công đoàn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, làm cơ sở trong quá trình đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Các cấp công đoàn cần bám sát và tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ công đoàn, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ công đoàn được học tập, làm việc, tiếp xúc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, chủ động nghiên cứu đề xuất những cơ chế bảo vệ, động viên, khuyến khích kịp thời về mặt vật chất, tinh thần đối với cán bộ công đoàn, tạo động lực khuyến khích cán bộ công đoàn nỗ lực vươn lên trong học tập, công tác. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý cán bộ công đoàn. Công tác kiểm tra giám sát cán bộ công đoàn phải được tiến hành từ hai phía: lãnh đạo quản lý, cấp uỷ, thủ trưởng, ban chấp hành công đoàn, các tổ chức chính trị và quần chúng. Khi kiểm tra đánh giá cán bộ công đoàn cần đánh giá khách quan trung thực, toàn diện, phải đề cao tính tập thể và tính kịp thời trong đánh giá cán bộ công đoàn và có kết luận cụ thể rõ ràng, công tác kiểm tra đánh giá cán bộ công đoàn phải đạt được mục đích nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn.